Hiểu đúng, nói đúng, làm đúng!

Hiểu đúng, nói đúng, làm đúng!

Vào ngày 17-10, một đoạn phim ghi lại cảnh người cha biểu hiện say xỉn, giữ chặt tay con nhỏ, quát mắng và có những cử chỉ bạo hành được đăng tải trên mạng xã hội. Đoạn phim đã gây ra phản ứng tương đối tiêu cực từ phía cộng đồng mạng khi cho rằng hành vi của người cha không thể chấp nhận được khi ra tay bạo hành chính con ruột của mình. Lấy lý do bức xúc trước hình ảnh đó, tài khoản có hàng triệu lượt theo dõi mang tên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã “treo thưởng 20 triệu” cho ai “xử” được người cha này. Một ngày sau, rất đông người truy tìm ra địa chỉ nhân vật người cha và xông vào đánh đập. Đám đông chỉ dừng lại khi lực lượng công an đến can thiệp.

Đối với người tự xưng là chủ tài khoản Đàm Vĩnh Hưng (ĐVH), có lẽ mục đích ban đầu đã thực hiện được khi người cha kể trên đã bị trừng trị (theo đúng nghĩa đen). Nhưng liệu với hành vi kích động, kêu gọi “tẩn” người cha đó, những con người ảo này đã thực sự hiểu đúng, nói đúng và làm đúng?

Hiểu đúng, nói đúng, làm đúng!

Hiểu đúng?

Về lý thuyết, để đánh giá về sự vật, hiện tượng , chúng ta cần có cái nhìn khách quan, trung thực về những gì thực tế đã xảy ra. Trong trường hợp đã đề cập ở trên, chủ tài khoản ĐVH có lẽ đã bị “dắt mũi” bởi chính người đăng tải clip bạo hành của người cha đối với con trai. Thực tế, vụ việc đã xảy ra từ cách đó 2 năm trời. Từ đó đến nay, mối quan hệ của những nhân vật trong clip đã có sự thay đổi. Vợ chia tay chồng, cha chia tay con. Trong diễn biến mới nhất thì trước ngày bị những kẻ quá khích hành hung, người cha đang trong công tác chuẩn bị cho đám cưới mới. Như vậy, một mặt khi tiếp nhận thông tin về clip đã đăng tải, chúng ta – những người đang sử dụng mạng xã hội đã bị “dắt mũi” khi chưa hiểu rõ động cơ thực sự đằng sau việc đăng tải clip này. Đó là hiểu sai chứ không phải đúng.

Cần phải cách ly, loại trừ những kẻ vô lương tâm, độc ác, bạo hành trẻ em một cách máu lạnh như thế này ra khỏi xã hội này! Đây là câu nói đầu tiên trong bài post kêu gọi của tài khoản ĐVH.

Về bản chất, nội dung câu nói này là đúng khi đưa ra phương án hợp lý đối với hành vi bạo hành trẻ em của một số đối tượng. Tuy nhiên, vẫn là con người đó, những với câu nói tiếp theo đã khiến nội dung được hiểu theo một nghĩa khác: “Trước khi pháp luật trừng trị nó”. Vậy xin hỏi chúng ta đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Vậy nếu những hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội lại dùng chính những hành vi không chuẩn mực khác để trừng trị thì liệu có còn tôn ti, trật tự hay chính những chuẩn mực xã hội vừa bị xâm hại đó nữa không. Câu trả lời là không, khi mà những thành phần trong xã hội sẵn sàng vượt qua giới hạn về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội để giải quyết bất đồng trong quan hệ xã hội thì nó không còn là một xã hội có trật tự nữa rồi.

Như vậy, nói đúng là phải xuất phát từ cơ sở bản thân người nói đã hiểu đúng về bản chất của sự vật, hiện tượng đã xảy ra. Còn trong trường hợp này, người nói chỉ đúng một phần, còn phần còn lại chính là những sai lệch trong lời nói. Từ đó dẫn đến sai lệch trong việc làm.

Làm đúng là kết quả cuối cùng của một quá trình từ hiểu đúng, nói đúng của con người. Còn trong tình huống đã đề cập, hành vi kích động, hô hào những đối tượng quá khích tấn công người cha trong clip là hoàn toàn sai. Bởi như đã phân tích ở trên, suy nghĩ, lời nói và việc làm của bất kỳ người dân nào cũng đều phải dựa trên cơ sở pháp luật và coi đây là chuẩn mực để thực hiện. Đã là vi phạm thì chắc chắn là vi phạm. Chúng ta không thể lấy lý do bức xúc với hành vi bạo hành trẻ em để có thể thay mặt pháp luật trừng trị người khác bằng một hành vi vi phạm pháp luật như vậy. Như vậy, đối với mỗi con người, hiểu, nói và làm phải đi liền với nhau với hiểu đúng là nền tảng của nói đúng, còn nói đúng là cơ sở cho làm đúng. Có như vậy, chúng ta mới không trở thành những con bò bị “dắt mũi” trên môi trường mạng xã hội thật, giả lẫn lộn như hiện nay./.

Nguồn: Người con Đất Mẹ

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *