Trang chủ Cánh cò Liệu tấm hộ chiếu sẽ quyền lực hơn khi người Việt luôn...

Liệu tấm hộ chiếu sẽ quyền lực hơn khi người Việt luôn tìm cách bỏ trốn?

153
0

Nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực của Việt Nam. Nhưng công dân Việt lại gặp khó khi xin nhập cảnh vào một số nước trong nhóm này. Theo bảng xếp hạng Henley quý IV/2019, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 90 được miễn visa tới 51 nước và vùng lãnh thổ. Con số trên chưa phải là lý tưởng, thậm chí không phải là tầm quan hệ của Việt Nam với thế giới. Một phần lý do dẫn đến thực trạng này có lẽ do những vụ bỏ trốn khi ra nước ngoài của người Việt.

Cho dù còn rất nhiều tranh cãi trong mối quan hệ giữa miễn thị thực và tăng trưởng du lịch, thì cũng không thể từ chối một quy luật, đó là nước nào có chính sách thị thực thân thiện, thì nước đó có cơ hội phát triển du lịch. Việt Nam cần cởi mở hơn trong việc miễn thị thực, hội nhập sâu rộng với thế giới hay không cũng nhờ vào nhiều cánh cửa được mở ra và chính sách thị thực là một cánh cửa.

Việt Nam hiện đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia; áp dụng cấp visa điện tử cho 80 nước, không phải là quá ít ỏi, nhưng không phải là sự thuận tiện cho công dân các nước đến Việt Nam.

Việt Nam là đất nước tươi đẹp, an ninh và mến khách, và luôn mở rộng cửa để mời gọi bạn bè quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam. Cần phải cẩn trọng để hạn chế những rủi ro khi mở rộng chính sách thị thực, nhưng cũng không vì quá cẩn thận mà hạn chế các cơ hội để công dân các nước đến du lịch Việt Nam.

Liệu tấm hộ chiếu sẽ quyền lực hơn khi người Việt luôn tìm cách bỏ trốn?
Hộ chiếu Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn chưa thực sự có quyền lực

Nhưng trở ngại không nằm ở trong nước, mà tại nước người Việt muốn đến: không được cấp thị thực (visa) nhập cảnh. Rớt visa là chuyện thường gặp, đó là cửa ải khó khăn mà nhiều người không thể vượt qua để đi nước ngoài.

Một nhóm khách Việt hẹn nhau tổ chức tour cao cấp đi châu Âu theo cung đường mới, khách tự phỏng vấn lấy visa cùng sự giới thiệu của công ty tổ chức tour khá uy tín. Nhưng đoàn tour này không thể khởi hành vì gần một nửa khách bị từ chối cấp visa, đoàn không đủ số lượng để doanh nghiệp tổ chức.

Lý do bị từ chối thì không ai lý giải được, chỉ có một thực tế người Việt xin visa đi nước ngoài ngày càng khó. Những người có nhu cầu đi nước ngoài vô tình bị từ chối bởi chính sách siết cấp visa, hạn chế cấp visa của nhiều nước với những người có hộ chiếu Việt Nam.

Chuyện xin visa đi du lịch, kinh doanh của người Việt Nam xưa đã khó, và có xu hướng ngày càng khó. Tháng 8-2019, Đài Loan điều chỉnh hệ thống xét duyệt visa ưu đãi dành cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tiếp đó, Nhật Bản dù không thông báo chính thức nhưng tỉ lệ người Việt rớt visa vào nước này ngày càng phổ biến, doanh nghiệp lữ hành bị đình chỉ tư cách đại diện xin visa theo đoàn vì có khách bỏ trốn. Hàn Quốc cũng thay đổi điều kiện tiếp nhận visa 5 năm sau một thời gian ngắn triển khai chính sách visa ưu đãi…

Liên tiếp các vụ việc khiến cho hộ chiếu Việt Nam ngày càng khó đi khắp thế giới. Nhiều công ty du lịch cho biết muốn phát triển thị trường mới phải tháo nút thắt đầu tiên là visa. Nhưng vừa mở được thị trường nào một thời gian lại xảy ra có người bỏ trốn, nước bạn siết visa, rồi lại rớt visa.

Gần đây, các nước, vùng lãnh thổ liên tục tăng cường kiểm soát đối với ưu đãi xét cấp visa cho công dân Việt Nam, dù trước đó không lâu chính những thị trường này sẵn sàng dành ưu đãi cho công dân Việt. Đó là thực tế cần suy nghĩ.

Ông Phạm Trung Lương – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam – cho rằng chỉ một số ít khách đi không đúng mục đích đã ảnh hưởng rất lớn đến các du khách khác và cả sự phát triển của ngành du lịch, cơ hội của nhiều người có nhu cầu chính đáng như đi học, làm ăn.

Liên quan đến vụ 152 khách bỏ trốn năm 2015, khiến Đài Loan ra quyết định ngừng cấp thị thực du lịch cho các đoàn khách đến từ Việt Nam, đây là một sự việc nghiêm trọng. Trong khi trước đó Đài Loan xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng nên đã có nhiều chính sách thu hút du lịch như: nới lỏng visa, kết hợp với các đơn vị hàng không tăng cường các chuyến bay.

Cụ thể, Việt Nam là một trong 6 nước Châu Á được hưởng chính sách ưu đãi về thủ tục xin thị thực du lịch Đài Loan từ năm 2015.

Liệu tấm hộ chiếu sẽ quyền lực hơn khi người Việt luôn tìm cách bỏ trốn?
Hình ảnh của đoàn khách Việt Nam tại khách sạn Cao Hùng, Đài Loan trước khi biến mất.

Tới năm 2016, dư luận cũng từng xôn xao về vụ việc 56 khách du lịch bỏ tour, trong đó một số người đã đi làm ở các cơ sở chế biến thực phẩm tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Làm việc với cảnh sát sở tại, 3 trong số 56 khách bỏ tour trên cho biết, họ phải trả khoảng 15.000 USD cho môi giới Việt Nam để tới Jeju. Truyền thông Hàn Quốc cũng thông tin, kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn visa du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất, với tổng cộng 56 người Việt Nam.

Để chấm dứt tình trạng này, cơ quan quản lý cần có các biện pháp mạnh tay hơn. Như điều chỉnh hệ thống tờ khai để kết nối thông tin xuất nhập cảnh, tăng cường nắm bắt các thông tin, kịp thời ngăn chặn, sàng lọc những trường hợp tiềm ẩn “đi không về”. Đó là cách quản lý nhiều nước đã áp dụng. Rồi cũng phải siết lại từ công ty lữ hành, tăng quản lý du khách ngay khi đặt chân đến sân bay nước ngoài.

Những điều đó chưa đủ, quan trọng vẫn là ý thức của từng cá nhân. Người Việt đang được trao quyền đi nước ngoài dễ dàng nhưng cánh cửa đó đang hẹp lại, nếu không kéo giảm nạn vi phạm pháp luật nước sở tại, những toan tính cá nhân trên quyền lợi chung. Chỉ có tuân thủ pháp luật, xử sự văn minh nơi nước bạn mới hạn chế tình trạng rớt visa, thậm chí miễn visa và kèm theo đó là hàng loạt lợi ích khác.

Nếu không, mong muốn có trong tay hộ chiếu “quyền lực”, đi nhiều nước mà không phải xin visa mãi mãi chỉ là mong muốn. Hiện nay, có một làn sóng người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc chui đang dần hình thành bởi logic: việc nhẹ, lương cao, chi phí cuộc sống rẻ…

Nhiều nước không còn thấy động lực để cũng thực hiện miễn thị thực cho công dân Việt Nam, theo một nguyên tắc sơ đẳng của bang giao quốc tế là nguyên tắc “có đi có lại”, bởi công dân của họ đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.

Thậm chí, có nước còn chưa đáp ứng đề nghị chính đáng của Chính phủ ta về việc đơn giản hóa thủ tục thị thực để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được đi lại dễ dàng hơn khi ra nước ngoài.

Nhìn trong khu vực, Malaysia đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng Henley, đổi lại đã miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia và và vùng lãnh thổ. Nguyên tắc “có đi có lại” rõ ràng là rất quan trọng trong câu chuyện “quyền lực” này.

Đã đến lúc cả Nhà nước lẫn người dân phải có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này. Một mặt, người dân cần được trang bị những kiến thức cơ bản khi đi ra nước ngoài để tránh làm phương hại đến lợi ích và thể diện quốc gia.

Mặt khác, vấn đề chủ quyền – thể hiện qua chính sách thị thực của Nhà nước cũng nên được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, để người dân cũng được nước ngoài đối xử công bằng như chính sách của ta dành cho du khách nước ngoài đến với Việt Nam.

Quyền lực của hộ chiếu thể hiện chân dung thân thiện và mạnh mẽ của quốc gia đó trên thế giới. Hãy nỗ lực mở thêm cửa đón khách du lịch đồng thời nâng quyền lực của chiếc thẻ thông hành Việt Nam.

Đinh Lực

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây