“Người rơm” là một từ chứa đựng đầy sự nghiệt ngã và cay đắng mà cộng đồng người Việt tại Anh dùng để chỉ những người nhập cư bất hợp pháp, chấp nhận đánh đổi rủi ro lấy một tương lai không vững chắc.. Vì sao lại là “rơm”? Vì một khi bước vào con đường này, bạn hãy chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm – như rạ, những thứ vô giá trị.
Tới với miền đất “sống không ai biết – chết không ai hay”
Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi “đường dây” đưa họ tới một nước Châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết – chết không ai hay”.
Bởi lẽ ở Châu Âu có luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ… hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam; và như thế có nghĩa là còn cơ hội… trốn tiếp.
Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ chắc chắn họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi… Con chết vì không thở được… Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”… Lời nhắn gửi cô độc, một nửa hy vọng và rồi hoàn toàn tuyệt vọng. Không có ai, ngoài gia đình làm nơi bấu víu cho những bước chân biết mình đang đánh cược cả mạng sống khi dấn thân vào những chuyến xe sinh tử. Không có ai, ngoài gia đình khiến những dòng tin nhắn đầy day dứt lẫn trong đau khổ tuyệt vọng khi không làm tròn chữ hiếu vì đường đi không thành.
Với mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và xã hội hiện đại, việc xây dựng, phát triển đất nước mình trở thành “miền đất hứa”, là nơi hoàn hảo để sinh sống và lập nghiệp cho mọi người, bao gồm cả những người di cư, luôn được xem là đích đến cuối cùng. Nhưng có một điều kỳ lạ, là miền đất hứa thường gắn với những cuộc thiên di. Hiếm ai, ngay từ đầu chọn chính quê hương là miền đất hứa của mình.
Bản năng tò mò và khát vọng khám phá của con người thường gợi ý (ngầm) với họ về những miền đất hứa xa xôi, nơi họ “dễ sống”, có cơ hội thành công và hạnh phúc hơn là quê nhà. Đất hứa của dân tỉnh lẻ có thể là những thành phố lớn sôi động như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, đất hứa của những người thành phố có thể là Anh, là Mỹ, Canada, Phần Lan, Thụy Sĩ, đất hứa của những người muốn ẩn cư là dãy Himalaya, là Tây Tạng…
Xuất khẩu lao động, tìm cơ hội làm việc là điều rất bình thường ở bất cứ đâu, nơi con người khao khát có cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn – ngoài vòng luẩn quẩn ở quê nhà, nhưng câu chuyện là, người ta tuyệt vọng – hy vọng đến mức nào, sẵn sàng trả cái giá nào để có tấm vé đến miền đất hứa.
Mà chẳng cứ người Việt, ở các nước đang phát triển khác, nhiều người cũng đang mơ mộng về miền đất hứa như thế. Họ bằng nhiều cách ôm hy vọng là cứ nhắm mắt vào chịu đựng rồi mở mắt ra đã đến thiên đường.
Cay đắng những giấc mơ Anh Quốc của phận “người rơm”
Trong khi mọi người vẫn xôn xao trước vụ việc 39 người chết trong một chiếc container ở Anh, Vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ của mình về số phận của những người nhập cư bất hợp pháp và hành trình sinh tử mà họ phải trải qua trước khi đặt chân vào nước Anh.
Vlogger Giang Ơi tên thật Trần Lê Thu Giang sinh năm 1991 năm nay 28 tuổi. Cô sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng hiện tại sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cô từng là du học sinh tại United Kingdom. Giang Ơi làm nghề Marketing và sáng tạo nội dung Youtube.
Trong đoạn clip dài hơn 20 phút của mình, Vlogger Giang Ơi cho biết: Khi bạn là “người rơm” thì bạn chấp nhận bạn không còn là con người nữa rồi và không được pháp luật hay bất cứ ai bảo vệ”.
“Nó cay đắng đến mức mình không biết nên gọi những người này là nạn nhân của điều gì, nạn nhân của nạn buôn người hay là nạn nhân của chính quyết định của họ. Có cay đắng không khi bạn quyết định sử dụng một dịch vụ trái phép để đưa các bạn đến sống và làm giàu ở một nơi mà bạn biết nó là trái phép. Sau đó, cái dịch vụ đó lại không bảo toàn được mạng sống cho các bạn, đừng nói đến chuyện lừa tiền.
“Tất cả những người khi đã sống chui lủi trong rừng và chấp nhận đốt cuốn hộ chiếu của người ta đi và lên chuyến xe tải sang Anh người ta biết có nguy cơ chết nhưng họ vẫn đi. Bởi bao nhiêu anh em họ hàng đã sang trót lọt và cuộc sống đỡ khổ hơn ở quê.
Thực sự tỉ lệ sống chết là bao nhiêu thì mình không biết, chính phủ không biết, các bạn không biết… Vì những người sống có thể kể lại chuyện nhưng những người chết chẳng ai biết. Vì các bạn không có giấy tờ tùy thân người ta không thể xác minh, không thể kiện cáo, không có ai bảo vệ.
Bản thân gia đình của 39 người này họ cũng đã chuẩn bị tinh thần để xa con ít nhất là chục năm. Tại vì đã đi như vậy khó có đường về lắm, chỉ mong có may mắn nào đó để gặp lại nhau thôi. Chỉ đến khi nhận được tin dữ con họ chết thì họ mới dám báo lên chính quyền để mang được xác con họ về thôi.
Bây giờ nói đến việc trách nhiệm thuộc về những kẻ buôn người, những kẻ lừa đảo… nhưng tất cả những tổ chức này đều đánh vào lòng tham của con người trước. Tức là những người lao động chủ động trả tiền cho những nhóm buôn người với hy vọng gian lận được chính quyền. Giữa những người trốn sang đó và những kẻ tổ chức cho họ trốn sang đó thì không biết ai là nạn nhân”.
Và có một sự thật, là dù sống ở đâu, nhiều cơ hội (đồng nghĩa nhiều cạnh tranh, áp lực, nhiều chi phí) hay ngặt nghèo, người ta giàu hay nghèo cũng là do chính bản thân mình, sự nỗ lực, cần cù và trí tuệ của mình. Chẳng có nơi đâu là miền đất hứa nếu ta không vươn lên, và nơi đâu cũng là miền đất hứa, nếu ta thực sự yêu xứ sở ấy đến tận cùng cốt lõi, để thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, vật vã vì những khó khăn, mất niềm tin vào cuộc đời, ta bắt tay vào dựng xây nó.
Sau khi ổn định, các lao động sẽ được đưa đi bằng nhiều hướng đi khác nhau. Nhưng không ai có quyền lựa chọn. Họ dẫn đi đâu phải đi đó, tất cả đều phải đi bộ vào ban đêm. Người đi không biết mình đang ở đâu, đi tới đâu. Lúc đi luôn có 1 người đi ngựa phía trước dẫn đường, 1 người đi ngựa phía sau chốt đoàn.
Rất mong sự việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh. Miền đất hứa đôi khi chỉ là lời hứa suông, đừng ảo tưởng vào những lời mật ngọt và tự huyễn hoặc bản thân phải lựa chọn đánh đổi.
Cho dù những nạn nhân xấu số ở bên kia bán cầu là người Việt Nam hay người nước nào đi chăng nữa, thì ta nên dành cho họ những khoảng lặng để cảm thông vì cuối cùng thì họ cũng được nghỉ ngơi sau quá nhiều khổ cực và đau đớn
Hồng Đinh
Nguồn: Cánh cò