Cuối tháng 9, đài truyền hình MBC Hàn Quốc đưa tin về việc 9 người Việt Nam đi lẫn trong chuyến bay chở phái đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm xứ sở Kim chi. Những người này có chủ đích sang Hàn để cư trú và làm việc bất hợp pháp, vậy nên họ đã móc nối với các đường dây trung gian để hợp thức hóa hồ sơ, đưa tên mình vào đoàn đại biểu đi cùng CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân. Cư dân mạng nhảy xổ vào chửi 9 người kia, tiện thể chửi thêm Quốc hội và chính phủ Việt Nam chẳng ra gì.
Ngày hôm qua, cảnh sát Anh phát hiện ra thi thể của 39 người chết cứng trong container. Rõ ràng đây là một thảm kịch đau lòng, đặc biệt (nghe đâu) trong số đó có cả người Việt Nam chúng ta. Đồng thời, nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có ý định vượt biên sang trời Tây với giấc mơ đổi đời.
Thật ra, hễ là con người thì ai cũng có mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc. Vì hoàn cảnh vất vả, vì cuộc sống mưu sinh … nên mới phải lặn lội sang xứ người với khát khao mong thay đổi cuộc đời. Chỉ có điều do thiếu kiến thức, họ dễ bị đám bất lương lừa phỉnh để trục lợi, nhiều người bất hạnh đã trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người không biên giới. Đó là thực trạng đau lòng, và khi chuyện đã xảy ra rồi mong rằng mọi người đừng chửi bới hay phán xét điều gì cả. Chỉ là cái cách hành xử của một bộ phận cộng đồng mạng Việt Nam, cách “tư duy đổi đời” của nhiều người – thực sự khiến tôi vừa buồn cười, vừa phẫn nộ.
Đầu tiên, nhà nước ta luôn mong muốn và đang nỗ lực để đời sống nhân dân được cải thiện. Chính quyền không bảo người dân vượt biên trái phép, làm ăn phi pháp. Đáng nói, và đáng phẫn nộ nhất, đó chính là đám truyền thông bất lương đang cố “nói xấu chế độ” và tô vẽ về một “cuộc sống mầu hồng” ở phía trời Tây. Nó làm cho nhiều người ảo tưởng, tin rằng chỉ cần mình vượt biên thành công thì sẽ đổi đời.
Ừ thì giả sử như vượt biên thành công đi, nhưng đón đợi những người nhập cư trái phép là những chuỗi ngày khổ cực. Ở trên đời chẳng có bữa cơm nào miễn phí, để có thể kiếm tiền họ phải lao đầu vào làm bục mặt và cố gắng chắt bóp tiết kiệm. Ở Việt Nam, giầu có mới khó chứ thoát nghèo không khó. Và ở đâu cũng vậy thôi, kinh tế luôn song hành cùng năng lực. Siêng năng chịu khó chắc chắn sẽ đủ ăn nhưng muốn giầu bạn phải có tư duy tốt. Chẳng qua là tùy đặc thù từng đất nước nó tạo cho chúng ta những cơ hội khác nhau, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức cơ hội để đổi đời mà thôi. Muốn chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng, chúng ta phải có năng lực đi kèm.
Vậy nên, ngưng ảo tưởng và tin vào những cái bánh vẽ của lũ truyền thông bất lương. Từ những lời mật ngọt rót vào tai, tỉ tê rằng nộp tiền để sang Tây Mỹ Nhật Hàn rồi sẽ đổi đời, hay nộp tiền để đi học những khóa “học làm giầu” thì sẽ đổi vận.
Đừng tin, chúng nó lừa đấy!
Nhân tiện, tôi rất khinh thường những kẻ mang tâm lý đổ lỗi. Khi họ hoặc ai đó thất bại, không chịu nhìn nhận ở khía cạnh năng lực chưa đủ mà lại cố đổ lỗi cho hoàn cảnh, và thậm chí “đổ lỗi cho cộng sản”. Nên nhớ, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ kìm hãm cơ hội làm giầu của bất kỳ một ai, thành công hay thất bại phần lớn do năng lực của chúng ta. Ở dải đất hình chữ S, chỉ có lười nhác hay ngu dốt thì mới đói ăn – không có ai siêng năng chịu khó lại chết đói ở đây cả. Và những người có tư duy tốt, họ có năng lực nắm bắt cơ hội, sẽ chẳng có ai là nghèo đói mãi cả đời.
Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận. Nếu bạn cố gắng mãi bạn vẫn nghèo, xin lỗi khi phải nói thẳng ra thế này: Đấy là do bạn kém cỏi thậm chí là ngu dốt.
Xin kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện. Kể rằng có 2 thầy trò ghé thăm 1 gia đình sống dưới mức nghèo khổ trong 1 túp lều tồi tàn. Cuộc sống của gia đình 8 người này được duy trì nhờ 1 con bò sữa. Đó là tài sản vô cùng quý báu của gia đình họ so với dân làng chung quanh. Trước khi bỏ đi, người thầy đã đâm chết con bò, trong sự sợ hãi và lo lắng của người học trò.
Một năm sau, hai thầy trò quay lại chứng kiến một gia đình sống sung túc dưới một căn nhà đàng hoàng. Thì ra không có con bò để vắt sữa, gia đình họ phải chống lại sự chết đói bằng cách phát hoang đất trồng lương thực; ban đầu chỉ là để khỏi chết đói, sau đó thì họ có nhiều lương thực để bán ra chợ và từ đó họ trở nên sung túc. Bài học từ người thầy: con bò mà họ yêu quí như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Chỉ khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mơi nhìn sang hướng mới.”
Đấy, nó chỉ là một câu chuyện minh họa, còn cách xử lý là “đâm chết con bò” ý chỉ nói chung muốn thoát nghèo buộc chúng ta phải lựa chọn, không thể cứ “giữ mọi thứ y nguyên xì đúc” mà “bỗng dưng giầu có” được. Còn lựa chọn đúng hay sai là do năng lực của chúng ta (trường hợp may mắn cũng có nhưng nó rất nhỏ).
“Sinh ra cũng một kiếp người
Kẻ trong nhung gấm, kẻ thời đói ăn.”
Chỉ đáng tiếc, có nhiều người trong chúng ta rất thích đổ lỗi, đó là những “loser” luôn cảm thấy bất công vì vấn đề này. Có nhiều người sinh ra trong gia đình không được khá giả, thay vì cố gắng phấn đấu họ chọn cách ghen tị và đổ lỗi. Không chịu nỗ lực học tập để nâng cao trí thức, không chịu nỗ lực lao động để tích cóp của cải … dần dà nghèo lại hoàn nghèo. Sau này khi vất vả mưu sinh, thậm chí nhiều người chọn cách tiêu cực như dẫm đạp lên các giá trị pháp luật. Khi bị bắt bớ tịch thu (lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo an toàn vệ sinh … ) họ lại gào lên chửi: Chính quyền chỉ bao che cho người giầu, cướp đoạt miếng cơm manh áo của dân nghèo. Đáng buồn cười hơn là họ lại được sự ủng hộ của cộng đồng. Ở Việt Nam, chúng ta hay bênh người yếu thế mà chẳng mấy ai để ý tới đúng sai, vậy nên xảy ra rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Ở Việt Nam, “Tao là dân nghèo” nhiều khi nó là 1 thứ bùa chú quyền lực khiến người thi hành công vụ cũng phải chùn tay khi cưỡng chế người vi phạm luật pháp.
Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận chính là như thế!
Sự thật thì chính quyền Việt Nam có bao che người giầu, chèn ép người nghèo không? Dạ thưa không, mà ngược lại đấy, nhà nước ta có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho người nghèo. Ở Việt Nam các hộ gia đình thuộc diện “đói – nghèo” sẽ được hỗ trợ về các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục – đào tạo, hỗ trợ về nhà ở, việc làm và cả tiền trợ cấp. Thậm chí, hỗ trợ nhiều quá khiến cho không ít người ỷ lại, thậm chí “không thèm thoát nghèo”. Đó chính là một thực tế nguy hiểm mà các cấp chính quyền cần nên xem xét.
Tôi từng biết tới nhiều gia đình, vừa nhận trợ cấp Hộ nghèo xong thì lấy tiền đi liên hoan cái đã, tăng gia sản xuất kinh tế tính sau. Có nhiều gia đình thậm chí còn suy nghĩ tính toán rằng, cứ giữ ở mức cận nghèo thôi, vì khi không còn nghèo – không còn được chính sách hỗ trợ từ nhà nước thì sẽ vất vả hơn. Tư tưởng này là cực kỳ nguy hiểm. Huống chi, nó có một hệ lụy xấu đó là nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo rồi mà vẫn cố chạy chọt, hối lộ để xin một cái sổ hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi. Nhiều cán bộ của các làng xã nghèo, do công tác ở đấy lương lậu được nhân đôi nhân ba, vậy nên cũng chả mặn mà gì với việc đưa nhân dân thoát nghèo cả.
P/s: chi hội ăn xin của công dân thượng đẳng tại Việt Nam
Thế đấy các bạn ạ. Một anh bạn của tôi từng nói rằng: “Cái ác nảy sinh trong sự ngu dốt và đói nghèo. Vì dốt, mà người ta nghèo. Vì nghèo, người ta có thể thản nhiên làm ác và nghĩ thế là đúng.” Vậy nên, muốn thoát nghèo thì chúng ta phải tự thân nỗ lực, đừng trông chờ gì nhiều từ ngoại lực. Xưa nay người ta hay nói: Tấm gương nghèo học giỏi. Chứ có ai nói: Tấm gương giầu học giỏi đâu.
Ông D.Trump, đương kim Tổng thống Mỹ – theo tôi là một người cực kỳ có tầm nhìn, nhất là trên lĩnh vực làm Kinh tế. Ông Trump đang có nhiều chính sách để cố gắng “Make America great again” như tuyên bố của mình trước đó.
Vào năm ngoái, do đã mất kiên nhẫn với Quốc hội, ông D. Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ luật Obamacare. Nói cho các bạn chưa biết, thì Obamacare là một chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo ở Mỹ. Mặc dù vấp phải phản đối gay gắt, tuy nhiên D.Trump vẫn nhất quyết làm. Quan điểm của tôi đây là một nước cờ khôn ngoan, vì có thêm đạo luật Obamacare hỗ trợ người nghèo, nước Mỹ đang dần tụt dốc dưới thời B.Obama. Nên nhớ là muốn vực dậy nền kinh tế, không thể dựa vào người nghèo và những người có dân trí thấp, mà chỉ có thể dựa vào những cái đầu có sạn và những tập đoàn kinh tế lớn. Đây mới chính là nguồn nộp ngân sách, nguồn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động khác.
Kế đó, cũng vào năm 2018, Trump tiếp tục đi theo con đường mà bản thân ông ta – một nhà Kinh tế hàng đầu thế giới lựa chọn, đó là chính sách dân túy: hạn chế bớt quyền lợi/đặc ân của người nghèo, ngăn cản nhập cư trái phép, trục xuất người tỵ nạn lưu vong. Nói nôm na, anh không có đóng góp gì nhiều cho nước Mỹ, xin mời anh đi chỗ khác. Như các bạn thấy đó, hàng chục ngàn người Việt đang chờ bị D.Trump trục xuất khỏi nước Mỹ.
Ngược lại ở Việt Nam, người nghèo luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Người giầu có nộp thuế không? Xin thưa là có, nhiều là đằng khác, nhưng tiền thuế của dân thì chỉ của người nghèo, và tất thảy phải xây dựng trường học, bệnh viện … để phục vụ dân nghèo. Vân vân và mây mây. Vậy nên, xây một cái nhà hát ngàn tỷ thì đó chính là tội lỗi thiên thu. Hễ người giầu hay quan chức làm sai điều gì, thì đó là tội lỗi tày đình đáng “trăm băm ngàn chém”, nhưng người nghèo vi phạm pháp luật rành rành, cư dân mạng lại bênh bực: Tại hoàn cảnh mưu sinh nó mới thế.
Ở đời, âu cũng là cái liễn mà thôi!
Việt Râu
Nguồn: Viet Nam Times