Sau 12 ngày kể từ khi phát hiện những dấu hiệu nghi vấn về chất lượng nguồn nước, nước sạch do công ty nước sạch sông Đà (viwasupco) cung cấp đã có thể sử dụng được. Trong buổi họp báo chiều 22/10, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND Hà Nội cho biết: Công ty nước sạch sông Đà đã bóc, dỡ lớp đất thấm dầu, thu gom, xử lý phun vi sinh xử lý thấm dầu, lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại các kênh dẫn nước vào công trình. Công ty cũng đã cơ bản hoàn thành việc súc xả hệ thống đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái.
Theo Sở Y tế Hà Nội, kết quả kiểm tra 04 mẫu nước tại nhà máy nước sạch sông Đà và 15 mẫu nước tại chung cư, hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch Sông Đà thuộc 04 quận huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức cho thấy hàm lượng Styren đều đã ở ngưỡng an toàn, có thể sử dụng được.
Nguyên nhân của vụ việc đã được xác định là do 03 đối tượng đã đổ trộm dầu thải xuống đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài – nơi chưa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà. Khoảng 200.000 người dân Thủ đô Hà Nội từ sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng này. Dưới đây là những điều rút ra sau vụ việc không mong muốn này.
Công ty nước sạch sông Đà không thể hiện tinh thần trách nhiệm của một nhà cung cấp nước sạch
Về lý thuyết, với vai trò là một nhà cung cấp nước sạch – một nhu yếu phẩm đặc biệt cần thiết đối với đời sống của người dân thì việc đầu tiên, ngay khi phát hiện nguồn cung cấp nước có vấn đề cần khẩn trương khoanh vùng, tạm thời ngăn chặn nguồn cung này trước khi đưa vào quy trình xử lý nước sạch rồi cấp cho người dân. Sự thiếu tinh thần trách nhiệm của Viwasupco thể hiện ở chỗ công ty vẫn tiếp tục cung cấp nước cho người dân sử dụng ngay cả khi những thông tin phản ánh về chất lượng nước có vấn đề đã lan rộng. Mặc dù một mực khẳng định, việc cung cấp nước sạch là vì người dân chứ không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, giữa lời nói và việc làm của công ty này cho thấy sự đối lập tương đối lớn.
Mặt khác, khi phóng viên đặt câu hỏi về xác định mức độ thiệt hại đối với người dân, lãnh đạo công ty này lại một lần nữa “kể khổ” khi cho rằng công ty Viwasupco cũng là nạn nhân của sự cố môi trường này. Đây không khác gì một hành động chối bỏ trách nhiệm của một nhà bán hàng đối với chất lượng của sản phẩm do chính mình tạo ra.
Ảnh: dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, nguồn: Zing.vn
Sự bị động đến từ hoạt động của cơ quan hữu quan
Mặc dù gần như ngay lập tức, những cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc và xác định rõ thông tin nguồn nước sạch sông Đà hiện đang có vấn đề khi kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng Styren có tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so vơí mức cho phép; đồng thời đưa ra những khuyến cáo cho người dân trong việc lựa chọn, sử dụng nước sinh hoạt có nguồn cung từ sông Đà. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những hoạt động mang tính chất “khắc phục hậu quả”. Còn đứng trên khía cạnh phòng ngừa những nguy cơ gây mất ổn định về môi trường như vụ việc ô nhiễm nước sạch lần này cho thấy cơ quan chức năng thực sự đang tỏ ra bị động. Sự bị động thể hiện ở ngay chính việc cơ quan chức năng không có những “kịch bản” ứng phó với những sự cố môi trường kiểu như thế này. Trong giai đoạn hiện nay, thảm họa không chỉ đến từ những cơn mưa, bão thường niên, nó có thể đến ngay từ những hoạt động lao động, sản xuất của con người. Do đó, những kịch bản ứng phó với thảm họa trong nhiều lĩnh vực là cần thiết, không đơn thuần chỉ là đối với những thảm họa thiên nhiên. Về vấn đề này, những cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có phương án giải quyết hợp lý.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, qua vụ việc, Thành phố hà Nội và các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm , sau đó đưa ra các quy định, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc phản ứng với các sự cố như sự cố Nhà máy nước sạch sông Đà. “Tất cả những sự cố mang tính thảm họa đã tính đến rồi, bây giờ phải cụ thể hóa giải pháp, quy trình, quy phạm. Sau đó sẽ giao trách nhiệm cho từng cơ quan”./.
Nguồn: Người con Đất Mẹ