Trang chủ Cánh cò Do nhận thức lãnh đạo?

Do nhận thức lãnh đạo?

132
0

Đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, các địa phương phải “liệu cơm gắp mắm”. Tiền ít thì chi phải có ưu tiên mới phát triển được.

Vụ lùm xùm tỉnh Sóc Trăng chi tiền tỷ từ ngân sách Đảng để lắp camera nhà riêng lãnh đạo chưa lắng thì mới đây, tỉnh Vĩnh Long chi gần 200 tỷ và Sóc Trăng chi hơn 164 tỷ để trang bị camera đường phố.

Điều đáng nói, toàn bộ số tiền này được lấy từ ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Quốc hội, Chính phủ đang chủ trương phải tiết kiệm từng đồng chi cho đầu tư phát triển, những tỉnh nghèo như Vĩnh Long, Sóc Trăng lại “mạnh tay” rút hàng trăm tỷ ngân sách để lắp camera.

Xử lý nghiêm vi phạm về kỷ cương tài chính

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng vấn đề nằm ở nhận thức của lãnh đạo tỉnh cùng bộ phận chuyên môn và tham mưu.

Ông Hạ cho rằng vấn đề an ninh trật tự như cướp giật, mất an toàn trị an hay các vụ án hình sự… diễn ra phức tạp nên có thể các địa phương ưu tiên cho việc này, không phải quyết định dùng hàng trăm tỷ lắp camera theo hướng muốn “chơi sang”.

Do nhận thức lãnh đạo?
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu).

“Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp nhưng lại có rất nhiều thứ phải ưu tiên, chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Tiền ít thì chi phải có ưu tiên mới phát triển được, xác định không đúng thì không có hiệu quả”, ông Hạ nói.

Theo đại biểu, vừa qua, Sóc Trăng là điển hình cho câu chuyện chi ngân sách lắp camera, nhưng thực tế không chỉ có Sóc Trăng mà trong báo cáo kiểm toán hàng năm về việc chi ngân sách Nhà nước của các địa phương, vấn đề chi sai mục đích, chi không đúng quy định vẫn có và tái diễn nhiều.

“Vì ngân sách Nhà nước là đóng góp từ tiền thuế của dân, năm nào ta cũng bội chi ngân sách 200-300 nghìn tỷ mà chi tiêu không đúng mục tiêu, mục đích, không thắt lưng buộc bụng thì rất nguy hiểm”, ông Hạ bình luận.

“Chính phủ và các địa phương cần nghiêm túc xem lại kỷ cương tài chính, có biện pháp khắc phục, ngăn chặn”, đại biểu Bạc Liêu nói và nhắc tới câu chuyện con tàu đắm vì có nhiều lỗ rò nhỏ, bởi lỗ rò nhỏ nên chủ quan.

Do nhận thức lãnh đạo?
Các đại biểu Quốc hội cho rằng chi hàng trăm tỷ ngân sách lắp camera là lãng phí. Ảnh: Minh Anh.

Theo ông, với những vụ việc như vừa qua cần xử lý thật nghiêm. Người đứng đầu địa phương trước hết phải biết chắt chiu, căn cơ khi sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân, để tiền đó đầu tư đúng mục đích, hiệu quả.

“Còn cách làm này (chi hàng trăm tỷ lắp camera) thì tôi không đồng tình. Kỷ luật tài chính như thế không thể chấp nhận được, sử dụng tiền của dân, tiền ngân sách một cách lãng phí”, ông Hạ nhấn mạnh.

Theo ông, đây cũng là tình trạng điển hình của “trên nóng dưới lạnh”, “trên nghiêm dưới không nghiêm”. Quốc hội, Chính phủ rất nghiêm trong sử dụng ngân sách, nhưng một số địa phương, đặc biệt ở những nơi xa Trung ương, còn nghèo, lại vô cùng lỏng lẻo.

Tình trạng này tái diễn qua nhiều năm còn do chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa chặt chẽ. “Với vi phạm như thế, trước hết phải là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ liên quan trực tiếp và người tham mưu. Phải xử lý thật nghiêm, chặt chẽ thì mới giảm bớt. Cái này tôi sẽ tiếp tục có ý kiến trước Quốc hội một lần nữa”, ông Hạ nói.

Sao không xã hội hóa mà lại lấy tiền ngân sách?

Nhìn nhận ở góc độ các vấn đề cấp bách, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng quyết định là “tùy lãnh đạo tính toán”. Tuy nhiên, có một bài học là ở rất nhiều nơi đã triển khai lắp đặt camera nơi công cộng để đảm bảo an ninh và đều làm theo cách xã hội hóa, vận động từ các nhà hảo tâm hay doanh nghiệp chứ không sử dụng từ ngân sách Nhà nước.

Do nhận thức lãnh đạo?
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Minh Quân.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng ngay câu chuyện ở tỉnh mình khi lắp camera đều xã hội hóa chứ không dùng tiền ngân sách. Các xã, phường ở TP Sa Đéc và Cao Lãnh toàn bộ dùng tiền xã hội hóa. Đến huyện Tân Hồng là huyện nghèo nhất trong tỉnh cũng lắp đặt camera cũng không sử dụng một đồng ngân sách.

Hoặc đến các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hà Nội dù có tiền vẫn kêu gọi xã hội hóa, tiết kiệm ngân sách.

Vì vậy, ông Hòa chia sẻ rất bất ngờ trước thông tin Vĩnh Long, Sóc Trăng chi gần 200 tỷ để lắp camera nơi công cộng. Theo đại biểu này, làm như vậy là không nên, không hay.

Nhận định việc lãnh đạo các tỉnh này quyết chi ra hàng trăm triệu từ ngân sách để lắp camera là đã có sự bàn bạc, thảo luận, ông Hòa nhấn mạnh quan điểm “ngân sách chỉ nên chi cho những vấn đề bức xúc nhất, cần thiết nhất như hạ tầng giao thông, an sinh xã hội, đó mới là ưu tiên số một”.

Trước đó, báo chí phản ánh việc HĐND tỉnh Vĩnh Long đã thông qua chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long”.

Theo đó, Vĩnh Long sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác với tổng số tiền hơn 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí.

Ở Sóc Trăng, ngày 17/5, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 164 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 26/9, tỉnh này tiếp tục ban hành quyết định về việc Phê duyệt dự toán mua sắm hệ thống camera quan sát thí điểm cho các trường học trên địa bàn thành phố Sóc Trăng với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, lắp đặt camera cho 15 trường học.

Anh Thư

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây