Có hai sự việc trong mấy ngày qua được nhắc đến nhiều, tưởng chẳng liên quan đến nhau, nhưng lại đều có chung một trọng số. Ấy là những con số đè nặng lên lưng mỗi một người dân Việt Nam…
Ấy là khi chuyện tỉnh nghèo Sóc Trăng chi gần cả tỷ đồng ngân sách lắp camera cho nhà riêng của lãnh đạo tỉnh gây bất bình chưa lắng xuống, thì Vĩnh Long lại chủ trương đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để gắn camera, cái đắt nhất có giá hơn 124 triệu. Một lần nữa, những cái camera đắt xắt ra miếng lại khiến dư luận dậy sóng, đặt trong hoàn cảnh tỉnh nghèo còn rất nhiều mối lo cơm áo gạo tiền khác thì đây quả là những món hàng xa xỉ.
Nếu theo tư duy thông thường nhất, đã nghèo thì phải tiết kiệm, chắt bóp. Khi cùng cực lắm mới phải đi vay, đã vay thì phải trả. Muốn trả thì phải tích cóp và có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Vậy nhưng ở ta dường như cái tư duy đơn giản này lại có chiều hướng được thực hiện ngược lại. Ấy là, nghèo vẫn xài sang, không có thì đi vay để xài cho sướng. Vay xong thì phung phí, lãng phí. Cuối cùng là… nợ lại chồng nợ.
Nợ nần, xài sang là một nhẽ, bi kịch hơn là sự lãng phí tiền bạc của dân vào những dự án đầu tư mới đưa vào hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng. Như những gì đang xảy ra với tuyến đường tránh Chư Sê (Gia Lai), một con đường trị giá 250 tỉ đồng chỉ vừa thi công xong đã sụt lún, nứt toác, ‘há miệng đen ngòm’ như một cái bẫy, và ngay lập tức tạo ra điểm đen về giao thông với 10 vụ TNGT trong 2 tháng và đã có người chết.
Người ta nói “năng nhặt chặt bị”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nhưng chúng ta đã chẳng chăm chỉ, đã không khéo léo lại còn được thói đua đòi, ăn chơi trác táng. Đã vậy, chẳng ít người cố tình “bé xé ra to”, cố tình “vung ta quá trán” để có cơ hội kiếm chác tiền của từ ngân sách nhà nước. Để rồi sau đó, 5 tỉ USD ngân sách bị dùng cho việc “linh tinh”, cả chục tỷ đô ngân sách bị vào túi “người này người kia” làm cho ngân sách “đứng trước sự nguy hiểm” như lời ông Thanh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Vậy thì có nên chăng như một Đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên: “Nếu coi tham nhũng là giặc thì lãng phí phải là thù”.
Mới đây, chuyện Chính phủ dự tính vay nợ thêm cũng khiến nhiều người suy nghĩ. Đồng ý, nghèo thì phải đi vay mượn để có vốn xây dựng đất nước, kiến thiết quốc gia. Dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn, trả nợ nần, nhưng đồng vốn đó phải được sử dụng hiệu quả thì mới xứng đáng. Các khoản chi tiêu phải công bằng, minh bạch từng xu. Trên thực tế, còn có những dự án sử dụng đồng vốn không hiệu quả, lãng phí, thất thoát như những cái camera dát vàng, những cung đường nghìn tỷ chưa đi đã hư như trên thì đó quả là không xứng đáng.
Đồng tiền đi vay là mồ hôi công sức nên quý như máu thịt. Chi tiêu cẩu thả, hối lộ, tham nhũng, chia chác lợi ích nhóm là phí phạm “máu thịt”. Để cho nhiều kẻ tham nhũng làm giàu trên những đồng tiền đi vay đó còn dân phải còng lưng ra trả nợ thì quá đau. Nếu muốn đất nước mình thoát cảnh “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn – Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm” thì chỉ còn cách xử lý triệt để từ những cái linh tinh đang bòn rút ngân sách.
Tiền của dân là tiền để xây dựng và phát triển đất nước chứ không phải là mối lợi cho kẻ này đào, người kia khoét. Đừng để ngân sách “sống mòn” đến mức khô héo. Ăn thì cũng ăn vừa phải, ăn để chừa đường cho dân tôi sống với chứ? Mới đây ở Huế có người đàn ông phải quyên sinh vì cuộc sống quá cơ cực, quá nghèo đói. Khi sống trong biệt phủ do tiền máu và nước mắt của dân, đi siêu xe do tiền của dân, tại sao không nghĩ đến dân đang nghèo đói ngoài kia dù chỉ một phút thôi!
Ái Dân
Nguồn: Cánh cò