Lợi dụng thứ tự xếp hạng của hộ chiếu Việt Nam trong bảng xếp hạng Henley quý IV/2019 để xuyên tạc, bôi nhọ, làm nhục quốc thể là hành vi không thể chấp nhận của các đối tượng chống đối.
Mấy ngày qua, trên một số báo chí trong nước và nước ngoài thông tin về việc hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 bậc của bảng xếp hạng mới nhất năm 2019, do Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners (có trụ sở ở London) công bố ngày 1-10.Việc công bố thứ hạng hộ chiếu của các nước không phải là chuyện mới, tuy nhiên một số trang mạng nước ngoài và trang cá nhân những kẻ chống đối đã lợi dụng chỉ số công bố này để ra sức miệt thị, bài bác, phê phán từ vấn đề hộ chiếu…” đến vấn đề thiêng liêng là quốc thể – dân tộc, đất nước Việt Nam.
Trang VOA tiếng Việt đã mượn sự việc hộ chiếu Việt Nam để chế nhạo, xuyên tạc
Theo bảng xếp hạng Henley quý IV/2019, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 90 cùng với Turkmenistan và Trung Phi, được miễn visa 51 nước và vùng lãnh thổ. Chỉ số hộ chiếu Henley dựa trên dữ liệu do cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến du lịch. Chỉ số được cập nhật theo thời gian thực trong suốt cả năm và khi những thay đổi về chính sách thị thực có hiệu lực. Bảng xếp hạng về chỉ số này chỉ đơn thuần là thứ hạng giữa các quốc gia trong vấn đề xác định số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ công dân được miễn thị thực khi xuất cảnh sang các quốc gia này, hoàn toàn khách quan và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia. Thế nhưng, trang VOA tiếng Việt đã mượn sự việc này để chế nhạo: “Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc so với năm ngoái (hạng 75), tiến gần hơn về phía nhóm 10 các quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu tệ nhất”.
Bài viết này nói rằng, hộ chiếu của công dân Việt Nam bị xếp hạng 90 vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia, sau Campuchia (hạng 88, 53 nước) và hơn Lào (hạng 92, 49 nước). Từ đó, họ viện dẫn những phát ngôn của một số cá nhân chỉ trích “hộ chiếu tồi tệ” và miệt thị đến quốc thể Việt Nam. Một số đối tượng đưa lên trang mạng các bình luận, nói rằng họ “hổ thẹn khi mang hộ chiếu Việt Nam”.
Có đối tượng còn nêu ra những tồn tại của xã hội, từ việc kinh tế còn chậm phát triển đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực để quy chụp đất nước “xuống đáy” do sự lãnh đạo của Đảng, do độc đảng, do mô hình CNXH… Chính việc suy diễn, quy chụp này cho thấy rõ ý đồ xuyên tạc, chống phá, mượn cớ xếp hạng hộ chiếu để bôi nhọ đất nước, đưa ra những đòi hỏi phi lý.
Thực tế, trong vấn đề hộ chiếu, cần phải có cách nhìn nhận đầy đủ, khách quan. Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa trước. Với căn cứ đó, mỗi nước tùy vào điều kiện cụ thể để đưa ra quy định có thể tăng hay giới hạn độ mở của hộ chiếu, cho phép công dân đi đến bao nhiêu quốc gia mà không cần visa. Đây thực ra chỉ là một thủ tục chứ không có gì ghê gớm để nói “quyền lực hộ chiếu” hay sức mạnh thế này, thế kia.
Không thể nói hộ chiếu đi được nhiều quốc gia thì nước đó văn minh, tiến bộ hơn nước có hộ chiếu đến được ít quốc gia hơn. Nó chỉ là một căn cứ của thủ tục hành chính, không phải cơ sở hệ trọng đánh giá văn minh và vì vậy, không thể dựa vào thứ hạng này để nói Việt Nam “lạc hậu, tồi tệ”.
Rõ ràng đây chỉ là những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống phá chính trị nhằm bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Không thể lấy một vấn đề đơn thuần, lấy những con số chỉ mang tính chất so sánh tham khảo để đưa ra bình luận, soi xét, quy chụp cho sự điều hành, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, bôi nhọ, làm nhục quốc thể. Đây là những hành vi tuyệt đối không thể chấp nhận. Để tấm hộ chiếu quốc gia trở nên quyền lực hơn thì đầu tiên là đàm phán cấp chính phủ, Việt Nam cần mở rộng đàm phán, trao đổi với các nước những thỏa thuận, hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông. Nhưng việc chấp thuận miễn visa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của nước sở tại, và cũng tùy vào giai đoạn phát triển của quốc gia đó. Ngoài ra, khi Việt Nam chủ động miễn thị thực đơn phương cho một số nước, vô tình ta cũng mất đi một đòn bẩy, một lá bài trên bàn đàm phán bởi những nước đã được hưởng cơ chế ưu đãi này sẽ không có động lực để đàm phán trên cơ sở có đi có lại.
Do đó, một trong các hướng xử lý có thể xét đến là luật pháp Việt Nam nên bổ sung thêm quy định về điều kiện miễn visa đơn phương cho công dân nước khác trên cơ sở nước đó cũng áp dụng các biện pháp thuận lợi tương ứng về thị thực cho công dân Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm công cụ đàm phán hiệu quả hơn.Thứ hai, cũng xét trên nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch, để hộ chiếu Việt Nam quyền lực hơn thì “quyền lực mềm” của đất nước cũng cần tăng cường và phát triển tương ứng, người Việt Nam cũng cần cho thấy nhu cầu du lịch và đầu tư tương xứng.
Mỗi năm có gần 10 triệu lượt người Việt Nam ra nước ngoài. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với 28,7 triệu người Hàn Quốc đi nước ngoài năm 2018, chiếm hơn một nửa dân số, trong khi tỉ lệ này ở Việt Nam chỉ chừng 10%. Việc du khách Hàn Quốc đi du lịch và làm việc nhiều chính là lý do các nước, ngay cả Việt Nam, nhìn thấy tiềm năng và sẵn sàng miễn thị thực.
Về kinh tế, có thể thấy các nước có visa quyền lực nhất cũng đa số là các nước giàu nhất, có nhiều công ty đa quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc). Mức độ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài càng cao, cơ hội để công dân các quốc gia ấy được tự do đi lại càng lớn. Thứ hạng do Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners đưa ra chỉ là kênh tham khảo. Việc các đối tượng lấy thứ hạng này để miệt thị hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phê phán, đả kích Đảng, chế độ là không thể chấp nhận. Không thể suy diễn từ thứ hạng hộ chiếu để quy chụp đất nước Việt Nam “tồi tệ, lạc hậu”.
Như đã phân tích, thứ hạng hộ chiếu chỉ để nói độ mở của nó đi được bao nhiêu quốc gia mà không cần visa, không phải là căn cứ đánh giá văn minh, văn hóa, sự tiến bộ một nước. Một dân tộc Việt Nam kiên cường, oanh liệt trong chiến đấu, nay đổi mới vươn lên, giành được những thành tích hết sức quan trọng; một dân tộc vừa thể hiện tri thức, thông minh, sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, vừa thân thiện, hiếu khách, bè bạn quốc tế tin tưởng, con người của dân tộc đó hãnh diện, tự hào. Đương nhiên, quốc gia nào, dân tộc nào cũng có những mặt trái, những hạn chế cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và tính cách, lối sống con người cũng bộc lộ, nó đòi hỏi có thời gian cho sự hoàn thiện để vươn lên. Vậy mà cái tốt đẹp thì không phô ra, không cảm thấy tự hào lại tự xoi mói, bới móc những mặt trái để “đắp lên mặt” rồi nguyền rủa, rồi miệt thị thì người đó có còn xứng để nói về gốc gác, nguồn cội của mình?Thử hỏi, những kẻ vừa bước ra bên ngoài chưa ráo chân đã thị phi nơi mình sinh ra, lớn lên; rồi thì kẻ từ “trong bụng mẹ” sinh ra cũng chửi bới cha mẹ mình thì họ làm gì có đủ tư cách để nói đến văn hóa, đạo đức?
Chính họ phải tự soi lại mình, khi không còn đủ tư cách, không đủ đạo đức thì những lời rao giảng, bày trò như giọng điệu trên chỉ là lố bịch, kệch cỡm.
Từ thực tiễn trên cho thấy, Nhà nước ta đã và đang có những nỗ lực nhất định trong việc ngày càng cải cách thủ tục hành chính, tạp thuận lợi cho người dân trong quản lý, sử dụng hộ chiếu đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch. Vì vậy, những luận điệu trơ trẽn, vô lý, lố bịch, cố tình viện cớ bảng xếp hạng Henley để suy diễn, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, làm nhục quốc thể, dân tộc chỉ vì một vấn đề nhỏ liên quan đến hộ chiếu là đáng lên án và không thể dung thứ.
Đinh Lực
Nguồn: Cánh cò