Quan điểm nhân tài trong hệ thống công chức không nên hiểu theo nghĩa xuất chúng và không nên vận dụng một cách máy móc câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm của đại biểu Dương Trung Quốc đang gây tranh cãi.
“Thời đại đã thay đổi rồi”
Nội dung thảo luận dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công chức, viên chức đã trở thành cuộc tranh luận về khái niệm nhân tài vừa được cơ quan soạn thảo tiếp thu đưa vào dự thảo.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, việc tuyển chọn người tài cần phải học tập Bác Hồ từ khi thành lập nước. Theo ông Vân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dùng 3 tiêu chí đơn giản là hỏi bạn học xem người ấy có giỏi không? Hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu lễ với cha mẹ, hiếu đễ với anh em không? Thứ 3, hỏi xem người đó nếu như hoàn thành công việc được giao phó thì là người có tài.
“Ba tiêu chí đó là người tài mà chúng ta cần. Nhờ tiêu chí đó mà Bác Hồ đã chọn được thế hệ cán bộ đầu tiên, đi vào lịch sử”, ông Vân nói, và cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa định nghĩa được thế nào là người tài, nhưng các đại biểu vẫn đưa ra tranh luận.
Tranh luận với đại biểu Vân, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nhân tài nên được hiểu là năng lực mỗi con người và người xưa đã có câu “dụng nhân như dụng mộc”, tức là dùng đúng người, đúng chỗ. Do đó, ông Quốc đề nghị không nên hiểu theo nghĩa nhân tài ở đây là xuất chúng, kiệt xuất, là thiên tài thì sẽ bị vượt ra khỏi phạm vi của luật này là luật Cán bộ, công chức.
“Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì nó thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định rồi. Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi không có lỗi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi. Chúng ta không nên nhắc lại câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 70 năm trước, thời đại đã thay đổi rồi”, ông Quốc nêu quan điểm.
Theo ông Quốc, có những giá trị vẫn còn nhưng phải được nhìn nhận khác, nhất là trong việc đánh giá, đãi ngộ con người. “Thời bác Hồ là thời kỳ có những giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là yêu nước. Cho nên, phần lớn những người Bác dùng được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả giá trị vật chất để thực hiện mục tiêu yêu nước. Bây giờ chúng ta nói công chức yêu nước, thế những người tài làm ở nơi khác không yêu nước à? Cho nên, chúng ta phải có giá trị để thu hút những người tài năng vào bộ máy của chúng ta”, ông Quốc nói.
Bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở là người ngoài Đảng không?
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nói ông cảm thấy rất “sốc” và “buồn” khi nghe phát biểu của đại biểu Quốc, vì theo ông Tuấn, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách dùng người của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù nhiều chục năm đã trôi qua.
“Cho dù thời cuộc có thay đổi, cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nếu dùng tiền mua được đạo đức, dùng tiền mua được khoa học thì sẽ không có rất nhiều nhà khoa học từ nước ngoài bỏ mức lương rất cao để về Việt Nam xây dựng đất nước, không có cán bộ khoa học tài năng đang ngồi nhận mức lương công chức, viên chức, trong khi họ có thể có mức lương rất cao từ nhân.
“Tôi rất mong Quốc hội nhìn nhận đánh giá lại phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong vấn đề này, nếu không người dân sẽ hiểu sai. Và nếu nói rằng chúng ta đang làm việc nhưng không có lòng yêu nước là không đúng”, ông Tuấn nói.
“Học tập người xưa là phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều”
Tiếp tục tranh luận lại, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, học tập người xưa là phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều.
“Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một phó chủ tịch nước hay là chủ tịch quốc hội là người ngoài Đảng không? Chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi dù chúng ta vẫn là chế độ do Bác Hồ dựng lên chứ không phải chế độ khác”, ông Quốc nói, và cho rằng đây là lý do cần phải vận dụng chứ không thể cứng nhắc.
“Tôi muốn nhấn mạnh là cốt lõi, tinh thần của Bác Hồ cũng là học của người xưa thôi, đó là “dụng nhân như dụng mộc”, phải biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và chúng ta có hệ thống giá trị để chúng ta thu hút những người này. Tại sao một người y tá giỏi luôn đứng dưới người bác sĩ tầm thường, kể cả lương bổng, thưa gửi trong hội nghị. Tôi nghĩ phải thay đổi lại”, ông Quốc nói, và cho rằng luật đang bàn là luật Cán bộ, công chức, chỉ là một bộ phận quan trọng chứ không phải tất cả.
“Chúng ta vận dụng nhưng đừng giáo điều, quan trọng nhất là đừng chụp mũ”, ông Quốc nói thêm.
(Theo Thanh Niên)
Nguồn: Cánh cò