Câu chuyện bãi Tư Chính nói riêng và biển Đông nói chung đã trở thành tâm điểm của dư luận trong nước và quốc tế trong vòng 3 tháng trở lại đây, kể từ khi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm trái vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta. Mặc cho những nỗ lực đấu tranh trên thực địa của các chiến sỹ cảnh sát biển, con đường ngoại giao vừa mềm vừa rắn của đất nước thì một số kẻ cơ hội chính trị và trang mạng vẫn “khua chiêng gõ mõ” rằng “lãnh đạo hèn nhát trước Trung Quốc”.
Tàu Trung Quốc hung hăng trong vùng biển Việt Nam.
Như đã biết, Việt Nam với chủ trương đấu tranh giải quyết hành động xâm phạm của Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Chúng ta đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tại thực địa, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam liên tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp, nhiều tàu chấp pháp đã có mặt theo sát hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc. Hành động kiên quyết kiềm chế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc tại họp báo.
Trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những diễn biến phức tạp trên biển Đông và người đứng đầu Chính phủ nước bạn đã nhất trí cùng hợp tác bảo đảm duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Thậm chí khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini đã khẳng định lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế của EU và ủng hộ phương châm giải quyết vấn đề biển Đông bằng hòa bình của Việt Nam.
Khi Trung Quốc càng hành động leo thang căng thẳng thì bản lĩnh của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ, đó là lời kêu gọi các nước kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng AIPA 40. Hay lời kêu gọi các bên liên quan chung tay duy trì và bảo vệ hòa bình biển Đông của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan và phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc mới diễn ra. Để rồi đáp lại lời kêu gọi này, ASEAN đã ra thông cáo chung về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm 28/9.
Câu chuyện biển Đông không chỉ được mang ra bàn luận ở các diễn đàn khu vực, quốc tế và trong nước mà ngay cả khi đứng trên đất Trung Quốc, lãnh đạo nước ta vẫn cứng rắn thể thể hiện rõ lập trường của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền. Khi dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Quý Châu Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã gặp mặt người đồng cấp Hoàng Khôn Minh thẳng thắn đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu giải quyết bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình. Cũng không cần đao to búa lớn gì, trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh thương mại đầu tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 16 tại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mạnh mẽ nêu rõ lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông trước Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, yêu cầu nước này tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền, lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông
Rõ ràng, dù đứng trước cộng đồng quốc tế hay đối mặt trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc thì Việt Nam cũng không ngần ngại bóc trần bộ mặt thật vừa ăn cướp vừa la làng của đất nước láng giềng, chỉ thẳng hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Mặc cho giữa Việt Nam và Trung Quốc đã từng có 4 vàng và 16 chữ tốt nhưng người lãnh đạo bản lĩnh của nước ta vẫn không ngần ngại lột trần sự giả tạo đó. Tin rằng, dù trong quá khứ hay hiện tại thì Việt Nam ta cũng chưa bao giờ tỏ ra run sợ, hèn nhát trước Trung Quốc. Huống hồ mọi chứng lý đều chứng minh việc chúng ta làm là đúng và không một quốc gia nào có thể lên tiếng ủng hộ hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông thì chúng ta cũng chẳng có gì phải sợ cả.
Có kẻ đặt câu hỏi “vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không lên tiếng vấn đề biển Đông” rồi lăng mạ này nọ thì xin nói thẳng đất nước này không của riêng ai cả, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ. Nhiều lãnh đạo cấp cao của nước ta cũng truyền đi một thông điệp kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mặc dù đến buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội), người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta mới chính thức lên tiếng nhưng từng câu nói của ông đã khẳng định rõ chủ trương và đường lối bấy lâu nay Việt Nam đã và đang hành động, đấu tranh vì chủ quyền biển đảo. Đó là “Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi. Không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước”.
Về vấn đề biển Đông, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi. Không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước”.
Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước rồi xuyên tạc “lãnh đạo bán nước, hèn nhát”. Nếu “lãnh đạo bán nước, hèn nhát” thì Viettel có tuyên bố tự mình phát triển công nghệ 5G mà không cần sự tham gia của Huawei? Việt Nam có hủy đấu thầu quốc tế dự án đường cao tốc Bắc Nam để không cho yếu tố nước ngoài can thiệp hay không? Nước ta có tham gia tập trận hàng hải ASEAN – Mỹ tại Thái Lan? Hay việc nước ta hạ đặt thành công chân đế giàn khoan Sao Vàng – Đại nguyệt ở lô dầu khí gần khu vực bãi Tư Chính? Có lẽ khi nói “lãnh đạo bán nước, hèn nhát”, chúng đã nhắm mắt cố tình phủ nhận mọi cố gắng đấu tranh từ bên trong lẫn mặt trận ngoại giao của cả Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ,… Và đây cũng là một trong nhưng chiêu trò công kích, hạ uy tín lãnh đạo trước Đại hội 13 mà bấy lâu nay chúng đã và đang thực hiện.
Đúng là hành động xâm phạm vùng biển nước ta lần này của Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn cả lần hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trước đây nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ ngừng chiến đấu bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tính chính nghĩa vốn có. Trong lịch sử văn minh nhân loại, cũng chưa có dân tộc nào bị ngoại bang đô hộ cả 1000 năm mà vẫn tồn tại cả, chỉ có duy nhất Việt Nam làm được. Vậy thì chắc chắn trăm triệu người Việt hiện nay cũng nhất quyết không để Trung Quốc lấy đi một tấc đất hay một hải lý nào. Biển Đông, nơi đó có chủ quyền, có ngư trường đánh bắt, có ngư dân Việt Nam, có bát cơm, hạt muối và cả những giấc mơ làm giàu quê hương ở đó thì chúng ta sẽ bảo vệ đến cùng bằng những bước đi thận trọng, khôn ngoan chứ không phải mạnh miệng hô hào kích động biểu tình.
Đặng Trường
Nguồn: Ngọn cờ