Bộ Luật Lao động được sửa đổi có lý do rất quan trọng là đáp ứng các tiêu chuẩn, các cam kết lao động trong các công ước đã ký hay sắp ký của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như các hiệp ước quốc tế.
Dự thảo đến nay còn 17 chương, 220 điều, hiện nay còn 7 nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có tập trung chính vào 2 nội dung làm thêm giờ và tăng tuổi nghỉ hưu.
Thứ nhất là làm thêm giờ. Làm thêm giờ là yêu cầu tất yếu và cũng là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Hiện nay có hai phương án về làm thêm giờ, thứ nhất là không tăng giờ làm, giữ nguyên như hiện nay; hai là tăng giờ làm thêm ở một số ngành nghề.
Thực chất tôi và nhiều người khác làm cả thứ 7, Chủ nhật nhưng không được tính vào giờ làm thêm. Điều 25 của Hiến pháp quy định, người lao động có quyền được làm việc, tại sao lại cấm quyền được làm thêm của họ.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tuy nhiên, mở rộng giờ làm thêm chưa được hiểu đúng. Làm gì có chuyện tăng thêm 100 giờ cho tất cả các ngành nghề, tất cả doanh nghiệp! Thực chất là chỉ 5,6 ngành như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử…. Thông tin không được rõ ràng nên tạo cách hiểu không đúng trong nhân dân, tạo áp lực dư luận xã hội.
Quan điểm của tôi là quy định 100 giờ làm thêm cho 5, 6 ngành đó rất quan trọng. Một đất nước có năng suất lao động chưa cao, tiền lương tăng cao hơn mức tăng năng suất lao động, và lại làm việc ít giờ thì không thể phát triển được.
Vấn đề thứ hai là tăng tuổi nghỉ hưu. Về cơ bản khu vực hành chính không tăng tuổi hưu, áp dụng nam 62, nữ 60 theo lộ trình nam 8 năm, nữ 15 năm. Tuổi hưu ở khu vực lao động nặng nhọc, nguy hiểm, suy giảm năng lực thì giảm 5 năm, thậm chí ở những lĩnh vực đặc biệt như ngành than thì tuổi hưu có thể giảm tiếp 5 năm nữa.
Về vấn đề này, chúng ta không nâng không được. Đã đến lúc Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số và thiếu lao động. Năm 2018, chỉ còn 400.000 lao động tăng thêm, trước đây là 2,1 triệu người.
Quan điểm là phải đi trước đón đầu tình trạng già hóa dân số. Luật ghi rõ chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cho những nghề nghiệp bình thường và không giữ vị trí lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ. Làm lãnh đaọ là có lợi ích nên người ta thích ở lại, chứ khi không được làm lãnh đạo thì ít người muốn ở lại làm. Chỉ có 350.000 công chức và một số viên chức ở một số ngành thôi chịu tác động.
Những ngành độc hại, nguy hiểm thì không tăng tuổi nghỉ hưu và vẫn như quy định hiện nay. Vấn đề là do truyền thông nói không rõ nên người ta cứ tưởng là tăng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng.
Sửa đổi Luật là cần thiết và đến nay, về cơ bản dự thảo không có điều nào trái với công ước quốc tế đã ký và cả 2 công ước 87 và 105 chưa ký của ILO.
Luật là luật nhưng theo tôi, xã hội chúng ta cần phấn đấu sao cho chủ và thợ gắn bó với nhau. Tôi vẫn nói, công đoàn phải học hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, là khi doanh nghiệp phá sản thì người lao động thậm chí bán nhà để góp cho ông chủ vực dậy doanh nghiệp.
Không có chủ sử dụng lao động thì không có người lao động, nhưng không có người lao động doanh nghiệp cũng không có. Điều quan trọng nhất là phải cân bằng lợi ích của hai bên.
Cả người dân và xã hôi ghi nhận, các doanh nhân, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài, luôn coi người lao động như người thân ruột thịt của mình và chăm lo cho người lao động ở mức cao nhất. Tất nhiên, có một vài doanh nghiệp có lợi dụng người lao động.
Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 2016 đến nay, ước tính có 2,7 triệu người lao động thôi việc một lần để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, trong đó 55% là nữ. Trong số lao động nữ đó, 94% về một lần khi làm việc được từ 1-10 năm, bao gồm 84% làm dưới 1 năm.
Điều đó có nghĩa, người lao động đóng bảo hiểm 1 năm rồi làm đơn chấm dứt hợp đồng lao động, hưởng thêm 2 tháng lương trợ cấp 1 lần từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Pháp luật quy định làm từ 1 năm trở lên mà nghỉ 1 lần thì được hưởng thêm 2 tháng lương (thất nghiệp), thế là người lao động bỏ doanh nghiệp để chuyển sang doanh nghiệp khác mà vẫn được thêm thêm 2 tháng lương (từ bảo hiểm xã hội).
Đó là trục lợi cá nhân. Tổ chức Công đoàn lẽ ra phải “giáo dục” cho người lao động vấn đề này, thay vì cứ kêu ca bất bình đẳng. Chúng ta thấy người lao động như vậy có tốt không? Công đoàn phải hiểu việc này; công đoàn là tổ chức chính trị xã hội quan trọng của đất nước tại sao lại để thế này?!
Lan Anh(lược ghi)
Nguồn: Tuần Việt Nam