Khi dư luận đang quan tâm rất lớn về việc xét xử những vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thì vô tình trùng hợp cố Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An đã mất mạng do rớt từ tầng 8 xuống hôm qua. Điều đáng nói ở đây, ông Lê Hải An là người từng kí quyết định xem xét kỷ luật 13 công chức tại Bộ giáo dục và Đào tạo do liên quan đến tiêu cực giáo dục ở Hoà Bình, Sơn La trong Kỳ thi Quốc gia năm 2018 nhưng đã bị hủy bỏ. Chính vì vậy, đã xuất hiện những “thuyết âm mưu” liên quan đến nguyên nhân cái chết của vị cố thứ trưởng này. Vậy sự thật là như thế nào?
Liên quan đến sai phạm nghiêm trọng gây rúng động dư luận về gian lận thi cử ở các tỉnh miền Bắc, ngày 21/08/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Quyết định 2450 về việc thành lập 13 Hội đồng kỷ luật công chức. Cùng ngày 21/8, Bộ GD&ĐT đã ký thông báo 878 về việc xem xét xử lý kỷ luật đối với 13 cán bộ công chức, trong đó có cả Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra …theo quy định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Và thông báo này do cố Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Hải An kí.
Tối ngày 30/8, Bộ GD&ĐT đã phát đi thông báo của Thứ trưởng Lê Hải An cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức họp kiểm điểm và báo cáo kết quả. Căn cứ kết quả kiểm điểm của các đơn vị, có 13 cá nhân có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2018. “Đây chưa phải là các công chức bị kỷ luật, mà chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định. Hội đồng kỷ luật của Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, đánh giá công tâm, khách quan để tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định thấu tình, đạt lý” – Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như theo một số chuyên gia pháp lý cho rằng văn bản này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, không thỏa đáng, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, nên đến ngày 09/09/2019 Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc hủy bỏ Quyết định 2450 và Thông báo số 878 đã ban hành.
Từ các dữ liệu trên cần phải nhận định rõ ràng rằng việc hủy bỏ quyết định và thông báo trên không có nghĩa là 13 cán bộ, quan chức cấp cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo không bị xử lý. Họ chắc chắn sẽ bị xử lý khi Ủy ban kiểm tra Trung ương nhận được đầy đủ thông tin từ cơ quan điều tra, nhất là trong bối cảnh những vụ xét xử đang được tiến hành. Rất đáng tiếc khi suốt một năm qua khi sự việc xảy ra, Bộ Giáo dục có phần chậm trễ trong việc xử lý các cá nhân sai phạm khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Thậm chí, đến khi ban hành những quyết định kỉ luật về 13 công chức ở Bộ giáo dục khiến dư luận bắt đầu có niềm tin thì đột ngột lại bị hủy bỏ do thiếu chặt chẽ về mặt pháp lý. Vậy thì hỏi sao dư luận có cái cớ mà đồn đãi mà thổi phồng sự ra đi đột ngột đầy tiếc nuối của cố Thứ trưởng Lê Hải An.
Bao giờ cũng vậy, bất cứ một sự ra đi đột ngột của vị lãnh đạo cấp cao nào cũng là cái cớ để xuất hiện những lời đồn thổi, xuyên tạc, thậm chí là những thuyết âm mưu ghê gớm về thanh trừng phe phái. Đây là hành động của đám kền kền ăn xác thối, vô nhân đạo, trục lợi trên nỗi đau thương mất mát vô hạn của người khác. Và mỗi người trong chúng ta cũng cần bình tâm tỉnh táo trước những hành đạo vô nhân tính này. Nếu không thể thương tiếc thì chí ít hãy dành sự tử tế giữa người và người cho nhau.
Thu An
Nguồn: Cánh cò