Để phòng chống lại quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngày càng có nguy cơ cao trong đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ ở cấp chiến lược, thì việc duy trì “lò chống tham nhũng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây lên là điều cần thiết.
Nói về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta đã làm được, có cố gắng, trong nước, quốc tế đều hoan nghênh nhưng còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, với bên ngoài mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người ta”.
Tăng cấp “tự diễn biến, tự chuyển hóa”
Trong 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, bên cạnh mặt tích cực và những thành tựu đạt được, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng còn nhiều hạn chế khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội.
Nhìn từ thực tiễn, con số cán bộ đã bị kỷ luật hơn nửa nhiệm kỳ qua gồm hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự…
Tại Hội nghị Trung ương 11 lại tiếp tục thi hành kỷ luật 2 nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. “Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu. Đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng còn về hành chính phải tương ứng, về hình sự phải tiếp tục làm”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh đây là “căn bệnh” không chỉ của riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới.Vì thế, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, phải tiếp tục làm quyết liệt.
Ai cũng biết, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, tổ chức. Ngoài những “người được gọi là “chính trị gia” chính cống thì cũng đã có một bộ phận trong đội ngũ trí thức, luật sư, báo chí, văn nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng.
Có điều, nhìn vào những cái tên trong bản danh sách “hoàng tráng” kia cho thấy sự nghiêm khắc đối với cán bộ sai phạm, bất kể cán bộ đó là ai, kỷ luật Đảng là không có vùng cấm, nhưng nó cũng cho thấy sự “tăng cấp” của cán bộ sai phạm, càng chúc vụ cao thì người ta càng có cơ hội để thực hiện sai phạm, thực hiện tham nhũng. Tức là, nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” càng cao.
Điều bất thường là hầu hết hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của những kẻ vừa nêu đã có đơn tố cáo hoặc bị báo chí phản ánh nhưng họ vẫn thăng tiến thần tốc, chỉ trong một thời gian ngắn đã chui sâu, leo cao. Phải chăng những kẻ này sau khi chạy thoát tội, có chỗ nương tựa chuyển tiếp sang chạy chức chạy quyền và đã thành công?
Duy trì đốt “lò” để chống “tự diễn biến”
Sở dĩ nói là bài toán khó, vì đây là một nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng, người dám “cầm đuốc” phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, yêu nước thương dân, đặt mọi lợi ích quốc gia dân tộc lên trước mọi quyết sách. Bên cạnh đó, thứ “củi” này thật sự khó “đốt” và tồn tại dai dẳng, thậm chí mang tính chất lây lan vì cái gọi là “cạm bẫy đồng tiền”.
Có thể dẫn chứng lời phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 9/2019 vừa qua: “Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều xin đừng đưa em vào quy hoạch”.
Vì sao có chuyện như thế? Đó là vấn đề mà những người làm quy hoạch nhân sự phải hết sức lưu tâm. Phải chăng vì những nơi như thế không “rủng rẻng”? Theo đó, cần xem lại quan điểm, nhận thức, phương thức tiến hành công tác quy hoạch cán bộ của chúng ta. Quy hoạch cán bộ hiện đang theo kiểu hành chính và không ít trường hợp bị lợi ích nhóm chi phối. Đông thời, phải trả lời được câu hỏi: Ai tham nhũng? Vì sao có tham nhũng? Tham nhũng có ở mọi thể chế, mọi hoàn cảnh, nhưng vì sao Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc lại ít trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi lại nhiều? Nên nhìn vào sự thật và trả lời mấy câu hỏi trên. Tham nhũng chỉ gói gọn trong vài triệu đảng viên, rút gọn lại chỉ có đảng viên, cán bộ càng cao cấp càng có khả năng làm thất thoát số tiền lớn.
Từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, tới các bộ ngành và các tỉnh thành trọng yếu…tham nhũng có vẻ phức tạp và “thâm căn cố đế” hơn phần còn lại. Phải chăng hơn 80 triệu đồng bào và một hệ thống đồ sộ lại bó tay trước một nhóm “tư bản thân hữu”? Chính vì vậy, để phòng chống lại quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngày càng có nguy cơ cao trong đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ ở cấp chiến lược, thì việc duy trì “lò chống tham nhũng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây lên là điều cần thiết.
Đồng thời, đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đặt vấn đề ngăn chặn tham nhũng vào hệ quy chiếu đạo đức, xã hội. Bởi các biện pháp thuộc về thể chế, luật pháp dường như chưa đủ sức mạnh đối phó ma lực của đồng tiền.
Sông Trà
Nguồn: Cánh cò