Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương, để chống chạy chức, chạy quyền, Quy định 205 của Bộ Chính trị đã nêu rõ những cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ sẽ phải làm những gì, được làm những gì, không được làm những gì một cách cụ thể.
Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (viết tắt Quy định 205), PV Dân Việt trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương (ông là thành viên tham gia soạn thảo Quy định 205) để hiểu rõ hơn về Quy định này.
Thưa ông, trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, đã có nhiều quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ được ban hành, trong đó có Quy định 205, điều này cho thấy vấn đề gì?
– Có thể nói trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan của Đảng đã tập trung cao độ cho vấn đề hoàn thiện thể chế, đặc biệt thể chế về công tác cán bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói, trong nhiệm kỳ Đại hội XII này chúng ta cố gắng hoàn thiện cơ bản về thể chế để nhiệm kỳ sau cứ như vậy mà làm.
Công tác cán bộ là gốc của mọi vấn đề, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng trong thời gian qua công tác này cũng có chuyện này, chuyện kia khiến dư luận bức xúc. Chính vì thế trong những năm vừa qua, kể từ sau Đại hội XII, Đảng ta đã tập trung cao độ cho công tác này. Những quy định nào đã ban hành thì phải rà soát lại xem điểm gì còn phù hợp, điểm gì không còn phù hợp để bổ sung, sửa đổi; những gì chưa có thì phải xây dựng và ban hành.
Trước đây cứ nói việc đánh giá cán bộ còn chung chung, nặng định tính chứ không định lượng thì nay quy định rõ. Ví dụ quy trình về công tác cán bộ trước đây là 3 bước nay bổ sung thành 5 bước để tăng tính dân chủ, khách quan lên, điều đó cũng góp phần vào việc chống chạy chức, chạy quyền.
Vấn đề luân chuyển cán bộ cũng được Đảng quy định được cụ thể hơn, chẳng hạn trách nhiệm của cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển thế nào; trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận cán bộ đến thế nào; trách nhiệm của cơ quan tham mưu thế nào; trách nhiệm của cấp ủy có thẩm quyền thế nào; trách nhiệm của bản thân người cán bộ được luân chuyển thế nào. Việc xác định rõ như vậy để ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra.
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy, chạy quyền. Việc Bộ Chính trị ban hành quy định này trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp có ý nghĩa rất lớn. Đó là cơ sở quan trọng để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các cấp.
Vấn đề chạy chức, chạy quyền là sự nhức nhối lâu nay nhưng chúng ta khó phát hiện bởi sự kín đáo, tinh vi, sự việc còn mang tính nhạy cảm nên rất khó bộc lộ, Quy định 205 có đủ sắc bén để giải quyết thực tiễn này?
– Nói đến vấn đề “chạy chức, chạy quyền” trước đây dư luận vẫn đặt câu hỏi “ai chạy, chạy ai”, lần này trong Quy định 205, Bộ Chính trị đã chỉ ra được những địa chỉ có thể chạy chức, chạy quyền. Đó là chạy đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định 205 đã nêu rõ những cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ sẽ phải làm gì, được làm gì, không được làm những gì một cách cụ thể.
Vấn đề thứ hai, là biểu hiện cụ thể của chạy chức, chạy quyền là thế nào, Quy định 205 cũng chỉ rõ những hành vi được coi là hành vi nhằm chạy chức, chạy quyền. Từ đó để soi, để áp vào thực tế, nếu cán bộ nào có biểu hiện như trong Quy định 205, tức là cán bộ đó có biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền. Từ quy định ban hành sẽ là cơ sở để cho cán bộ đảng viên và người dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực này.
Bên cạnh đó Quy định 205 có chế tài để xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, ngoài việc xử lý theo quy định chung còn bị xử lý theo Quy định 205, nghĩa là mức xử lý nặng hơn nhằm răn đe.
Có thể thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều việc liên quan đến chuyện “chạy” đã giảm, có việc “chạy” chúng ta đã xóa bỏ, chẳng hạn như việc “chạy tuổi”. Từ Thông báo số 13 năm 2016 của Ban Bí thư đã xóa bỏ được vấn đề này. Thông báo nêu rõ: Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên. Từ sau Thông báo này trong những năm vừa qua không thấy còn hiện tượng sửa tuổi của cán bộ, đảng viên.
Vấn đề kiểm soát quyền lực là điều rất mới, rất khó, quá trình xây dựng Quy định 205 đã phải trải qua những bước thế nào?
– Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy, chức chạy quyền, nhưng chúng ta cũng phải hiểu quy định này không phải là phép màu để thay đổi ngay tất cả. Để phòng ngừa tiêu cực trước đó chúng ta đã ban hành nhiều quy định khác nhau. Vì là lần đầu tiên, yếu tố nữa là liên quan đến vấn đề rất nhạy cảm cho nên chúng tôi với tư cách là những người tham gia chuẩn bị nội dung đã phải nghiên cứu rất kỹ, trao đổi, lấy ý kiến rất kỹ, làm thế nào để phù hợp với thực tiễn.
Có thể thực tiễn xảy ra ở bộ ngày, ngành kia, ở địa phương này, địa phương kia…từ tổng kết thực tiễn rồi rút ra những vấn đề có tính chung nhất. Trong quá trình soạn thảo đã lấy rất nhiều ý kiến, rồi hội thảo, xin ý kiến các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ý kiến từ các cấp ủy, tổ chức Đảng, ý kiến của những chuyên gia, rồi Ban soạn thảo trình đi trình lại Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo.
Có thể nói quá trình chuẩn bị rất công phu, dân chủ, mục đích làm sao Quy định ban hành sát tình hình thực tiễn, có tác dụng. Thời gian chuẩn bị Quy định này phải hơn 1 năm.
Mỗi quy định được ban hành điều quan trọng nhất là đi vào cuộc sống, theo ông phải làm sao để Quy định 205 được áp dụng hiệu quả để giải quyết vấn đề thực tiễn hiện nay?
– Như tôi đã nói ở trên, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, qua theo dõi tôi thấy dư luận xã hội rất đồng tình, hưởng ứng, tin tưởng. Cá nhân tôi cho rằng với những nội dung được nêu cụ thể như trong Quy định 205 cả về việc được làm, việc không được làm, chế tài xử lý, rồi hành vi chạy chức, chạy quyền là biểu hiện thế nào thì rõ ràng nó có tác dụng lớn trong thực tiễn, có tác dụng cả về mặt nhận thức. Toàn Đảng, toàn dân căn cứ vào đó để theo dõi, giám sát công tác cán bộ nên sẽ có hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian tới đây chúng ta chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp, để thực hiện được như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.
Những người không xứng đáng đó là những người cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, những người chạy chức, chạy quyền.
Xin cảm ơn ông (!).
(Theo Dân Việt)
Nguồn: Cánh cò