Nếu công thức “hai chọn một” được áp dụng vào các cuộc bầu chọn người vào Ban lãnh đạo của các cấp thì danh sách người tài sẽ tăng lên gấp đôi so với danh sách những người trong qui hoạch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký ban hành qui định về “Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền” với tổng cộng 15 điều, trong đó 7 điều về Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; 4 điều về Chống chạy chức chạy quyền.
Cùng với nhiều văn bản đã ban hành trước đây như: 19 điều cấm Đảng viên không được làm; Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương… thì văn bản “Kiểm soát quyền lực” trên đây được coi gần như là mắt xích cuối cùng của bộ sàng lọc trong công tác cán bộ.
Nói “gần như là mắt xích cuối cùng” là bởi vì còn một mắt xích nữa mà vị trí của nó mới đích thực là mắt xích cuối cùng, đó là các cuộc bầu cử, dùng lá phiếu để quyết định chọn người vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể chính trị-xã hội.
Mắt xích cuối cùng này đã có một truyền thống mà độ dầy lên tới nhiều thập kỷ, đó là việc tạo ra những cán bộ được trúng cử với tỷ lệ đạt trên 90%, thậm chí tới 100% tổng phiếu bầu. Nếu cần đặt tên, thì truyền thống đó được gọi là “bao cấp trúng cử”.
Những sự thực đau lòng đã đặt ra cho những cán bộ chân chính, trung kiên việc phải sàng lọc kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để có được truyền thống như thế, các ứng cử viên đều được qui hoạch, được đưa vào các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thử thách, sàng lọc… công phu, sau đó được đưa vào một danh sách gồm những người được đề cử trong các cuộc bầu cử. Những qui hoạch đó là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, việc đặt ra những bảo đảm để những ai đã được qui hoạch thì đều trúng cử với số phiếu tuyệt đối cao. Việc đảm bảo này là đúng trong những thời kỳ chưa có tình trạng cán bộ tự diễn biến, bị thoái hóa, biến chất.
Từ vài thập kỷ qua, tình trạng đó đã xẩy ra, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, không những làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ mà còn đe dọa tới sự tồn vong của xã hội “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà nhân dân ta đã và đang theo đuổi.
Trong số những người được đề cử theo truyền thống bao cấp trúng cử đó đã để lọt hàng loạt cán bộ từ cấp chiến lược tới các cấp dưới, từ người còn đương chức đến người đã nghỉ hưu, thậm chí trước khi hết nhiệm kỳ còn thực hiện những chuyến tầu vét để thỏa lòng tham nhũng.
Những sự thực đau lòng này đã đặt ra cho những cán bộ chân chính, trung kiên việc phải sàng lọc kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Chưa bao giờ những biện pháp, những công cụ sàng lọc được thiết kế và đưa vào sử dụng trong công tác cán bộ lại phong phú, đa dạng như vài năm gần đây. Đáng kể nhất là kiểm soát quyền lực, chống suy thoái biến chất, chống chạy chức chạy quyền, 19 điều đảng viên không được làm, và đặc biệt là “đốt lò” chống tham nhũng.
Những sàng lọc trên đây đã làm nức lòng toàn dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó một trăn trở, đó là sự sàng lọc ở mắt xích cuối cùng, tức sàng lọc bằng lá phiếu trực tiếp của cử tri, hoặc lá phiếu của người đại biểu. Ở mắt xích cuối cùng này, những gì là khiếm khuyết, là sai sót của công tác cán bộ khiến để lọt lưới những cán bộ suy thoái, biến chất, chạy chức, chạy quyền, vơ vét, tham nhũng…. vào danh sách đề cử thì đều không qua được lá phiếu với tư cách là tai mắt nhân dân.
Hồ Chủ tịch đã nói “dễ nghìn lần dân không cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hãy để lá phiếu trong các cuộc bầu cử trở về với bản chất vốn có của nó, đó là sự công bằng- dân chủ -văn minh, không bao cấp cho bất cứ ai, chỉ chọn những người “vừa là lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân” như Di chúc của Bác Hồ.
Với các cơ quan quyền lực nhà nước, đã có Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; với các tổ chức Đảng, đã có Qui chế bầu cử trong Đảng; với các tổ chức Đoàn thể chính trị-xã hội, đã có Điều lệ của từng tổ chức. Tất cả đều hoàn chỉnh nếu không bị cài đặt vào đâu đó những “bao cấp trúng cử” cho những ứng viên nào đó.
Tại các văn bản về bầu cử trên đây, về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, không thấy có qui định nào về việc chỉ được bầu cho những người đã có trong qui hoạch. Tuy nhiên, không thiếu những cuộc bầu cử khi tiến hành, chỉ được đề cử theo công thức “một chọn một”. Với công thức này, người được đề cử không thể là ai khác ngoài một người đã nằm trong qui hoạch. Và như vậy, khâu sàng lọc cuối cùng này đã trở thành hình thức đầy tốn kém.
Rất đáng mừng là tại Qui chế bầu cử trong Đảng gần đây, việc bầu Bí thư đảng ủy, Bí thư chi bộ đã được yêu cầu là phải có số dư, tức là công thức “một chọn một” đã được bãi bỏ. Khi “hai chọn một”, nếu ai đó trúng cử với 100% phiếu bầu thì đó là sự tín nhiệm thực chất.
Tuy nhiên, nếu ai đó trúng cử chỉ với 51% tổng phiếu bầu thì vẫn cần được xem là bình thường, là đúng với phương châm “bó đũa chọn cột cờ”, là đúng với lẽ tự nhiên rằng “người tài trong xã hội thì nhiều, nhưng trúng cử chỉ có một”.
Nếu công thức “hai chọn một” được áp dụng cả vào các cuộc bầu chọn người vào Ban lãnh đạo của các cấp thì danh sách người tài sẽ tăng lên gấp đôi so với danh sách những người trong qui hoạch. Và như vậy, những cử tri hoặc những đại biểu của các cuộc bầu cử sẽ chọn được người xứng đáng nhất trong số những người xứng đáng.
Đây thực sự là cuộc sàng lọc cuối cùng, có tính nhân dân cao. Qua cuộc sàng lọc này, nếu có ai đó tuy được đưa vào qui hoạch mà không trúng cử thì cũng cần được xem là bình thường, bởi công cụ qui hoạch không phải là vạn năng, vẫn có những khiếm khuyết, hạn chế mà người trong cuộc không thấy, nhưng tai mắt nhân dân thì không bỏ qua.
Việc chuyển từ công thức “một chọn một” sang công thức “hai chọn một” tuy đã thấy là lợi nhiều hơn hại, nhưng trên thực tế mới chỉ được thực hiện một cách “rón rén”. Trong việc chọn người đứng đầu, có nơi áp dụng “hai chọn một”, có nơi không. Trong việc chọn người vào Ban lãnh đạo thì mới chỉ thực hiện “có số dư” ở mức không quá 30%, tức còn khá xa so với mức “hai chọn một”.
Thực trạng đó cho thấy truyền thống bao cấp trong công tác cán bộ vẫn còn nặng nề khiến biết bao công sức trong sàng lọc cán bộ đã bỏ ra trong mấy năm qua chỉ thu được những kết quả hạn hẹp so với kỳ vọng. Trong sự hạn hẹp này, dễ thấy nhất là tình trạng suy thoái, biến chất từ chỗ chỉ là nguy cơ đã trở thành một hiện thực trong đội ngũ cán bộ; tình trạng tham nhũng từ một bộ phận nhỏ đã nhanh chóng trở thành không nhỏ, rồi tới chỗ kéo bè, kết cánh trong hàng ngũ cán bộ có chức có quyền; tình trạng chạy chức chạy quyền đã qua mặt ngay cả những cơ quan quản lý cán bộ; Tình trạng phớt lờ những điều đảng viên không được làm đã diễn ra không chỉ với đảng viên thường mà còn cả với đảng viên có chức vụ, thậm chí đảng viên thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị.
Nghị quyết Đảng đã nhiều lần chỉ rõ vai trò quyết định của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công tuy cán bộ chưa nhiều nhưng tất cả đều một quyết tâm giành chính quyền về tay nhân dân.
Kháng chiến chống thực dân và đế quốc thắng lợi tuy cán bộ chưa đông nhưng đều quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ba thập kỷ Đổi Mới, cán bộ đã nhiều và đông nhưng lại tự biến diễn, suy thoái, biến chất khiến đất nước chưa cất cánh đến thịnh vương.
Đại hội XIII của Đảng đang được chuẩn bị. Qui hoạch cán bộ các cấp đang được lên khuôn. Hệ thống sàng lọc cán bộ đang hoạt động hết công suất. Vấn đề còn lại là Đổi mới hệ thống sàng lọc cán bộ ở khâu bầu cử. Ở khâu này, nếu xóa bỏ được những bao cấp còn đang được cài cắm thì sự nghiệp cách mạng của Việt Nam sẽ có một đội ngũ cán bộ được sàng lọc để tất cả đều là những người “vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
TS Đinh Đức Sinh
Nguồn: Tuần Việt Nam