Trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng việc khỏa thân lên khu di sản Mã Pì Lèng để kêu gọi bảo vệ môi trường là quá phản cảm và khó chấp nhận.
Chiều 8/10, tài khoản Trần Chí Hiếu chia sẻ trên trang cá nhân đoạn video ghi lại cảnh cá nhân cùng nhóm du khách gồm 3 người khác khoả thân, đi motor trên đèo Mã Pì Lèng. Nhóm người này cho biết việc khoả thân nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường, song việc làm của họ nhận không ít ý kiến phản đối gay gắt từ dư luận.
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng bày tỏ không đồng tình với cách làm trên.
Nhóm du khách chạy motor trên đèo Mã Pì Lèng cho biết khỏa thân vì mục đích bảo vệ môi trường. Ảnh cắt từ clip.
Theo bà, để bảo vệ môi trường có rất nhiều cách, không nhất thiết phải khoả thân và có những hành động phản cảm.
“Trong nền văn hoá Việt Nam, việc khoả thân như thế là quá phản cảm và rất khó được chấp nhận. Dù ý tưởng bảo vệ môi trường của họ là tốt nhưng cách làm lại không phù hợp, nó phản tác dụng hơn là mang lại ý nghĩa như họ mong muốn”, bà Hồng phân tích.
Dưới góc độ xã hội, nữ chuyên gia này cho rằng những hành động khỏa thân có thể thu hút sự chú ý của người khác nhưng cũng gây phản cảm cho cộng đồng. Vì thế, nếu xác định mục đích đúng đắn cũng cần suy nghĩ sâu xa, kỹ lưỡng để chọn được phương pháp thực hiện đúng đắn.
“Việc xây dựng công trình không phép ở Mã Pì Lèng làm xấu cảnh quan khiến mọi người bức xúc, nhưng cách khoả thân để phản đối lại làm lệch hướng dư luận, lúc này mọi người sẽ quan tâm đến việc nhóm du khách khoả thân hơn là việc xây dựng trái phép ở Mã Pì Lèng. Nếu phản đối cũng nên chọn cách văn minh, tính cực hơn”, bà Hồng góp ý.
Nhắc lại việc trước đây một nữ người mẫu cũng khoả thân để bảo vệ môi trường nhưng theo bà Hồng, khi đó mọi người chỉ chú ý đến việc cô đó khoả thân hơn là việc cô ấy muốn bảo vệ môi trường, và họ cũng chỉ bàn tán cô ấy đẹp hay xấu thay vì tìm hiểu thông điệp của cô ấy.
Và trường hợp nhóm du khách khoả thân ở Mã Pì Lèng cũng tương tự, cách này đã khiến dư luận hiểu sai mục đích.
Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến thì quả quyết “không ai bảo vệ môi trường bằng hình ảnh khoả thân như thế”. Ông liên tiếp lặp lại cụm từ “quá phản cảm” để đánh giá về việc làm của nhóm 4 người đàn ông nêu trên.
Theo cựu đại biểu này, để tránh các sự việc tương tự về sau, cơ quan chức năng cần xử lý trường hợp này vì đã có biểu hiện vi phạm. Ông cho rằng cơ quan công an có thể làm rõ việc gây rối trật tự công cộng, còn Sở Văn hoá cũng có thể xem xét xử phạt vì đây không phải thẩm mỹ hay văn hoá, mà đây là hành động vô văn hoá.
“Anh có thể ăn mặc đàng hoàng đi đến Mã Pì Lèng và đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường. Nhưng việc anh khoả thân lại đang làm phá hoại môi trường trong lành ở khu vực di sản, phá vỡ môi trường văn hoá”, ông Tiến nói.
Theo nhận định cá nhân, ông cho rằng nhóm du khách này chỉ đang cố tình gây sốc, thu hút sự chú ý của dư luận, lợi dụng việc Mã Pì Lèng đang được quan tâm để nổi tiếng.
Trước đó, trả lời Zing.vn về mục đích của hành động trên, anh Hiếu, người đăng tải đoạn video, cho biết: “Tôi và vài người bạn đến Hà Giang để vui chơi, nghỉ ngơi. Cả nhóm quyết định khỏa thân lái motor trên đèo Mã Pì Lèng với mục đích vui là chính và cũng cách ủng hộ cho việc bảo vệ môi trường, ủng hộ việc xây dựng điểm lưu trú trên đèo Mã Pì Lèng”.
Người này cũng nói khi quyết định khỏa thân chạy xe ở Mã Pì Lèng, nhóm biết sẽ vấp phải sự chỉ trích từ một số cư dân mạng nhưng đó là hành động cá nhân. Hơn nữa, Hà Giang cũng chưa có quy định nào cấm việc khỏa thân.
Hoài Vũ (Zingnews)
Nguồn: Đấu trường dân chủ