Chúng ta có thể sẽ phải nhập đến từng chiếc ốc vít cho sản xuất trong nước. Một câu chuyện rất đáng suy nghĩ, đã nói phải đi đôi với làm. Nghị quyết, chủ trương đã có nhưng nếu không triển khai thì khát vọng chỉ là giấc mơ.
Kết luận Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam (ngày 24/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam”.
“Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông nói. Ông bổ sung, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.
Hoạt động nhập khẩu hàng hoá tại Cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: TTXVN
Tất cả những tinh thần, mong mỏi đó đều rất đúng. Chỉ tiếc một điều, lẽ ra, nếu như ngay từ sau Đại hội 9 của Đảng, chúng ta thực hiện nghiêm túc tinh thần này thì đâu đến nỗi để như bây giờ, đến ngay cả con ốc vít dùng cho một số sản phẩm cao cấp của Tập đoàn điện tử Sam Sung mà chúng ta cũng chưa sản xuất nổi.
Ngành công nghiệp nước nhà không chủ động sản xuất, tỷ lệ nội địa hoá còn rất thấp, nhiều linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu, làm cho giá thành sản phẩm cơ khí rất cao so với nhiều quốc gia khác nên không thể cạnh tranh ở ngay trong nước, chứ đừng nói ở thị trường quốc tế, khu vực.
Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ điển hình. Tỷ lệ nội địa hoá quá thấp, nên về thực chất chúng ta không có cái gọi là công nghiệp ô tô đúng nghĩa, mà chỉ là ngành lắp ráp ô tô mà thôi.
Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, người có nhiều năm gắn bó với ngành công nghiệp nói với tôi về những cảm xúc cá nhân khi liên quan đến phát biểu của Thủ tướng.
“Tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui là bởi Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này đã thấy vấn đề và có hướng triển khai tích cực. Buồn là bởi sau hàng chục năm nay, từ Đại hội 9 chúng ta cũng đã đề cập vấn đề lớn này rồi. Thế nhưng trong thực tế lại không thấy nhúc nhích, chuyển động, thậm chí ngành cơ khí nước nhà lại còn bị còn tụt hậu sau 20 năm. Nhiều sản phẩm cơ khí của chúng ta vốn đã có chỗ đứng trên thị trường, giờ cũng không thấy nữa…”.
Ông Chư kể, khi còn làm Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến phát triển ngành cơ khí nói chung. Sau khi ông Kiệt đã nghỉ hưu và làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, có lần ông Kiệt gọi điện nhắc Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư nên tổ chức một cuộc triển lãm về thành tựu của ngành cơ khí Việt Nam.
Ông Kiệt còn cặn kẽ nhắc tới cả chuyện nên mời những ai, thành phần nào cần đến dự để giúp mọi người có một cách nhìn khác về vai trò của ngành cơ khí trong phát triển kinh tế, giúp thấy cái chưa được của ngành cơ khí nước nhà. Ông Kiệt hy vọng rằng, sau đó người lãnh đạo ở các ngành, các cấp sẽ quan tâm hơn tới lĩnh vực cơ khí Việt Nam.
Ông Chư đã chỉ đạo tổ chức ngay cuộc triển lãm và đương nhiên có sự hiện diện của Thủ tướng Phan Văn Khải, của Cố vấn BCH TƯ Đảng Võ Văn Kiệt cùng các quan chức cao cấp khác tới dự. Ông Đỗ Mười, Cố vấn BCH TƯ, Nguyên TBT lần đó tuy không đến thăm Triển lãm được nhưng trong thực tế từ trước đến giờ, ông cũng rất quan tâm trăn trở nhiều về vấn đề này.
Sau đó, cũng có những nỗ lực phát triển ngành cơ khí như đóng tàu biển, bước đầu đã khởi sắc. Chỉ tiếc là sau đó đã phạm phải sai lầm do tham vọng quá lớn khi tiến hành đóng tàu tải trọng lớn mà sức tiêu thụ không lớn, chất lượng thì chưa ổn, và thế giới bước vào khủng hoảng làm các đơn hàng thiếu vắng.
Khát vọng đóng tàu lớn đã thất bại. Vinashin ngập trong nợ nần và buộc phải tái cơ cấu để rồi có thêm Vinalines, PVN “chết chùm” theo. Được biết, cho đến nay mấy doanh nghiệp này vẫn chưa hết khó khăn do phải nhận bàn giao các doanh nghiệp con và các gánh nặng tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kỳ này sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa. Tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí.
Thế mới biết, giá như hai chục năm qua, với tầm nhìn của các bậc vị lãnh đạo tiền nhiệm, và với việc chúng ta rốt ráo đẩy mạnh chủ trương rất đúng nói trên vào thực tiễn thì tôi nghĩ kinh tế nước nhà hôm nay đã rất khác.
Chúng ta có thể sẽ phải nhập đến từng chiếc ốc vít cho sản xuất trong nước. Một câu chuyện rất đáng để suy nghĩ và đã nói phải đi đôi với làm. Nghị quyết, chủ trương có cả đấy nhưng nếu không triển khai thì khát vọng cũng chỉ là giấc mơ.
Quốc Phong
Nguồn: Tuần Việt Nam