Trang chủ Loa Phường Một người hành động vì môi trường, 10 tổ chức bu vào...

Một người hành động vì môi trường, 10 tổ chức bu vào tận dụng

165
0

Ngày 20/09/2019, khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc có cuộc họp tập trung vào chủ đề môi trường, phong trào “bãi khóa vì khí hậu” – do học sinh Greta Thunberg khởi xướng ở Thụy Điển năm 2018 – đã đồng loạt tổ chức bãi khóa, biểu tình ở 163 nước.

Nhận thấy đây là “cơ hội trời cho”, nhiều hội đoàn ở Việt Nam đã tận dụng sự kiện này để tổ chức biểu tình hưởng ứng, để quảng bá cho hoạt động của mình, hoặc để lái dư luận sang vấn đề biểu tình chống Nhà nước. Cụ thể, họ đã khai thác sự kiện bằng 4 hoạt động:

Trong hoạt động thứ nhất, Phan Thanh Huyền (du học sinh người Việt tại Australia) đã tổ chức một cuộc biểu tình vì khí hậu tại TP.HCM vào ngày 22/09. Nhờ một người bạn của Huyền đăng thông báo về cuộc biểu tình trên fanpage Ho Chi Minh City Expats (Người nước ngoài tại TP.HCM), cuộc biểu tình đã thu hút nhiều người nước ngoài tham gia. Khi trả lời phỏng vấn và tường thuật trên Facebook, Huyền cho biết công an chỉ chụp ảnh, hỏi về mục đích của cuộc biểu tình, và nhắc Huyền thông báo với công an trước khi tổ chức biểu tình để tránh các vấn đề phức tạp về chính trị. Công an cũng cư xử thân thiện, bắt tay và chụp ảnh selfie với người biểu tình, đồng thời hỗ trợ khi họ di chuyển.

Sau sự kiện, nhóm tổ chức biểu tình tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục xuống đường vào thứ 6 hằng tuần (như phong trào ở nước ngoài), đồng thời kêu gọi nhiều người nước ngoài đang sống hoặc du lịch tại Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, vào ngày thứ Sáu, 27/09, họ chỉ tổ chức được biểu tình trước cổng Nhà thờ Lớn Hà Nội, cuộc biểu tình ở TP.HCM phải hủy bỏ do “không có giấy phép”.

Trong hoạt động thứ hai, một số NGO hợp pháp đã tận dụng các diễn biến vừa nêu để phát triển tổ chức của mình. Cụ thể, Hoàng Thị Minh Hồng, người đứng đầu “Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển” (CHANGE), đã mau mắn tiếp cận và hỗ trợ truyền thông cho nhóm Phan Thanh Huyền. Hồng và các thành viên CHANGE cũng tiến hành một cuộc “biểu tình du kích” vào ngày 27/09, nhân việc cuộc biểu tình chính thức của nhóm Phan Thanh Huyền không được cấp giấy phép.

Ngoài ra, cánh NGO thân iSEE cũng tận dụng sự kiện để kêu gọi giới trẻ tham gia các hoạt động và tổ chức xã hội dân sự.

Trong hoạt động thứ ba, một số hội đoàn chống đối cũng tận dụng các diễn biến vừa nêu để tuyên truyền chống chế độ, đồng thời tìm cơ hội phát triển tổ chức của họ.

Cụ thể, trong mảng tuyên truyền chống chế độ, Cao Vĩnh Thịnh (thành viên Green Trees) nói với VOA rằng những người tham gia hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ “bị đánh đập, bị bắt bớ trên đường phố”, bị “quy là nhận tiền của nước ngoài và có âm mưu lật đổ chính quyền”, giống như nhóm Green Trees của Thịnh. Đây là lý do khiến giới trẻ Việt Nam không dám đi biểu tình đòi bảo vệ môi trường như ở các nước khác.

Trong mảng phát triển tổ chức, Cao Vĩnh Thịnh nói Green Trees sẽ “tổ chức một chương trình ca nhạc vào tháng 11 ở Hà Nội về chủ đề biến đổi khí hậu”. Thịnh cũng thể hiện mong muốn rằng các nhóm bảo vệ môi trường sẽ “tạo thành kết nối lớn hơn để cùng nhau xuống đường trong một ngày và thể hiện mong muốn đối với chính phủ Việt Nam”. Thịnh Nguyễn, một người có quan hệ với Green Trees, cũng đã chụp ảnh và tiếp cận những người biểu tình ở Hà Nội vào ngày 27/09.

Trong khi đó, Hoàng Tứ Duy (phát ngôn viên của đảng Việt Tân) đang lân la bắt chuyện trên Facebook cá nhân của Phan Thanh Huyền.

Trong hoạt động thứ tư, các đài VOA và BBC tiếng Việt đã tận dụng vụ việc để tuyên truyền rằng Chính phủ Việt Nam vi phạm quyền biểu tình, hoặc quảng bá cho các nhóm biểu tình chống chế độ.

Chẳng hạn, họ giật title “Vượt qua nỗi sợ, người trẻ Việt Nam tuần hành vì môi trường”, “Tuần hành vì môi trường ở Việt Nam có thể bị xem là chống đối?” – dù trong cuộc phỏng vấn trên BBC, Phan Thanh Huyền đã nói rõ rằng cảnh sát tiếp cận đoàn biểu tình với thái độ thân thiện. Cả 2 đài đều phỏng vấn Cao Vĩnh Thịnh (thành viên nhóm Green Trees) về cuộc biểu tình, trong khi Green Trees chỉ là nhóm lợi dụng vỏ bọc “bảo vệ môi trường” để hoạt động chống chế độ. Ngoài ra, họ cũng so sánh cuộc biểu tình vì môi trường ở Việt Nam với cuộc cách mạng đường phố ở Hong Kong, dù 2 diễn biến này không liên quan đến nhau về mục đích và bản chất.

Đến cuối tuần, một mặt, giới NGO và giới chống đối cùng nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và tình trạng triều cường gây lụt lội ở TP.HCM, để khẳng định nhu cầu “lên tiếng”, biểu tình vì môi trường. Mặt khác, giới chống đối quay sang cãi nhau về phong trào “bãi khóa vì khí hậu” – trong đó cánh ủng hộ Trump tuyên truyền rằng Greta Thunberg là một quân cờ của đảng Dân chủ Mỹ nói riêng và cánh tả trên thế giới nói chung; trong khi cánh chống Trump bác bỏ cáo buộc đó

Bảo vệ môi trường là điều cần thiết, và cuộc biểu tình của nhóm Phan Thanh Huyền là một hành động đáng ghi nhận. Tiếc rằng thay vì trân trọng những người biểu tình, dư luận chỉ coi họ là những quân cờ trong một ván cờ chính trị lớn hơn – như một cuộc cách mạng đường phố ở Việt Nam, hay một cuộc đua giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Mỹ. Là những người công nhận nguy cơ từ biến đổi khí hậu, chúng tôi mong mình có thể bảo vệ môi trường mà không phải cãi nhau, cũng không phải học lớp cảm tình của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Khi thế giới chia phe ngày càng rõ rệt, thiện chí của những người trẻ trung lập là một điều tốt đẹp mong manh, mà các phe phái nên bảo vệ thay vì phá hoại.

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây