Ngày 6/10 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế” do Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển phối hợp với Viện Quản trị Doanh nghiệp tổ chức. Tham dự tọa đàm có khá nhiều cái tên khá quen thuộc như Chu Hảo, thạc sĩ Hoàng Việt, Lê Mã Lương, Nguyễn Khắc Mai, Trương Triều Dương…
Theo như tinh thần của nhóm tham dự tọa đàm, sau này trả lời phỏng vấn đài RFA thì họ đều cho rằng trong tình hình hiện nay cần phải kiện Trung Quốc, đồng thời xích lại gần hơn với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn RFA, ông Hoàng Việt nói:
“Hai thông điệp quan trọng mà tọa đàm muốn đưa ra. Đầu tiên là chính quyền Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc, vì điều đó thể hiện thái độ cương quyết để bảo vệ lợi ích được hưởng theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, nêu rõ tính chính nghĩa khi bảo vệ vùng biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế để họ dễ dàng nhận diện ai làm đúng, ai làm sai trong việc này.”
“Phần đông cử tọa đều thống nhất rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có đề nghị thẳng thắn là phát triển quan hệ hơn nữa với Hoa Kỳ, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Còn ông giáo sư Chu Hảo phát biểu:
“Chắc chắn phải đi đến hành động quyết liệt là phải kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc bây giờ, theo quan điểm của tôi, là đúng thời điểm và là thời điểm quan trọng nhất. Đây là lúc lãnh đạo nhà nước và toàn dân phải lấy quyết định quan trọng nhất vào thời điểm quan trọng nhất”.
Như vậy quan điểm thống nhất của họ rằng trong thời điểm hiện nay phải kiện Trung Quốc để Trung Quốc rút khỏi bãi Tư Chính và chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, điều dư luân băn khoăn và quan tâm nhất đó là nếu kiện Trung Quốc thì kiện ra chỗ nào, cách thức kiện ra sao thì họ lại không đề cập.
Bởi một lẽ đơn giản rằng trước đây Phi cũng đã kiện Trung ra Tòa trọng tài quốc tế, mặc dù Tòa đã tuyên bố Phi thắng cuộc nhưng Tòa lại không có cơ chế bắt buộc thi hành phán quyết, và Trung Quốc vẫn làm ngơ tuyên bố của Tòa trọng tài, thậm chí còn hung hăng hơn và chiếm luôn bãi cạn Scabout của Philippin.
Chưa kể sau đó Trung Quốc còn gia tăng các hoạt động trừng phạt kinh tế với Phi khiến Phi vừa tốn tiền án phí vừa thiệt hại về kinh tế.
Thế nên từ bài học của Phi mới thấy, đành rằng là kiện nhưng kiện như thế nào, kiện ra đâu để đảm bảo thắng lợi toàn diện, vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được môi trường hòa bình ổn định để phát triển mới là điều cần họ bàn và đề xuất, chứ chỉ hô hào chung chung là kiện, kiện, kiện thì đâu phỏng có ích gì.
Còn về quan điểm cần xích lại gần Mỹ để chống Trung, xem ra cũng không phải ý tưởng gì mới và sáng sủa gì lắm, bởi hơn ai hết chúng ta quá hiểu sự mạo hiểm khi không cân bằng được lợi ích giữa các nước lớn. Chưa kể, Mỹ chưa từ bỏ chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, nên chưa biết chừng dựa vào Mỹ thì chưa bảo vệ được chủ quyền đã hỗn loạn về chính trị.
Xem ra, những để xuất này không mới và chưa ổn lắm.
Viễn
Nguồn: Dân quyền