Câu chuyện cô Trần Thị Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chưa học hết cấp 3, từng làm nghề gội đầu, sử dụng giấy tờ của chị gái để chui vào bộ máy nhà nước và thăng tiến làm dư luận xã hội sôi sục.
Thật ra Ái Sa làm nghề gội đầu không có gì xấu vì nghề nào cũng là nghề. Nghề nào thì cũng là mưu sinh, miễn là lương thiện. Ái Sa không có tội cũng chẳng có lỗi khi làm cái nghề gội đầu. Báo chí viết có ý miệt thị khi em làm cái nghề gội đầu là không đẹp.
Giờ đây, Ái Sa đã nhận thức được lỗi lầm, nộp đơn xin thôi việc. Sắp tới tổ chức cũng sẽ có những quyết định đến vận mệnh của cô. Tuy nhiên câu chuyện về tổ chức cán bộ này để lại nhiều dấu hỏi lớn về sự yếu kém của công tác tổ chức, tuyển sinh, tuyển dụng và đào tạo và xa hơn là câu chuyện quyền lực hay lợi ích nhóm.
Ái Sa nói do tuổi trẻ bồng bột, cô chỉ muốn có công việc để mưu sinh chứ không có mục đích nào khác. Và đã nhiều năm qua cô luôn lo sợ bị phát giác. Chưa biết cô nó có đúng hay không và dư luận thì vẫn có quyền nghi ngờ.
Tôi không biết cô phạm vào tội nào được quy định trong Bộ Luật Hình sự, nhưng có lẽ không phải là tội giả mạo giấy tờ, tài liệu để “chui” vào cơ quan công quyền theo điều 341 của Bộ Luật Hình sự hiện hành như ai đó đã viết trên tờ Pháp Luật và Dân Trí. Vì giấy tờ cô sử dụng là giấy tờ thật (của chị gái ruột) chứ không phải giả mạo.
Bỏ qua chuyện cô sám hối, cũng như tranh cãi cô phạm tội hay không, thì việc Ái Sa chưa học hết cấp 3 mà được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, rồi tiếp tục học đại học, học thạc sĩ và thăng tiến tới Trưởng phòng rõ ràng là có vấn đề.
Thứ nhất, công tác cán bộ quá yếu kém do bị buông lỏng hoặc bị lạm dụng quyền lực. Sự yếu kém thể hiện ở việc xác minh lý lịch cán bộ, đặc biệt là ở khâu thẩm định bằng cấp theo quy định. Ở đây, cả bên đảng và bên chính quyền đều thể hiện sự cẩu thả.
Về vụ việc, không phải ngẫu nhiên các nhà báo và dư luận đã phải bức xúc hỏi: Ai đã đưa cô gái này vào nội bộ? Ai đã bảo kê? Ai phải chịu trách nhiệm?
Thứ hai, công tác bảo vệ chính trị nội bộ có vấn đề. Ai cũng biết và thuộc lòng câu nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ đâu mà để cho một cô gái chưa học xong cấp 3 lọt được vào bộ máy Nhà nước, tại một cơ quan quan trọng đến thế?
Thử đặt dấu hỏi, với cách tuyển dụng như thế liệu còn bao nhiêu cô Ái Sa trong bộ máy chính quyền? và cũng thử đặt câu hỏi khác, liệu có những kẻ cơ hội chính trị hay gián điệp lọt vào bộ máy chính quyền không? Và liệu việc tuyển dụng cán bộ của các cơ quan đảng, chính quyền có cần thiết phải nhờ cơ quan công an xác minh hộ?
Báo chí và dư luận có lý khi đòi hỏi phải làm rõ quá trình tuyển dụng và quá trình công tác của cô này. Làm rõ ai là người giới thiệu, thẩm tra lý lịch, bổ nhiệm, kết nạp Đảng… để xử lý.
Tôi đồng tình với ý kiến của một nhà báo rằng, “nếu coi mức độ phạm tội của cô gái này là một thì có lẽ, người nào đó đã đề bạt, cất nhắc cô ta phải có tội gấp nhiều lần. Và việc này, chắc chắn phải có người nào đó chịu trách nhiệm.”
Thứ ba, chuyện cô vào được biên chế Nhà nước đã là lạ, nhưng lạ hơn là cô lại có thể theo học được bậc Đại học và thậm chí lấy được bằng Thạc sĩ. Ở đây, rõ ràng công tác tuyển sinh và đào tạo cũng lại có vấn đề.
Tôi chắc chắn rằng, một người chưa học hết cấp 3 sẽ không thể thi đỗ đầu vào ở bậc đại học và Thạc sĩ. Vậy mà cô vẫn qua. Phải chăng công tác tuyển sinh đã có sai sót khi thẩm định văn bằng, có lỗi trong coi thi và chấm thi? Phải chăng có bảo kê trong quá trình đào tạo hệ đại học và hệ cao học?
Thật chua chát khi ai đó nói rằng, chỉ cần học hết cấp 2 là có thể học thạc sĩ.
Phân tích thế không phải bỉ bôi nền giáo dục nước nhà mà là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với công tác quản lý nhà nước về giáo dục và cụ thể hơn là quản lý chất lượng đào tạo các hệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp của cô Trần Thị Ái Sa làm người ta liên tưởng tới nhiều trường hợp khác như cô Quỳnh Anh, anh Hoài Bảo… hay cao hơn là trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm… Đây là tiếng chuông cảnh báo tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm cất nhắc cán bộ xuất phát từ quan hệ và nhóm lợi ích nào đó. Dư luận đòi hỏi phải xử nghiêm cán bộ vi phạm mới chống được bệnh chạy chức, chạy quyền; mới đảm bảo quyền lực được trao cho người xứng đáng.
Cuteo@
Nguồn: Tre làng