Thời gian quan việc Trung Quốc liên tục thực hiện các hoạt động sử dụng tàu khảo sát dầu mỏ tiến hành thăm dò tại các khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Để ngụy biện cho hành vi phi pháp, ngang ngược của mình Trung Quốc luôn sử dụng lập luận cho rằng khu vực bãi Tư Chính là khu vực này nằm trong phạm vi đường chín đoạn hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trái phép.
Tuy nhiên, khi nói về cái gọi là “đường chín đoạn” thì lập luận mà nước này đưa ra cũng rất mù mờ về “quyền lịch sử” và không một ai trên thế giới hiểu rằng theo cách diễn giải của Trung Quốc, cơ chế pháp lý của vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là gì, nó là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa?
Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: (1) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn và (2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Có thể thấy rằng Trung Quốc đã nhận ra rằng yêu sách đường chín đoạn quá ngớ ngẩn và không thể lừa ai. Vì vậy, lần này chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này – Cảnh Sảng trong phát ngôn của mình đã gắn bãi Tư Chính với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lập luận này cũng hoàn toàn đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực là một phần của luật pháp quốc tế. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, đường chín đoạn là phi pháp và không tồn tại cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” như cách nói của Trung Quốc nên bãi Tư Chính thuần túy thuộc Việt Nam. Ngược lại, Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp hay vùng nước thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ.
Bên cạnh đó, việc trong thời gian vừa qua Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí tại các khu vực thuộc chủ quyền của quốc gia khác trong đó có Việt Nam bản chất là Trung Quốc muốn sử dụng các hoạt động trên thực địa nhằm đạt được những mục đích trên bàn đàm phán. Bởi hiện nay, Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thảo luận để thống nhất ký kết Bộ quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Trong dự thảo của Trung Quốc, nước này đề xuất là các nước trong khu vực biển Đông không được phép hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác tài nguyên biển Đông. Biết rằng quy định này trái với luật pháp quốc tế nên Trung Quốc tăng cường sức ép trên thực địa để các quốc gia ASEAN thấy rằng nếu không thuận theo Trung Quốc thì không thể khai thác được tài nguyên trên biển Đông. Như vậy, Trung Quốc mưu đồ dùng sức mạnh để bắt nạt các nước trong khu vực nhằm dễ bề thao túng, chiếm đoạt tài nguyên của các nước xung quanh biển Đông trong tương lai. Dễ thấy mục đích này Trung Quốc đã thực hiện với Philippines khi thỏa thuận với nước này sẽ bắt tay cùng khai thác dầu khí tại các vùng thuộc chủ quyền của Philippines nhưng chỉ nhận về 40% lợi nhuận còn 60% là của Philippines. Với Việt Nam dụ dỗ không được nên Trung Quốc muốn sử dụng chân tay đây mà.
NGẠO
Nguồn: Nhân quyền Việt Nam