Nhìn lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu về Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan

Nhìn lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu về Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan

Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng việc Dự án chưa thể triển khai, một số người đã vội vàng phán xét, quy chụp thậm chí là đưa ra các luận điệu xuyên tạc, kích động cản trở Dự án.

Nhìn lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu về Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào NanNhận diện một số luận điệu xuyên tạc liên quan Dự án

Liên quan Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan, một số linh mục như: Nguyễn Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Đình, Trương Văn Thực… tung ra hoả mù, gây nhiễu loạn bằng nhiều thông tin. Cụ thể như:

Thứ nhất, lợi dụng dụng tâm lý “bài Trung Quốc” để xuyên tạc một cách trắng trợn, cho rằng Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan xây dựng là để cấp nước cho nhà máy xi măng Trung Quốc ở Văn Hoá, nhằm ra sức tuyên truyền, kích động người dân phản đối Dự án.

Sự thật không đúng như vậy, nhà máy xi măng Văn Hóa do Công ty CP vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 10-2013 có quy mô công suất 5.000 tấn/ngày. Tháng 1-2015, Công ty VCM đã cho ra đời thương hiệu xi măng Starcemt. Đến tháng 3-2017, Công ty TNHH SCG Xi măng – vật liệu xây dựng, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại 100% vốn cổ phần từ các cổ đông của Công ty VCM (công ty mẹ của nhà máy xi măng Văn Hóa). Như vậy, hiện tại Nhà máy clinker Văn Hóa đang hoạt động bình thường và thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Thái Lan.

Thứ hai, cho rằng đập Rào Nan được xây cao 15 m? Là quả bom nước treo lơ lửng.

Xin khẳng định lại một lần nữa, cao trình ngưỡng tràn của công trình là +6,0m (đập dâng Rào Nan hiện tại cao trình +1,5m), tức là công trình được nâng cao thêm 4,5m so với đập cũ. Đây là một luận điệu bịa đặt hoàn toàn, thổi phồng quá mức về chiều cao của công trình.

Thứ ba, đánh tráo khái niệm giữa “công trình thuỷ lợi” với “công trình thuỷ điện”; lợi dụng một số công trình hồ đập xả lũ để làm gia tăng mức độ nguy hiểm, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân đối với đập Rào Nan.

Phải nói rõ thêm về cách thức vận hành theo kiểu đập dâng Rào Nan là dâng nước và cho tràn qua, khác với các đập đất là dâng nước nhưng không thể tràn qua, chỉ thoát lũ bằng cửa tràn. Các công trình thủy lợi và thủy điện phải điều tiết năm hoặc nhiều năm, tích nước để phục vụ sản xuất và phát điện, khi có lũ lớn bất thường vượt tần suất đổ về, các công trình này bắt buộc phải điều tiết để đảm bảo an toàn cho công trình, bằng cách xả lũ với lưu lượng lớn, đây là nguyên nhân gây ngập lụt hạ du. Đối với đập dâng Rào Nan, trước mùa lũ, toàn bộ hệ thống 15 cửa van được đơn vị quản lý vận hành nâng lên, trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. Khi có lũ về, ngoài một phần lũ bị giữ lại do dung tích phòng lũ của đập dâng (khoảng 6,0 triệu khối), thì hệ thống 15 cửa van, 1 cửa van rộng 10m, tổng là 150m (so với bề rộng của đập dâng hiện tại là 135m), khả năng thoát lũ tốt hơn so với lòng sông hiện tại.

Như vậy, việc xây dựng đập Rào Nan theo hình thức đập dâng không gây thêm ngập lụt hạ du, còn góp phần phòng lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ.

Nhìn lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu về Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan

Một số thông tin, luận điệu xuyên tạc

Thứ tư, tiếp tục sử dụng những luận điệu cũ rích như “làm Dự án để ăn tiền, để ăn hối lộ”, “không phản đối việc xây dựng đập song yêu cầu phải công khai, minh bạch” hay là “tiền xây dựng công trình rót từ trên xuống, qua tay cán bộ đến tận công trình không còn được mấy, chất lượng công trình làm sao đảm bảo…” khiến cho người dân không tin tưởng vào mức độ an toàn của công trình.

Đây cũng là một điều bịa đặt nữa, bởi công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn Trái phiếu Chính phủ, quá trình thi công chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội, HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng. Người dân sẽ tham gia vào Ban Giám sát cộng đồng để theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công dự án. Đơn vị trúng thầu thi công đập tràn, cống lấy nước là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đây là một đơn vị đã trúng thầu thi công các công trình thủy lợi lớn và các công trình giao thông quan trọng của đất nước, do đó Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan sẽ tuyệt đối an toàn, chất lượng và hiệu quả cao.

Vậy bản chất của những luận điệu xuyên tạc trên là gì?

Có thể thấy, đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn và hoàn toàn sai của một số đối tượng xấu. Con người phát triển được là nhờ khoa học, không tin khoa học thì tin ai? Một số kẻ xấu luôn cho rằng đất nước Việt Nam chậm phát triển, lạc hậu… nhưng khi có chủ trương, chính sách, đưa các Dự án về để phát triển kinh tế thì lại tìm cách cản trở, chống phá. Hành vi đó đáng bị lên án!

Âm mưu của chúng muốn thông qua sự việc để gây tâm lý hoang mang, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền; từ đó kích động, lôi kéo những người “nhẹ dạ, cả tin” vào các hoạt động chống phá. Nguy hiểm hơn, một số kẻ xấu thậm chí còn muốn kêu gọi người dân tụ tập đông người, gây rối về an ninh, trật tự từ đó gây biểu tình, bạo loạn. Đây là âm mưu thâm hiểm, xảo trá mà mỗi người dân cần nhận thấy.

Chính vì vậy việc làm trước mắt của người dân là hãy bình tĩnh, tin tưởng vào chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; cùng với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại trong quá trình thi công Dự án. Qua đó, sớm đưa Dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan triển khai thực hiện. Đồng thời, tránh để các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Nguồn:  Dân luận 24h

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *