‘Là lãnh đạo cao cấp ở địa phương, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh có hai trách nhiệm: Một là người đứng đầu đảng bộ, phải có trách nhiệm về những sai sót trong tổ chức cao nhất mà mình là người đứng đầu. Thứ hai, ông là người liên quan trực tiếp, nên trách nhiệm nêu gương còn phải được xem xét cao hơn cả những người khác nữa’.
Ông Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trao đổi với Tiền Phong về kết luận của UBKT Tỉnh ủy Hà Giang liên quan đến vụ gian lận thi cử.
Thông báo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Hà Giang liên quan đến 151 cán bộ, đảng viên vi phạm trong vụ gian lận thi đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Ông đánh giá gì về kết luận này?
Trước tiên, chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực của UBKT Tỉnh ủy Hà Giang, đã rất tích cực để đưa ra kết quả công bố vừa qua. Tuy nhiên, dư luận cũng chưa thực sự hài lòng với thông báo kết luận này, đặc biệt đối với 29 trường hợp bị đề nghị “kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”. Bởi trong số này chủ yếu tập trung vào những người có chức vụ lãnh đạo, những thành phần có điều kiện khác.
Dư luận băn khoăn, đó là những người có chức, có quyền, hiểu biết pháp luật thì hình thức xử lý “rút kinh nghiệm” như vậy đã nghiêm minh, đúng quy định chưa. Bên cạnh đó, dư luận cũng không đồng tình về một số nội dung trực tiếp trong thông báo kết luận kiểm tra. Ví dụ như việc “nhờ xem điểm”, tức nhờ ai đó để xem điểm thôi, mà hình thức xem xét cũng giống như nhờ người khác “sửa điểm”. Đánh đồng giữa “xem điểm” với “sửa điểm” và các trường hợp khác là không thuyết phục, thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, không ít người có chức, có quyền nhưng lại kết luận do “em chồng”, “mẹ đẻ”, “mẹ vợ” tác động. Dư luận băn khoăn, vì sao cán bộ, đảng viên mà lại không thẳng thắn nhận trách nhiệm, lại để quần chúng nhận thay? Dư luận thấy tính tiền phong, gương mẫu, tính trách nhiệm và lòng tự trọng của đảng viên có gì đó không ổn. Vì cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu, và UBKT Tỉnh ủy Hà Giang cũng phải làm rõ nội dung này, đừng đổ trách nhiệm cho người thân. Đặc biệt, dư luận cũng trông chờ vào việc tiếp tục xử lý đối với những người có trách nhiệm cao, không thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đó là 12 cán bộ, đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh quản lý, và được UBKT Tỉnh ủy báo cáo UBKT Trung ương xem xét, xử lý, thưa ông?
Đúng vậy. Theo thẩm quyền người nào chuyển khỏi địa phương thì thuộc về thẩm quyền của các cơ quan liên quan và cơ quan quản lý. Chính vì vậy công luận vẫn trông chờ vào việc tiếp tục xử lý tới đây. Dư luận cũng mong muốn có một cơ quan có thẩm quyền cao hơn đứng ra để xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, để tạo thêm lòng tin và sớm kết thúc vụ việc này. Bởi nếu kéo dài thêm nữa càng gây bức xúc và không nhận được sự đồng thuận trong nhân dân.
Liên quan đến trách nhiệm nêu gương, là người từng đứng đầu tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có trách nhiệm như thế nào khi vợ và em gái vi phạm như vậy?
Trong trường hợp này, người vợ đã có “kiểm điểm sâu sắc”, và người chồng cũng không thể tránh được trách nhiệm. Nhưng vì ở đây, như chúng ta biết, hiện ông Triệu Tài Vinh đã chuyển công tác và thẩm quyền xem xét là của Ban chấp hành Trung ương, còn cao hơn cả UBKT Trung ương. Còn phía UBKT tỉnh ủy chỉ xem xét trong thẩm quyền, phạm vi của họ thôi. Họ không thông báo kết quả cụ thể được, mà sẽ có văn bản báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền, lên UBKT Trung ương, Ban Bí thư để xem xét theo thẩm quyền, rồi có thông báo sau.
Còn về kỷ luật ra sao thì UBKT Trung ương sẽ báo cáo để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét. Trong trường hợp xem xét ở hình thức cao hơn nữa thì phải đưa ra Trung ương. Ông Triệu Tài Vinh không thể đứng ngoài cuộc, chắc chắn không thể không xem xét được, thậm chí sẽ còn phải xem xét một cách nghiêm túc đầy đủ và trách nhiệm hơn nhiều. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có xem xét, đánh giá nhưng chỉ thuộc về phần của họ, còn đưa ra hình thức cuối cùng thì không. Việc này UBKT Trung ương sẽ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm, rồi căn cứ vào tính chất mức độ sai phạm thì UBKT Trung ương có thể thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền.
Là lãnh đạo cao cấp ở địa phương, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh có hai trách nhiệm: Một là người đứng đầu đảng bộ, phải có trách nhiệm về những sai sót trong tổ chức cao nhất mà mình là người đứng đầu. Thứ hai, ông Triệu Tài Vinh là người liên quan trực tiếp, nên trách nhiệm nêu gương còn phải được xem xét cao hơn cả những người khác nữa.
Điều đáng lưu ý trong cùng một hành vi, nhưng mức độ xử lý ở các địa phương lại có phần khác nhau. Vậy theo ông, các cơ quan trung ương, Bộ Công an có nên tham mưu, hoặc đưa ra phương án để xử lý một cách thống nhất, đồng bộ?
Việc xử lý theo hình sự hay hành chính tùy thuộc vào quy định của pháp luật. Hiện xử lý hình sự thì có các cơ quan tố tụng, còn đối với đảng viên thì có các tổ chức đảng. Hiện nay ở Sơn La, Hà Giang đang làm là xử lý dưới góc độ đảng viên. Còn xử lý hình sự hay không, cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét, thậm chí còn xem có tội hối lộ hay không. Vừa qua trước ý kiến của dư luận và các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã có những chỉ đạo nhất định, thậm chí điều tra bổ sung thêm tội đưa nhận hối lộ.
Do mức độ vi phạm ở ba tỉnh gần như nhau, nên vai trò của trung ương rất lớn. Ví dụ xử lý hình sự thì các cơ quan trung ương, từ tòa án, viện kiểm sát đến Cơ quan điều tra Bộ Công an phải theo dõi tình hình, có chỉ đạo, thậm chí trực tiếp điều tra. Đồng thời phải có sự giám sát của các cơ quan, xem việc xử lý có đúng pháp luật không, xem việc đấu tranh với tội phạm, với các hành vi vi phạm ở dưới có đúng không.
Cảm ơn ông.
Các cơ quan trung ương, từ tố tụng đến cơ quan kiểm tra của Đảng cần theo dõi chỉ đạo. Nếu ba tỉnh làm không thống nhất, làm không nghiêm túc, UBKT Trung ương sẽ có chỉ đạo và sẽ đảm bảo xem xét xử lý đúng các quy định của Đảng.
Luân Dũng/Tiền Phong
Nguồn: Cánh cò