Trang chủ Cánh cò UBKT Trung ương cần vào cuộc?

UBKT Trung ương cần vào cuộc?

144
0

Hủy quyết định lắp đặt, thu hồi chi phí đã lắp đặt (gần 900 triệu đồng), tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan đã ban hành quyết định lắp đặt. Có thể nói cũng là một quyết định… kịp thời, hợp lòng dân.

UBKT Trung ương cần vào cuộc?
Sóc Trăng chi 1 tỷ lắp camera nhà lãnh đạo: UBKT Trung ương cần vào cuộc?

Sau vụ Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội bị kỉ luật vì tổ chức đám cưới linh đình cho con trai, Sóc Trăng, một tỉnh nghèo ở miền Tây Nam bộ lại xôn xao bởi một chủ trương chưa có tiền lệ. Đó là chi gần 1 tỉ đồng (chính xác là gần 982 triệu đồng) từ nguồn ngân sách dự phòng của Đảng để sắm camera cho nhà 16 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo báo thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng 6 tháng đầu năm 2019 của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng (Nguồn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng), cho thấy: Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng 6 tháng đầu năm 2019 là 2.368.636 triệu đồng. Tổng chi ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng 6 tháng đầu năm 2019 là 5.077.704 triệu đồng. Vậy bội chi là 2.709.068 và phần âm này do ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn bộ.

6 tháng cuối năm chắc tình hình chưa thể tốt lên. Không riêng Sóc Trăng, hầu hết trong 13 tỉnh – thành đồng bằng sông Cửu Long đều bội chi ngân sách trong nhiều năm, phải dựa vào “bầu sữa” chung của cả nước. Mà ngân sách nhà nước cũng đâu dồi dào gì, theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, mức bội chi là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.

Dẫn ra vài con số như vậy để cho thấy sự “chơi trội”, “xài sang” của tỉnh Sóc Trăng, ngân sách bí bách, hàng năm vẫn nhận hỗ trợ từ Trung ương thế mà lãnh đạo tỉnh duyệt chi gần 1 tỉ đồng từ nguồn dự phòng cho Văn phòng Tỉnh ủy để sắm 16 bộ camera gắn tại nhà của 16 vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Nên nhớ là tỉ lệ hộ nghèo ở Sóc Trăng hiện còn tới 8,4%, tương ứng hơn 27.150 hộ. Còn biết bao nhà dân hở trên trống dưới, thiếu trước hụt sau trong khi tư gia quan chức vốn đã nhà cao cửa rộng lại còn lấy tiền ngân sách mua camera đắt tiền để giữ an toàn.

Quyết định lắp camera nhà riêng các Ủy viên Ban Thường vụ của Sóc Trăng là vi hiến

Quyết định do Phó bí thư Thường trực Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký có viện dẫn một trong những căn cứ là Thông tư số 1539/2017/TT-BTC, ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan của Đảng. Nhiệm vụ chi của các cơ quan Đảng được quy định gồm các khoản như chi thường xuyên, gồm chi để đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, chi đảm bảo các nhiệm vụ đặc thù của các cấp ủy Đảng dự tính theo yêu cầu, nhiệm vụ và chi đảm bảo hoạt động đối ngoại, và các khoản chi thực hiện chính sách cán bộ, chi cho các đối tượng có công với cách mạng và các khoản đặc biệt khác (lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng…). Rõ ràng, không có bất cứ quy định nào đề cập đến việc cho phép dùng ngân sách của Đảng để chi phục vụ riêng các lãnh đạo tỉnh.

Ngoài ra, theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009/NĐ-CP quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ, thì mục tiêu cần bảo vệ là trụ sở của những tổ chức quan trọng, cụ thể ở đây là trụ sở Tỉnh ủy Sóc Trăng, chứ không phải là nhà riêng của cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thông tư số 01/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định về hoạt động vũ trang canh gác, bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát thì không có nhà riêng của lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo khoản 4 Điều 3 và Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 thì ở cấp tỉnh không có cán bộ nào thuộc đối tượng cảnh vệ. Cán bộ thuộc đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ mới được bảo vệ tại nơi làm việc, trên đường đi công tác và tại nhà riêng.

Như vậy, để thấy rằng căn cứ lắp camera tại nhà riêng của cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hoàn toàn sai. Tỉnh ủy Sóc Trăng không hủy bỏ thì văn bản này cũng sẽ bị hủy bỏ theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp nếu cơ quan chức năng vào cuộc.

UBKT Trung ương cần vào cuộc?
Tỉnh nghèo nhưng “chơi trội”, “xài sang”

Cần sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ đúng sai

Chuyện cũ chưa qua lại có chuyện mới. “Điểm danh” lại hàng loạt lùm xùm ở Sóc Trăng vừa qua như vụ buôn xăng giả của đại gia Trịnh Sướng; vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới “khủng” cho con trai, và giờ là đến vụ Phó bí thư Tỉnh ủy ký quyết định lắp camera cho 16 lãnh đạo trong ban Thường vụ.

Lắp đặt camera để theo dõi, nắm bắt, giám sát, xử lý tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội hẳn nhiên là một công việc cần thiết, thể hiện chất lượng phục vụ của các dịch vụ công đối với đời sống người dân. Nhưng từ đó, để ban hành một quyết định mua sắm công, lắp đặt cho riêng các lãnh đạo chủ chốt, mở rộng “góc quay” giám sát hộ khu vực nhà hàng xóm thì quả thật rất phản cảm. Ở đây lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng không thể nhân danh vị trí xã hội mà tự mình ban hành những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân hay “nhóm thân hữu”. Lại càng không thể tự lắp đặt cho mình và các “đồng chí” của mình cái hàng rào an ninh để bên kia, phía ngoài hàng rào ấy đang là cuộc sống của người dân – những người đóng từng đồng tiền thuế để có chi phí mua sắm mấy chục cái camera.

Do vậy vụ việc cần sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ đúng sai, và có thái độ nghiêm khắc với sai phạm, chứ không phải cứ sai đâu, sửa đó là xong. Phải truy đến cùng trách nhiệm, không chỉ trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà còn cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân ủy viên Ban Thường vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Thiết nghĩ từ những gì đang diễn ra, đã đến lúc cần có biện pháp chấn chỉnh sự chi tiêu vô tội vạ đang diễn ra ở không ít cơ quan Đảng, Nhà nước… Và hơn hết phải kỷ luật nghiêm cá nhân liên quan, mới mong dẹp được những hiện tượng tương tự như trên.

Diệu Hương

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây