Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nhận diện luận điệu xuyên tạc quy định kiểm soát quyền lực

Nhận diện luận điệu xuyên tạc quy định kiểm soát quyền lực

229
0

Ngày 23.9.2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này là phương thức, giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng.

Nhận diện luận điệu xuyên tạc quy định kiểm soát quyền lực

Được dịp, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động, trong đó phải kể đến các “chuyên gia phân tích chính trị”, “nhà dân chủ” trong và ngoài nước ngay lập tức đăng đàn các luyện điệu xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông quốc tế, blog hải ngoại, mạng xã hội.

Đài Á châu tự do và nhiều trang mạng chống phá đăng tải loạt bài với mục đích chính trị, hướng lái cách mạng Việt Nam rằng “Bỏ độc quyền lãnh đạo mới có thể chấm dứt nạn đảng viên tha hóa”. Chúng rêu rao rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng”. Không những thế, chúng còn khẳng định “như đinh đóng cột” rằng, việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta giống như “đánh trống bỏ dùi”. Thậm chí, có kẻ còn ví von như “Quy định này cũng chỉ làm được một số việc đầu voi đuôi chuột mà thôi”, hay có kẻ còn mạnh miệng khẳng định: “Quy định này được ban hành là biểu hiện của sự đấu đá nội bộ, phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam”…

Và với lập luận kiểu “bạ đâu nói đó”, chúng quy kết rằng sự độc quyền quá lâu, thiếu minh bạch trong một thời gian dài của Đảng Cộng sản đã dẫn tới tình trạng phổ biến là tha hóa đạo đức của cán bộ lãnh đạo. Để từ đó quy chụp đây là vấn đề mang tính bản chất của chế độ; quy định này là cơ hội để thanh trừng nội bộ, loại trừ phe nhóm, để hủy diệt đối với những người có khả năng tranh giành quyền lực…

Rõ ràng đó là những suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở, mang tính chính trị phản động nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Thực tế đã chứng minh, không quốc gia nào có thể phát triển nhanh, ổn định và bền vững nếu quyền lực nhà nước không được kiểm soát và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra các quốc gia cho dù thể chế chính trị có khác nhau. Và vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xa rời chuẩn mực của cán bộ, công chức là vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm và có thiết chế quy định. Như vậy có thể thấy, sự suy thoái, tha hóa, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, nó nảy sinh trong bất kỳ quốc gia nào với bất kì chế độ nào.

Do vậy không thể nói, sự tha hóa của cán bộ, đảng viên là bản chất của thể chế chính trị ở Việt Nam, việc ban hành Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là cơ hội để thanh trừng nội bộ, loại trừ phe nhóm, để hủy diệt đối với những người có khả năng tranh giành quyền lực… như những quy kết xuyên tạc, đặt điều của những luận điệu nói trên.

Thừa nhận rằng, ở nước ta hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp; việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế chính sách đề bạt, bổ nhiệm chưa công bằng, chưa đầy đủ… Nhưng như vậy không có nghĩa là Đảng và Nhà nước ta “bó tay” trước vấn nạn lạm quyền, tha hóa quyền lực, tham nhũng. Một minh chứng sinh động trên thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được đẩy mạnh; nhiều vụ án nghiêm trọng đã đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Dễ dàng nhận thấy, luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu nhằm hướng đến những mục đích chẳng xa lạ gì. Đó là: (1) Xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp 2013 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Từ đó lật đổ sự lãnh đạo của Đảng với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; (2) Cổ xúy, thúc đẩy từ bỏ con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, hướng lái theo con đường tư bản chủ nghĩa, theo hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “xã hội dân sự” ở Việt Nam; (3) Tạo cớ diễn biến tình hình chính trị ở nước ta, cố tình xuyên tạc công tác cán bộ theo kiểu “tung hỏa mù” để tạo ra nhận thức sai lệch trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Đây là âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn rất tinh vi và thâm độc. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo, cảnh giác, nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu nguy hiểm này, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

  • Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây