Mấy ngày qua, báo chí và công luận một lần nữa lại hướng về tỉnh nghèo Sóc Trăng, khi địa phương này vừa mạnh tay chi gần tỷ đồng ngân sách dự phòng để lắp camera an ninh cho nhà riêng 16 lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc này được đặc biệt chú ý bởi từ trước đến nay, chưa có bất cứ địa phương nào có chủ trương dùng ngân sách để mua camera lắp tại nhà riêng các lãnh đạo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng nói: “Đây là vấn đề hết sức tế nhị và nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay, không ai nên làm chuyện đó cả”.
Theo ông Dũng, nếu nói về mục tiêu của công tác đảm bảo an ninh trật tự thì vấn đề an ninh trật tự chung là quan trọng hơn cả. Còn việc lắp camera cho nhà riêng lãnh đạo thì “kỳ lạ quá”.
“Đảng ở trong dân, sao lại lắp camera ở nhà lãnh đạo như thế được. Nếu nói an ninh thì dân cũng cần đảm bảo an ninh, vậy có tính đến đảm bảo an ninh cho người dân không?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Vì thế, Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định hủy quyết định về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thu hồi số tiền đã chi lắp đặt là 882,8 triệu đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này. Đồng thời, báo cáo đầy đủ sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
Được biết, quyết định lắp camera an ninh nhà lãnh đạo của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy được Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký ngày 23/4/2019. Kính phí dự toán 982 triệu đồng, lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh rằng trong bối cảnh phải tiết kiệm ngân sách, phải chắt chiu từng đồng thì không nên chi tiêu như vậy, chưa tính đến việc Sóc Trăng còn là tỉnh nghèo.
“Tỉnh dù giàu hay nghèo đều phải tiết kiệm căn cơ, nhưng tỉnh nghèo mà chi thế thì quá lãng phí. Với số tiền đó thử hỏi có thể xây được bao nhiêu cây cầu hay những ngôi nhà chính sách”, ông Dũng băn khoăn.
Nhìn vào con số chi gần 1 tỷ đồng cho việc lắp camera ở nhà riêng cho 16 lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định đó cũng là con số mà nhìn vào đã thấy “chênh” với giá cả thị trường.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn, ông Nhưỡng cho rằng việc làm này cho thấy một tỉnh nghèo như Sóc Trăng đang tự đặt ra cho mình những “đặc quyền, đặc lợi”.
Trong bối cảnh Trung ương, Quốc hội và Chính phủ luôn quán triệt tinh thần tiết kiệm chi tiêu, dành kinh phí tập trung cho đầu tư phát triển, thì việc Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của Đảng để lắp camera an ninh tại nhà riêng của tất cả cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy được nhiều người nhận định là “chơi trội”, “xài sang”. Hơn thế, Ngân sách Đảng hay ngân sách Nhà nước cũng đều là của công nên không được lấy dù chỉ một đồng.
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ rằng không có chủ trương nào cho phép dùng ngân sách dự phòng của Đảng để mua camera lắp cho nhà riêng của các lãnh đạo tỉnh.
“Cũng cần làm rõ, lắp camera để làm gì, có giúp phòng chống tham nhũng không? Nếu lắp để giám sát, theo dõi thì rõ ràng là xâm phạm đời tư. Còn nếu như để đảm bảo an ninh cho nhà riêng lãnh đạo thì ai cho phép anh sử dụng ngân sách. Đó là câu chuyện không chấp nhận được”, ông Nhưỡng nói.
Ông cũng đặt vấn đề nếu giả sử có quy định cho phép việc này thì cũng không có chuyện áp dụng đầu tiên ở một tỉnh như Sóc Trăng, mà trước hết sẽ được áp dụng với các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương.
Sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Mỗi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân, phục vụ nhân dân, chứ không phải là ‘quan nhân dân’.
Theo cách hiểu thông thường, về mặt chính trị, lãnh đạo và phục vụ là hai phạm trù có nội hàm khác nhau; người lãnh đạo và người đầy tớ (người phục vụ) cũng có những chức trách không giống nhau. Thế nhưng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cuộc cách mạng ấy vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì hoàn toàn không có một bức tường ngăn cách nào giữa nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ phục vụ. Chính vì vậy, giữa người lãnh đạo và người đầy tớ có mối quan hệ thống nhất và biện chứng lẫn nhau.
Ông Nguyễn Túc – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa xã hội Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, nói “riêng lấy quỹ Đảng để chi cho cá nhân là sai hoàn toàn”.
Cũng theo ông Nguyễn Túc, vấn đề chính là nằm ở ý thức của từng đảng viên, đặc biệt của người lãnh đạo. Nếu là người nghiêm túc, trong sạch, chấp hành nghiêm quy định của Đảng thì phải kiên quyết phản đối việc làm đó, nhưng ở đây nhiều người lại đồng tình, đó chính là vì lợi ích ích nhóm của chính họ.
Lấy tiền ngân sách trang bị camera như vậy có đúng luật không? Việc làm này liệu có phải quan liêu, xa dân không? Tỉnh nào, địa phương nào cũng “lo” cho cán bộ như Sóc Trăng, liệu ngân sách nào kham nổi?… Hàng loạt những vấn đề bất cập được dư luận và các đại biểu Quốc hội đặt ra xoay quanh sự việc này.
Kể cả trong trường hợp Sóc Trăng “được quyền và làm đúng”, vậy nếu như tất cả 63 tỉnh, thành, rồi các bộ ngành cũng làm như vậy thì ngân sách có “gánh” được không? “Bảo vệ” các lãnh đạo tỉnh có phải là ưu tiên hàng đầu không trong bối cảnh chúng ta vẫn còn vô vàn vấn đề bức xúc dân sinh khác?
Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Chính vì vậy, mỗi đảng viên phải hết sức cẩn trọng, làm những việc có lợi cho dân, vì dân, “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” như lời Bác Hồ đã từng căn dặn.
Đinh Lực
Nguồn: Cánh cò