Trang chủ Đấu trường dân chủ ‘Quần chúng’ không phải là ‘một người’, ‘tồn tại’ không phải là...

‘Quần chúng’ không phải là ‘một người’, ‘tồn tại’ không phải là ‘hạn chế’

1
0

Không nên sử dụng “tồn tại” thay cho khuyết điểm, yếu kém hoặc khó khăn… Bởi, “tồn tại” là tồn tại, khuyết điểm là khuyết điểm. Không thể dùng “tồn tại” để làm “nhẹ đi” “giảm đi” hay “sang hơn” trong nói và viết.

'Quần chúng' không phải là 'một người', 'tồn tại' không phải là 'hạn chế'

Cách đây ít lâu, tôi được dự hội nghị sơ kết công tác Đảng giữa năm của một doanh nghiệp. Trong báo cáo sơ kết, tôi đặc biệt chú ý tới một số từ và cụm từ được sử dụng trong văn bản, xin trích dẫn lại:

“Nhờ có sự định hướng, chỉ đạo sâu sát của đồng chí Giám đốc, nên Ban Chấp hành Đảng ủy Công ty đã tích cực, kịp thời triển khai những chủ trương phù hợp với đặc thù công tác Đảng trong doanh nghiệp…”.

“6 tháng qua, đã có 24 quần chúng công nhân ưu tú được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Đảng của Công ty vẫn còn một số tồn tại…”.

Ba đoạn trích dẫn “nguyên văn” trên, nếu đọc lướt và không để ý, chắc chắn không ít người sẽ thấy bình thường và rất quen, không có gì phải “bàn cãi”. Tuy nhiên, dưới góc độ tổ chức Đảng và “ngôn ngữ học” thì rõ ràng là những từ và cụm từ này chưa đúng, chưa chuẩn.

1. Nội dung thứ nhất sai hoàn toàn về vai trò lãnh đạo. Đó là, “đồng chí Giám đốc”, dù đứng đầu về mặt tổ chức chính quyền, cũng không thể định hướng và chỉ đạo đối với Đảng ủy. Kể cả trong trường hợp Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy, thì những nội dung chỉ đạo, lãnh đạo, xây dựng chủ trương, kế hoạch liên quan đến công tác Đảng cũng phải là “sản phẩm” của tập thể Đảng ủy và Đảng bộ. Nếu lấy quyền giám đốc để chi phối công tác Đảng thì không chỉ sai về mặt nguyên tắc, mà còn cho thấy, tập thể Đảng ủy ở đơn vị đó không phát huy được hiệu quả hoạt động, thậm chí là thất bại về vai trò lãnh đạo của Đảng. Mặc dù, trên thực tế, vẫn còn hiện tượng, ở không ít nơi, tổ chức Đảng, đảng ủy hoặc chi ủy chỉ mang tính hình thức, khi người đứng đầu về mặt tổ chức chính quyền “thao túng” toàn bộ hoạt động liên quan đến công tác Đảng. Tuy nhiên, đây lại là câu chuyện khác, xin không bàn ở bài viết này.

2. Cũng trong trích dẫn thứ nhất, việc sử dụng cụm từ “Ban Chấp hành Đảng ủy Công ty” là sai về nghĩa. Lâu nay chúng ta vẫn nói hoặc viết “Đảng ủy”, “Chi ủy” (hoặc có thể gọi chung là “cấp ủy Đảng”) là cách “nói tắt”, viết rút gọn của “Ban Chấp hành Đảng bộ”, “Ban Chấp hành Chi bộ”. Do đó, chỉ có “Đảng ủy cơ quan A” hoặc “Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty X” chứ không có “Ban Chấp hành Đảng ủy cơ quan A” hay “Ban Chấp hành Chi ủy tổ dân phố X”.

Mặc dù những “lỗi cơ bản” nêu trên đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp, hoặc là trên văn bản, hoặc là trong “văn nói”. Đáng quan ngại là không chỉ với đảng viên, mà không ít đồng chí tham gia cấp ủy cũng chưa “sạch nước cản” về những “vấn đề sơ đẳng” này.

3. Trong trích dẫn thứ hai. Với cách viết “…đã có 24 quần chúng công nhân ưu tú…”, thì việc sử dụng cụm từ “24 quần chúng” để thay thế cho “24 người”, “24 cá nhân” hay “24 công nhân” là không chuẩn. Điều này gần như xảy ra phổ biến trong nhiều báo cáo, bài viết, bài nói hiện nay – khi nhắc đến kết quả của công tác phát triển đảng viên. Nếu “hiểu nôm na” thì có thể coi, trong văn cảnh trên, “quần chúng” là cá nhân một ai đó chưa được kết nạp Đảng – chưa là đảng viên (mà vẫn đang là “quần chúng nhân dân”). Vậy, nếu “suy diễn” ngược lại, chẳng lẽ đảng viên lại không phải là nhân dân, đứng ngoài quần chúng nhân dân (!).

Vì vậy, cần hiểu đúng “quần chúng” có nghĩa là đám đông, là nhiều người. Về mặt danh từ, “quần chúng” là tất cả những người dân trong xã hội (khi nói “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” thì cũng đồng nghĩa “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân”). Nếu xét ở khía cạnh “trong Đảng”, “ngoài Đảng” thì “quần chúng” cũng nhằm nói đến số đông – nhiều người (chưa là đảng viên), chứ không phải một người, một cá nhân. Cho nên, thay vì nói hoặc viết “6 tháng qua, Chi bộ đã kết nạp được được 3 quần chúng vào Đảng” thì nên nói hoặc viết “… đã kết nạp được 3 người vào Đảng” (hoặc “3 đoàn viên”, “3 chuyên viên”, “3 công nhân”…). Tương tự, khi nhận xét một cá nhân trong diện “cảm tình Đảng” thì nên nói là “Anh Nguyễn Văn A…”, chứ không nên để là “Quần chúng Nguyễn Văn A…”.

4. Sử dụng từ “tồn tại” trong trích dẫn công tác Đảng của Công ty vẫn còn một số tồn tại…” là không đúng về mặt ý nghĩa. Mặc dù từ này đã và đang được dùng với “tần suất cao” trong nhiều bài viết, hội nghị, hội thảo đánh giá về một hoạt động của một tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương nào đó, nhưng về mặt khoa học thì “tồn tại” không thể đồng nghĩa với hạn chế, yếu kém, khuyết điểm như nhiều người đang hiểu.

Khi nói hoặc viết: “Bên cạnh những kết quả vượt bật, công tác thi đua của cơ quan vẫn còn những tồn tại…”, “Trong thời gian tới, một số tồn tại cần khắc phục là…”, “Cần nhìn thẳng vào sự thật để chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm…”,v.v.. là chúng ta đang mặc nhiên hiểu sai, coi “tồn tại” là cái yếu kém, cái tiêu cực, cái chưa tốt…, và, “khắc phục hạn chế, sửa chữa khuyết điểm” cũng là “khắc phục, sửa chữa tồn tại” (!?).

“Tồn tại” là danh từ trong triết học chỉ tất cả những gì đang có, đang hiện hữu mà chúng ta có thể thấy được hoặc không thấy được bằng giác quan. Nói khác đi là “tồn tại” – tức những thứ đã xuất hiện – nằm ngoài ý thức chủ quan và tư tưởng của con người (chúng ta muốn hay không muốn thì “tồn tại” vẫn… tồn tại). Có những thứ “tồn tại” có thể nhìn thấy, nghe thấy, chạm đến và cảm nhận được (Ví dụ như: đất, nước, không khí, âm thanh…). Có những thứ “tồn tại” nằm ngoài giác quan thông thường của chúng ta (ví dụ như: sóng từ trường, những ngôi sao cách trái đất hàng trăm năm ánh sáng…). Và có những “tồn tại” mà nhiều khi người ta cố tình không thấy nhưng nó vẫn đang hiện hữu (Ví dụ như: Những thành tựu, kết quả to lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã và đang tồn tại, diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng có những kẻ lại cố tình không thấy, cố tình xuyên tạc và phủ nhận nó)…

Với ý nghĩa như vậy, cần khắc phục, không nên sử dụng “tồn tại” thay cho khuyết điểm, yếu kém hoặc khó khăn… Bởi, “tồn tại” là tồn tại, khuyết điểm là khuyết điểm. Không thể dùng “tồn tại” để làm “nhẹ đi” “giảm đi” hay “sang hơn” trong nói và viết./.

Minh Triết (Tạp chí Tuyên giáo)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây