Dù Việt Nam đã giành được độc lập nhưng trong suốt những năm qua các thế lực thù địch chưa bao giờ dừng các hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Nhất là trong một vài năm trở lại đây, các thủ đoạn mà chúng sử dụng đang ngày càng tinh vi, thâm độc hơn. Một trong số đó là việc kẻ thù lợi dụng các “hạt sạn”, thổi phồng các khuyết điểm, thậm chí tung những thông tin bịa đặt để chia rẽ niềm tin của nhân dân với Đảng cộng sản Việt Nam. Đặc biệt gây phẫn nộ phải kể đến việc một số trang web, trang cá nhân của những kẻ phản động tự khoác lên mình danh hiệu “nhà sử học” khẳng định rằng “Hồ Chí Minh bị gạt khỏi quyền lực những năm cuối đời” với những lập luận mang tính xuyên tạc, bịa đặt lịch sử và diễn tiến hành động của Đảng cộng sản Việt Nam hòng chia rẽ nội bộ Đảng, gây hoang mang trong nhân dân nhằm gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng; từ đó tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cần khẳng định ngay rằng giọng điệu trên là sự dối trá, lừa bịp trơ trẽn của kẻ thù. Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ lỗi lạc, người cha già vĩ đại của toàn dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời người đã trải qua rất nhiều gian khó trong những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc: Năm 1911, rời khỏi bến Nhà Rồng, Người đã bắt đầu cuộc hành trình vượt đại dương đến rất nhiều hải cảng, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến Đông Phi, Tây Phi, từ châu Phi người sang châu Mỹ rồi đến châu Âu. Người đã đến những đất nước khác nhau, gặp nhiều màu da khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trên hành trình đó người đã phải lao động gian khổ để kiếm sống. Người không nề hà bất cứ việc gì từ làm phụ bếp, làm vườn, làm thuê, làm bánh, quét dọn… Rồi khi tìm được con đường cứu nước theo tư tưởng của chủ nghĩa Mac-Lênin, Người trở về Việt Nam năm 1941 để chỉ đạo cách mạng và ở hang Cốc Bó, Pác Bó, Cao Bằng để sống và làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Năm 1942, khi ở Trung Quốc, Bác bị bắt và giải qua gần 30 nhà lao, bị tra tấn và chịu đựng vô vàn gian khổ;… Vượt qua tất cả những kho khăn đó, Người đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”; “…ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “…tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chưa có phút giây nào Bác suy nghĩ cho lợi ích của bản thân, tới việc tranh giành địa vị hay quyền lực gì hết thì cái mà các “nhà sử học” gọi là “bị gạt khỏi quyền lực” là ở đâu? Trước một con người cao cả, vĩ đại, hoàn toàn không có lòng tham, không có sự tranh giành riêng tư thì cái lý lẽ của những vị “sử gia” ấy chính là sự xúc phạm sâu sắc, chúng đang ngầm bôi nhọ nhân cách của Người cha già của cả dân tộc Việt Nam, thật đáng giận!
VOA lại tiếp tay cho những kẻ mang danh sử gia để xuyên tạc (Ảnh chụp màn hình -Hải Anh)
Điều thứ hai, khi các vị “sử gia” ấy cho rằng chủ tịch Hồ Chí Minh bị Bí thư thứ nhất Lê Duẩn “ buộc phải im tiếng” và “bị gạt khỏi quyền lực”, … lại quên không nhắc tới việc chính chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã cân nhắc, đặt niềm tin khi lựa chọn đồng chí Lê Duẩn điều hành công việc chung của Đảng và ủng hộ đồng chí Lê Duẩn trong cuộc bầu cử 1960 giữ chức vụ Bí thư thứ nhất Trung ương đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người mà trí tuệ, tầm nhìn, ánh mắt, bản lĩnh của Người đã được cả thế giới công nhận và khâm phục thì chẳng lẽ lại nhầm lẫn chọn ra người có nhân phẩm kém tới mức phản bội lòng tin, chèn ép chính người thầy đã công nhận và dìu dắt bản thân mình sao? Câu trả lời là “không thể”, bởi chính Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã nhiều lần hết lời ca tụng khi nhắc tới Bác trong một số tác phẩm của mình, ông đã thể hiện lòng kính mến, coi Bác như một vị thánh sống của dân tộc Việ Nam. Khi Bác mất, không cầm được nước mắt, không kìm nổi tiếng nấc bởi giọng nghẹn ngào, đồng chí Lê Duẩn đã nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!…”. Tất cả những điều đó chẳng khác nào những cái “vả mặt” cho các luận điệu gượng ép, cố ý xuyên tạc của các vị “sử gia” nói trên.
Đặc biệt, từ trước tới nay, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào, là Người cha già, là vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Một nhà lãnh tụ có được lòng tin, sự trung thành tuyệt đối của cả dân tộc, có được sức mạnh “đẩy thuyền đi” của nhân dân thì sao có thể “bị gạt khỏi quyền lực”. Chỉ cái luận điệu ấy cũng đã thật nực cười làm sao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, có lập trường chính trị tư tưởng kiên định, vững vàng; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội… muốn xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ danh dự của Bác và của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hồng Phúc
Nguồn: Đấu trường dân chủ