Có lẽ ông là một trong những nhân vật độc đáo nhất mà tôi từng được nghe, một anh hùng không quân nổi tiếng trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ những năm cuối thập kỷ 60. Ông đã bắn rơi 7 máy bay địch bằng Mic 17, một loại máy bay tính năng thua xa “Thần Sấm”.”Con Ma” của địch. mời bạn đọc xem bài phỏng vấn của nhà văn Trần Thanh Chương Hội nhà văn T.P Cần Thơ với Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy
Trong căn nhà cấp 4 mới xây ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung , tỉnh Đồng Tháp (quê ông), cựu phi công ngồi tiếp chúng tôi với nụ cười hồn hậu.
Ông để ria mép và râu cằm theo kiểu các cụ ngày xưa, nhìn rất ấn tượng. Cơ thể ông già 82 tuổi tuy hơi gầy gò nhưng nước da vẫn hồng hào, bước đi mạnh mẽ và giọng nói sang sảng, gợi lại vẻ cường tráng của chàng phi công huyền thoại năm xưa. Ông khoe:
– Bây giờ tao chỉ còn 51 kg thôi chứ hồi đó tao đẹp trai, cao 1,7m, nặng gần 70 kg đó mày.
Cách nói mộc mạc và chân thành đúng kiểu một ông già Nam bộ làm chúng tôi có cảm giác thân thiết ngay với ông từ phút tiếp xúc đầu tiên.
Tôi nhìn lên bức ảnh lồng khung kính treo trang trọng trên tường. Đó là thời khắc ông tươi cười rạng rỡ trong bộ đồ bay đang từ buồng lái bước xuống giữa niềm hân hoan chào đón của đồng đội sau trận không chiến thắng lợi trở về. Đây là bức ảnh nổi tiếng từng xuất hiện trên nhiều trang báo mấy chục năm qua, biểu tượng chiến thắng của Không quân ta.
Ông là một trong 19 ACE của Không quân nhân dân Việt Nam. Danh hiệu ACE có từ thời chiến tranh thế giới thứ II phong cho những phi công nào bắn hạ được từ 5 máy bay đối phương trở lên. Điều đáng chú ý là trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ chỉ có 3 tổ lái đạt danh hiệu ACE (5 người). Các phi công Mỹ rất khâm phục Nguyễn Văn Bảy bởi ông đạt danh hiệu này khi chỉ lái chiếc Mig 17 có tốc độ bằng hơn một nửa so với F4, F8 và vũ khí chỉ có pháo 37 và 23 ly mà không có tên lửa và ra-đa như máy bay của họ.
Tôi hỏi:
– Quá trình chú trở thành phi công ra sao?
Ông kể, năm 1953 vừa tròn 17 tuổi, ba má bắt lấy vợ, ông không chịu, trốn đi theo bộ đội. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc thuộc sư đoàn 338. Đến năm 1960, ông được cho đi học lái máy bay chiến đấu. Cả sư đoàn chỉ tuyển được 4 người.
– Nghe nói văn hóa của chú chỉ có lớp 3 sao mà trúng tuyển?
– Ừ! Văn hóa lớp 3 nhưng các chỉ tiêu khác của tao lại vượt trội. Họ cho tao về trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn học 7 ngày lên 7 lớp, tụi mày tin không?
Ông cười, bộ râu cằm rung rung có vẻ khoái chí. Rồi giọng ông vui vẻ hẳn lên:
– Tao có duyên với con số 7: là đứa con thứ 7 trong gia đình, tên Bảy, 17 tuổi đi bộ đội, học 7 ngày lên 7 lớp, lái Mig 17, nổ súng 7 lần hạ 7 máy bay, được tuyên dương Anh hùng năm 1967, sinh con trai đầu lòng năm 1967, trúng đại biểu Quốc hội cũng năm 1967. Tao đâu có ngờ mình trở thành phi công, hồi nhỏ nhìn thấy cái ô tô là sướng lắm rồi.
Chẳng biết giai thoại “học 7 ngày, lên 7 lớp” ông nói ra thật hay đùa, nhưng chắc chắn rằng chỉ tiêu sức khỏe, chỉ số thông minh và các yếu tố khác của ông phải tốt lắm thì mới vượt qua hàng ngàn người để trúng tuyển như vậy. Sau 6 tháng học tiếng Hoa, ông được sang Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu Mig 17 tại trường Không quân ở tỉnh Liêu Ninh suốt 4 năm. Thời gian cuối, ông về thực hành tại sân bay Mông Tự, gần tỉnh Yên Bái. Tháng 4/1965, từ sân bay này, ông và nhiều đồng đội khác nhận máy bay rồi lái về Việt Nam tham gia chiến đấu.
Chuyện đến hồi sôi nổi thì thím Bảy – vợ ông đưa lên mấy món nhậu đồng quê cùng chai rượu thuốc. Chúng tôi vừa “lai rai”, vừa trò chuyện:
– Chú thím gặp nhau trong trường hợp nào?
Ông nhìn bà, kể:
– Bà ấy là Trần Thị Niên cùng quê huyện Lai Vung với tao, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tao gặp bà ấy trong lần đi coi đá banh ở Hải Phòng, yêu nhau 6 năm rồi cưới nhau vào ngày 18/4/1966. Lễ cưới tổ chức tại sân bay Kép, chỉ ăn bánh kẹo và hút thuốc lá thôi. Buổi tiệc có chừng 100 người dự, bạn bè của tao hút chưa hết điếu thuốc thì có báo động máy bay Mỹ sắp vào ném bom Hà Nội. Thế là các phi công, thợ máy, nhân viên sân bay rút đi để làm nhiệm vụ, chỉ còn lại cô dâu chú rể. Hưởng tuần trăng mật được 3 ngày là tao phải vào sân bay trực chiến, còn cô dâu thì về Hà Nội làm việc.
– Thế trận không chiến đầu tiên của chú xảy ra khi nào?
– Sau khi từ Trung Quốc về được chừng 6 tháng, lần đầu bay lên đánh nhau trên bầu trời Bắc Giang, tao bị nó “quất” cho một quả tên lửa, may mà chỉ nổ phía bên trái, dính 82 mảnh, vỡ mảng to tướng ở cánh lớn bằng chiếc quạt mo. Nhưng nguy hiểm nhất là thủng một lỗ to bằng quả cam ở buồng lái.
– Có bài báo viết: chú vừa lái, vừa lấy tay bịt cái lỗ ấy có thật không?
Ông xua tay:
– Không! Ai dại gì mà bịt. Áp suất bên ngoài rất thấp, bịt thì nó sẽ hút tay tao ra ngoài ngay. Máy bay bị nghiêng, rung lắc rất dữ, hai con mắt mình muốn lồi ra. Tao cứ đành thế lái về đến sân bay. Nhìn thấy máy bay của tao te tua như vậy, các chuyên gia Liên Xô vừa ngạc nhiên vừa thán phục.
Nhấp ngụm rượu, ông nở nụ cười không biết là buồn hay vui:
– Lần ấy tao ngu, làm theo lý thuyết thầy dạy, chỉ lo hỗ trợ đồng đội phía trước, vội đuổi theo địch mà không quan sát phía sau.
Ông bảo, đánh nhau với không quân Mỹ, hiếm khi bị nó bắn từ phía trước mà chủ yếu là bị từ phía sau, bởi nó được trang bị tên lửa có tính năng tìm nhiệt tự động. Mà địch ở phía sau thì rất khó phát hiện.
Rút kinh nghiệm, từ đó trở đi ta đều phân công đồng đội quan sát tứ phía, đặc biệt là phía sau để thông báo cho nhau. Máy bay Mig 17 của mình không có ra-đa, chỉ phát hiện mục tiêu bằng mắt thường hoặc theo chỉ dẫn từ đài chỉ huy ở mặt đất.
– Còn trận đầu tiên chú bắn rơi máy bay?
– Đó là trận đánh trên bầu trời Phả Lại sau khi cưới vợ được 14 ngày. Hôm đó tao hạ được một chiếc F4.
– Chú không chiến cả thảy bao nhiêu trận?
– Tao xuất kích gần 100 lần, nhưng chỉ không chiến có 13 trận thôi.
Tôi ngạc nhiên:
– Sao ít vậy, chú?
– Thì bay lên có khi gặp chúng, có khi không. Nhiều khi gặp nhưng chỉ vờn nhau một lúc rồi “chào nhau” bay về. Mà phải có một hoặc cả hai bên cùng nổ súng thì mới gọi là không chiến chứ.
– Tại sao chú chỉ nổ súng có 7 lần?
– Đó là 7 lần chắc ăn tao mới bắn, thấy không “ngon” thì bắn mần chi cho tốn đạn. Tao bám riết rồi lao vào công kích, chỉ khi cách chừng 200-300m, thấy rõ đầu thằng phi công và số hiệu máy bay của nó, tao mới bấm cò. Bấm cả 3 khẩu cho chắc ăn. Khi bắn đều có máy chụp hình tự động chụp lại.
Ông có tiếng là người tiết kiệm đạn. Mig 17 được trang bị một khẩu 37 ly với 40 viên đạn và hai khẩu 23 ly với 160 viên đạn. Tầm bắn hiệu quả không quá 800 m. Cứ 3 viên 37 ly thì có một viên màu đỏ vạch đường. Ông đặt giả thiết, nếu bắn ẩu lỡ trượt mục tiêu, hết đạn thì máy bay chỉ còn tác dụng như chiếc gậy tầm vông mà thôi! Bảy lần bấm cò, 7 máy bay Mỹ rơi, hiệu suất chiến đấu tuyệt vời. Chẳng biết có phi công quân sự nào khác trên thế giới đạt được hiệu suất chiến đấu cao như thế không?
Tôi nhìn đôi bàn tay nhăn nheo, gân guốc của ông. Huyền thoại từ đôi bàn tay này đây. Nghe ông kể về những trận không chiến nảy lửa mà cứ đơn giản, nhẹ nhàng như lão nông nói chuyện cày ruộng vậy.
Phải công nhận ở tuổi ngoài 80 mà ông vẫn minh mẫn và có trí nhớ quá tốt. Ông kể rành rọt từng trận say sưa như vừa mới xảy ra. Tôi hỏi ông: Không chiến có áp dụng chiến thuật du kích được không? Ông chưa trả lời tôi ngay, mà giải thích:
– Du kích là gì? Du là chạy, kích là đánh. Đánh xong bỏ chạy. Trên trời không có chỗ núp, mây khi có khi không. Đánh xong mà bỏ chạy là nó rượt theo và bị ăn tên lửa ngay. Tốc độ máy bay nó nhanh gần gấp đôi của mình, chạy không thoát được đâu.
Vì vậy, khi bắn hạ máy bay nó xong, tao lộn lại “chơi” với thằng khác tiếp. Nếu cần, đối đầu lao vào nó. Nó ngán. Nó tản ra. Thế là thừa cơ tao đột ngột hạ thấp độ cao, rút lui. Máy bay nó tốc độ lớn, đánh “giáp lá cà” không giỏi bằng mình, khó bay thấp, dễ va vào núi và sợ lưới lửa phòng không của ta.
Vừa nói ông vừa đưa hai bàn tay lên tượng trưng cho hai chiếc máy bay quần nhau trên bầu trời trông thật hấp dẫn. Ông cho biết, cả 3 loại máy bay F4 (con ma), F8 (hiệp sĩ thánh chiến), F105 (thần sấm) của Mỹ đều có thể mang bom (cường kích) và mang tên lửa (tiêm kích). Tuy nhiên, F8 và F105 chủ yếu làm nhiệm vụ ném bom còn F4 cũng có thể đến ném bom nhưng chủ yếu là tiêm kích, không chiến với ta, bảo vệ cho đồng bọn.
F4 có hai người lái, F8 và 105 chỉ có một người lái. Nhiệm vụ của không quân ta là chặn đánh lũ ném bom để hạn chế thiệt hại dưới mặt đất. Nhưng bọn F4 lại rất đông, nó xông xáo ngăn chặn mình nên nhiều khi bắt buộc phải đánh nhau với nó. Phi công F4 không chiến rất giỏi, thường có vài nghìn giờ bay, kinh nghiệm đầy mình. Vậy mà trong số 7 máy bay bị ông hạ, có tới 5 chiếc F4. Thật đáng nể!
Ông cho rằng, nếu cứ “dàn hàng ngang” ra mà “chơi” với nó thì mình thua là cái chắc, chỉ một vài tháng là hết máy bay. Nó đông, hỏa lực mạnh, thiết bị hiện đại. Mỗi lần xuất kích, ta thường chỉ có một biên đội 4 chiếc, còn chúng nó thì hai ba chục chiếc, nhiều khi hơn. Vì vậy, ta phải tìm cách đánh phù hợp. Nó có tốc độ cao nên chủ yếu tấn công từ phía sau, ta thì ngược lại chủ yếu là phục kích đón đầu, bất ngờ áp sát, lao vào công kích, hạn chế đối đầu với bọn tiêm kích.
Hiệu suất chiến đấu cao nhất của ông là trong tháng 6/1966. Tháng đó, ông hạ được 3 chiếc vào các ngày 21, 24 và 29.
Tôi hỏi:
– Trận không chiến nào chú thấy hay nhất?
Suy nghĩ giây lát, ông quả quyết: trận ngày 24/4/1967, ba tháng sau khi ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng. Hôm đó, trên bầu trời Hải Phòng – Quảng Yên, ông chỉ huy biên đội bắn rơi 2 chiếc. Riêng ông hạ chiếc F8, thiếu tá E.J. Tucker kịp nhảy dù ra và bị bắt. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 7 bị ông bắn hạ.
Theo ông, máy bay ta tuy lạc hậu, số lượng ít nhưng được chiến đấu trên “sân nhà” nên cũng có nhiều lợi thế. Thứ nhất là thông thuộc địa hình, thứ hai là mình chủ động chọn đánh với tốp nào, đánh khi nào, ở đâu… Đặc biệt là được hướng dẫn rất tốt từ đài chỉ huy mặt đất và có sự phối hợp với lưới lửa phòng không. Ngoài ra, phi công ta chiến đấu cũng yên tâm hơn, nếu không may bị trúng đạn, nhảy dù xuống vẫn hy vọng sống. Thế nhưng thời gian đầu, oái ăm, có một số trường hợp anh em phi công ta nhảy dù thoát thân xuống đất lại bị dân quân ta bắt được đánh cho te tua.
– Sao lạ vậy chú? Phi công mình nói tiếng Việt họ nhầm làm sao được?
Ông cười:
– Tao có thằng bạn, nhảy dù xuống bị dân tóm. Căm thù bọn giặc lái quá, họ đánh cho một trận. Hắn người Cần Thơ nói tiếng miền Nam, họ cho là phi công Nguỵ, vậy là lại bị đánh tiếp. Đến khi nhận ra là phi công của mình thì đã ăn đòn bầm dập cả người. Họ nghĩ là chỉ có phi công địch mới bị bắn rơi. Từ đó về sau, trên áo bay của phi công ta được in thêm hình cờ Tổ quốc.
Tôi thắc mắc tại sao từ cuối năm 1967, ông không tham chiến thêm trận nào nữa? Ông bảo: Do Bác Hồ gợi ý. Bác đề nghị Bộ Quốc phòng cho những người có nhiều thành tích thôi tham chiến, đưa lên làm lãnh đạo hoặc làm công tác huấn luyện.
Giọng ông trầm hẳn xuống:
– Chắc là Bác sợ tao chết, muốn giữ tao lại làm nhân chứng sống sau khi đã hạ được 7 máy bay. Cũng đúng thôi. Nếu tao còn đánh nhau, có thể tao sẽ hạ thêm 4-5 chiếc nữa, nhưng cũng có thể bị bắn rơi. Ai dám nói mình giỏi mãi được
Ông chỉ tay lên bộ quân phục (treo cạnh tủ) gắn quân hàm đại tá và dày đặc huân chương. Đặc biệt, phía trên bên phải áo có nhiều huy hiệu rất to, nói:
– Đây là 5 huy hiệu Bác Hồ mà tao được tặng, còn 2 chiếc nữa Bảo tàng mượn đi rồi. Thời gian đầu, khi các phi công ta lên gặp Bác thì chưa có huy hiệu này đâu. Sau đó Bác có sáng kiến: tặng huy hiệu Bác Hồ cho phi công mỗi lần bắn rơi máy bay địch để khi lên gặp Bác thì đeo vào, Bác cứ nhìn vào đó là biết.
(C) SỰ THẬT