Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là ba nước có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là có chung vận mệnh lịch sử; từ rất sớm, nhân dân ba nước đã đoàn kết bên nhau chống thù chung, góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam – Campuchia được xây đắp bằng máu xương của nhân dân hai nước, trong đó có 9.419 liệt sỹ thuộc Mặt trận 479.
Tình đoàn kết được xây đắp bằng máu xương của nhân dân hai nước
Cách đây 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên chiến đấu, chống lại tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xari và bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.
Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới, trước hết là của nhân dân và các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia.
Trong chiều dài lịch sử, Việt Nam và Cam-pu-chia luôn đoàn kết bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 4 năm 1975, được các thế lực bên ngoài giúp sức, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta, đồng thời, thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Cam-pu-chia.
Chỉ trong vòng gần bốn năm, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã tàn sát gần ba triệu người dân Cam-pu-chia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất – xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong. Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam. Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam của Việt Nam. Đến ngày 23-12-1978, tập đoàn Pôn
Pốt – Iêng Xari đã tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta; đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em…
Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị. Nhưng càng kiềm chế, thì tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari càng lấn tới, buộc chúng ta phải chọn con đường đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng.
Đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Cam-pu-chia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Việt Nam không chỉ đánh tan bọn xâm lược, mà còn đưa quân, giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari vào ngày 7-1-1979, cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh đất nước, dân tộc.
Hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế, cũng như lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Cam-pu-chia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng.
Tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia không thay đổi
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Cựu quân nhân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (26/9/1989-26/9/2019).
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội Lê Cường cho biết, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia cũng như nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng các lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary vào ngày 7/1/1979 và hơn 10 năm liền sau đó, kề vai sát cánh với quân và dân Campuchia đánh bại mưu toan phục hồi chế độ diệt chủng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
Tháng 6/1988, với sự thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam đã rút toàn bộ chuyên gia dân sự và đến ngày 26/9/1989, toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã trở về Tổ quốc trong vinh quang chói lọi, trong sự lưu luyến tiễn đưa của nhân dân Campuchia và niềm xúc động nghẹn ngào của người dân Việt Nam.
Đại tá Lê Cường khẳng định: Sự giúp đỡ chí tình, trong sáng và hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không thể phủ nhận, không thể phai mờ trong lịch sử. Thời thế có thể đổi thay nhưng tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia không bao giờ thay đổi.
Đó là tình đoàn kết liên minh chiến đấu, được trải qua thử thách của thời gian và thực tế lịch sử, được xây đắp bằng máu xương của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị vô cùng đặc biệt, thiêng liêng, là tài sản vô giá của hai dân tộc; là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Thượng tá Hoàng Văn Ngữ, chiến đấu tại Campuchia từ năm 1979 đến năm 1989 xúc động chia sẻ, trên các hướng Quân đội nhân dân Việt Nam hành quân về nước, nhân dân Campuchia đã đến tặng quà các đoàn quân là những trái dừa ngọt, khăn quàng cổ.
Trải qua bao khó khăn, gian khổ và hy sinh xương máu, điều nhân dân hai nước trân trọng là sự đoàn kết gắn bó của nhân dân hai nước, gắn bó liên minh chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội Hoàng gia Campuchia đã chiến thắng và đánh bại Liên minh các thế lực thù địch.
Tại Lễ kỷ niệm, các cựu chiến binh quân tình nguyện Mặt trận 479 đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm, tri ân những đồng đội đã để lại một phần xương máu, anh dũng hy sinh, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả; động viên, nhắc nhở nhau luôn giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững truyền thống, tình đoàn kết thủy chung ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam-Canpuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội đã trao nhiều phần quà tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh và các cháu là du học sinh người Campuchia đang học tập tại Việt Nam.
Mặt trận 479 được thành lập ngày 14/4/1979 với 3 nhiệm vụ chính gồm: giúp đỡ nước bạn Campuchia đưa dân về quê, chữa bệnh, cứu đói, phục hồi sản xuất; xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục chiến đấu để loại bỏ nguy cơ phục hồi chế độ diệt chủng phản động.
Trong 10 năm hoạt động tại Campuchia, Mặt trận 479 cùng lực lượng vũ trang của bạn đã đánh hơn 16.000 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 vạn quân địch, trong đó tiêu diệt trên 38.000 tên địch, vận động địch và bóc gỡ trên 61.000 tên địch ngầm; thu hơn 43.000 súng các loại, 462 tấn đạn dược, quân trang quân dụng, phá hủy nhiều căn cứ, kho tàng, phương tiện chiến tranh.
Mặt trận 479 cũng giúp bạn xây dựng được thực lực cách mạng, xây dựng tổ nòng cốt ở phum, xã, phát triển đảng viên… Qua 10 năm liên minh chiến đấu giúp bạn, Mặt trận 479 đã tiếp nhận gần 9 vạn lượt cán bộ, chiến sỹ khắp cả nước bổ sung cho các đơn vị. Có lúc, lực lượng của Mặt trận 479 lên tới 4,5 vạn người.
Với tinh thần yêu nước, quốc tế vô sản, cao cả, cán bộ, chiến sỹ Mặt trận 479 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp nước bạn bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, góp phần xây dựng đất nước Campuchia…
Đinh Lực
Nguồn: Cánh Cò