Thời gian qua, Trung Quốc cho tàu điạ chất đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, là người Việt Nam dĩ nhiên ai cũng căm phẫn hành động ngang tàng này. Vấn đề ở đây, Việt Nam sẽ chống các hành vi xâm lăng của Trung Quốc như thế nào để vẫn bảo đảm nguồn sinh lực quốc gia, vẫn gìn giữ chủ quyền, bảo toàn lực lượng và không biến thành con chốt thí?
Những ngày qua, tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất 08 của Trung Quốc quay lại lần 3 xâm phạm vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trên không gian mạng, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo hèn không dám đấu trực diện. Thậm chí có kẻ kêu gọi “động binh”, sử dụng lực lượng vũ trang, với lý luận “nhiều vũ khí để làm gì”?
Là người Việt Nam ai cũng căm phẫn khi có quốc gia khác xâm phạm chủ quyền. Nhưng trong những thời khắc càng diễn ra nhiều thách thức thì càng phải tỉnh táo. Với bất cứ quốc gia nào, không riêng gì Việt Nam luôn có vạch ra lằn ranh đỏ để sử dụng lực lượng vũ trang. Lằn ranh ấy có thể là Trung Quốc tiến thêm một bước, cắm giàn khoan khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, hoặc đánh chiếm các đảo quân đội Việt Nam đang trấn giữ.
Khi chưa “động binh” thì có nghĩa là sự việc chưa đi đến bước đường cùng!
Thứ nhất: Những gì Trung Quốc đang làm có tính ngang ngược nhưng chưa xây dựng thực thể như giàn khoan, đồn trạm tại những nơi ấy. Dụng tâm của Trung Quốc khi cho tàu xâm phạm, khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam không gì ngoài mong muốn Việt Nam thiếu tỉnh táo, thiếu kiềm chế dẫn đến “nổ súng”. Chờ cơ hội đó họ sẽ giở quẻ lu loa lên “tự vệ” và mở ra cuộc chiến. Như lời ông Ryan Martinson, chuyên gia của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ phân tích: “Nếu một cuộc đụng độ vũ trang xảy ra, Trung Quốc có lẽ có thể sử dụng chuyện đó làm cái cớ để chiếm quyền kiểm soát các hòn đảo hoặc tiền đồn thuộc quản lý của Việt Nam”. Từ đây mới thấy được rằng, trong thời gian qua, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển đã rất mưu trí mới hết lần này, đến lần khác đuổi những chiếc tàu gây chiến ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và không rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra.
Thứ hai: “Động binh” có nghĩa là bắt đầu chiến tranh, đó là điều mà dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn. Vì đất nước này đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh chống giặc xâm lược, từ giặc phương Bắc, phương Tây, đến các đế quốc phát xít, khốc liệt và thiệt hại đã quá đủ rồi. Phải mất hơn 50 năm từ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam mới có vị thế, phát triển, hội nhập kinh tế như ngày hôm nay. Thế nên, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những chiến lược tốt hơn, đó là sử dụng đường lối đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, quyết liệt lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.
Sự khéo léo này trong bước đi chiến lược của các nhà lãnh đạo đã tránh cho Việt Nam rơi về “vạch xuất phát” của mấy chục năm về trước, hay trở thành “con chốt” trên ván cờ địa chính trị, hiện nay vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trong và ngoài khu vực. Kết quả hiện nay cũng cho thấy rõ, Việt Nam đã và đang kéo cả thế giới về phía mình, rất nhiều quốc gia lên án hành vi của Trung Quốc. Việt Nam cho Trung Quốc thấy rằng nếu Trung Quốc đi thêm bước nữa thì những thiệt hại về mặt quốc tế sẽ càng lớn.
Dĩ nhiên, nếu Trung Quốc đi quá giới hạn, không còn khiêu khích mà sử dụng vũ trang với Việt Nam hoặc khai thác tài nguyên của Việt Nam thì Việt Nam sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ đất nước. Đó là mệnh lệnh tất yếu của bất kỳ quốc gia nào chứ không riêng gì Việt Nam!
Thế nên đối với ai cho rằng Việt Nam là hèn nhát trong sách lược hiện tại, xin hãy trả lời: Việt Nam phải làm gì hiệu quả nhất để giữ vững chủ quyền, nội lực, kinh tế lâu dài, để khỏi biến mình thành con chốt thí trên ván cờ điạ chính trị?
Ốc Biển Trường Sa
Nguồn: Ngọn Cờ