Chiều 19/9, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX MTTQ Việt Nam có phiên thảo luận về 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 – 2024. Chủ đề thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội nhận nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu…
Giám sát là “đụng” đến lợi ích, không bản lĩnh không làm được
Tham gia phiên thảo luận, GS.Trần Ngọc Đường – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UB Trung ương MTTQ nhận xét, qua 5 năm làm Chủ tịch hội đồng này, ông nhận thấy cơ chế tư vấn là một cách thức rất quan trọng đối với hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ.
Cũng qua thực tế hoạt động, GS Đường cho rằng, nhận thức về hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần phải được nâng cao hơn nữa. Đây là cơ chế mới được thể chế trong Hiến pháp 2013, là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ nhân dân, là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài với việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Quan trọng nhất, khi giám sát, phản biện, chủ thể thực hiện hoạt động này phải là những người có bản lĩnh. Ông Đường nhấn mạnh, không có bản lĩnh không thể làm công việc này vì giám sát nghĩa là đụng đến lợi ích của các bên, của những người có chức, có quyền.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cũng nhận định, việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của MTTQ thời gian qua chưa tương xứng với nội hàm Hiến pháp quy định.
“Đáng ra MTTQ phải làm tốt hơn, thực chất hơn chức năng này, nhất là trong một thể chế chính trị nhất nguyên như ở Việt Nam. Với thể chế nhất nguyên, nếu không phát huy giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước thì những khiếm khuyết sẽ bộc lộ. Nói thế để thấy những hoạt động vừa qua làm còn hình thức. Cả chủ thể lẫn đối tượng chịu sự giám sát, phản biện đều chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát, phản biện nên chưa tạo dựng được môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động” – GS.Trần Ngọc Đường phân tích.
Ông Đường đề nghị xây dựng cơ chế cụ thể hơn với việc kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân qua các kênh, trong đó có MTTQ hoặc tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp mà Hiến pháp đã quy định. Pháp luật cần có hệ thống chế tài ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước với việc tiếp thu, trả lời những kết quả giám sát, phản biện từ nhân dân, các tổ chức xã hội.
Đại biểu Đặng Văn Khoa (TPHCM) bày tỏ sự luyến tiếc khi cơ chế giám sát, phản biện không dễ dàng có được, MTTQ phải chờ đợi trong hơn 10 năm mới nhận được quyền này nhưng lại làm một cách qua loa, chiếu lệ, hiệu quả thấp.
Theo ông, để hoạt động giám sát phản biện hiệu quả, thành công phải làm sao để cả xã hội vượt qua tâm lý e ngại, nhiệt thành cùng rút ruột rút gan đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung. Nguyên lý để khơi dậy được tinh thần đó nằm ở sự lắng nghe, cầu thị, tôn trọng những ý kiến khác biệt. Phát huy được công cụ này hay không phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm của người đứng đầu cơ quan giám sát, phản biện.
“Sự hẹp hòi, bảo thủ, định kiến sẽ là khối băng giá làm đông cứng những nhiệt thành đóng góp, cống hiến của người dân trong khi lắng nghe chân thành, cả với những vấn đề nhạy cảm nhất, mới là chìa khoá cho những tiến bộ. Thể chế cơ bản trong để thực hiện hoạt động giám sát, phản biện hiện khá đầy đủ để khơi dậy trí lực của cả dân tộc. Vấn đề cần làm chỉ là chống lại những rào cản như sức ỳ của hệ thống Mặt trận, sức nặng trì trệ của tư duy giáo điều, bảo thủ của những người đứng đầu các cơ quan” – ông Khoa phát biểu đầy tâm huyết với thông điệp về ngọn lửa cần khơi trong trái tim “những người nổi lửa” – các vị Chủ tịch MTTQ các cấp.
Đại biểu chia sẻ, với kinh nghiệm công tác thời gian dài với công việc này ông nhận thấy, người càng công tâm, trong sáng, mong muốn làm điều tốt đẹp cho người dân thì càng tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện. Ngược lại, với những con người, tổ chức càng bảo thủ, xa dân, tiêu cực thì càng tìm cách ngấm ngầm… phá hệ thống giám sát, phản biện. Những trái tim khô lạnh chỉ cho ra những cuộc giám sát tròn trịa, thiếu sức sống, kém hiệu quả.
Cán bộ sai phạm, bị kỷ luật chính vì “quên” nguyên tắc dân chủ
Đi vào những nội dung cụ thể, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hà Mạnh Hùng kể những câu chuyện thực tế tại địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ khoá VIII, hoạt động của MTTQ tỉnh đã rất khó khăn vì sự cố môi trường biển dẫn đến hiện tượng người dân tuần hành, biểu tình phản ứng.
Ông Hùng nhớ lại, chỉ riêng việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thời điểm đó, là cơ quan hiệp thương, giới thiệu các ứng viên để bầu, MTTQ Hà tĩnh đã phải rất nỗ lực. Nỗi lo ban đầu là người dân tẩy chay bầu cử chỉ được gỡ bỏ khi kết quả sau cùng cho thấy tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu gần như tuyệt đối.
Tổng kết lại cuộc bầu cử, bài học được UB MTTQ Hà Tĩnh rút ra chính là phải phát huy dân chủ từ cơ sở. Điều này cũng tương thích với kết quả kiểm tra của UB Kiểm tra Trung ương sau sự cố Formosa, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật. Cụ thể, theo ông Hùng, những sai phạm của các cán bộ cũng đều xuất phát từ việc quá trình triển khai dự án còn thiếu dân chủ, chưa phát huy được tiếng nói của người dân.
Cũng đề cập vấn đề phát huy vai trò làm chủ của người dân, đại biểu Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch UB Đoàn kết công giáo tỉnh Hưng Yên kiến nghị trao cho mặt trận quyền được bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ.
“Mọi năng lực của cán bộ và nhân dân đều biết nhưng hiện nay, bổ nhiệm cán bộ nhân dân ít được tham gia. Công tác cán bộ hiện nay Đảng là người quyết định, chính vì vậy đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị trao quyền cho mặt trận để mặt trận được quyền tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ từ làng bản đến chức vụ cao nhất, thông qua đó để cấp ủy Đảng có đánh giá chính xác hơn với cán bộ” – đại biểu Thời đề xuất.
Theo ông, đó là cách để người dân được làm chủ thông qua lá phiếu đánh giá tín nhiệm cán bộ, qua đó xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân vì diễn biến ở khu dân cư, nhân dân đều biết, Mặt trận cũng biết, nhưng khi kiến nghị lên cấp trên thì không được giải quyết. Chính vì vậy, phải trao quyền đánh giá tín nhiệm cán bộ cho nhân dân.
P.Thảo/ Dân Trí
Nguồn: Cánh Cò