Trang chủ Loa Phường Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông: mức ô nhiễm không...

Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông: mức ô nhiễm không cao như dư luận nghĩ

255
0

Trong tuần đầu tháng 09/2019, dư luận bị đốt nóng bởi sự nhiễu loạn thông tin quanh  nguy cơ ô nhiễm thủy ngân từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông hôm 28/08 từ chính báo chí, truyền thông, cơ quan chuyên môn và cộng đồng mạng dẫn đến sự hoảng loạn của người dân khu vực này. Mức độ nghiêm trọng đã được một số bài báo, blogger lên tiếng cảnh báo, tiêu biểu như “Nhiễm độc thủy ngân hay nhiễm độc thông tin”, “Kết quả quan trắc vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Không còn ở ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” của báo Hà Nội Mới, hay “Giá như anh Bộ trưởng Bộ TN-MT lên tiếng sớm”, “Âm mưu đằng sau vụ cháy Rạng Đông: Góc khuất và mặt tối” của facebooker Lê Dũng Anh…  Ngoài một số bài viết đánh giá đúng tình hình, đề xuất các giải pháp hợp lý cho người dân và cơ quan chức năng, lại có khá nhiều bài viết tung tin đồn sai sự thật hoặc có tính kích động, để tuyên truyền chống Nhà nước hoặc tận dụng vụ việc cho mục đích khác.

Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông: mức ô nhiễm không cao như dư luận nghĩ

Vậy đằng sau các thông tin hỗn loạn là sự thật gì? Để biết điều này, trước tiên, chúng ta hãy cùng điểm lại các diễn biết của vụ việc.

Vụ việc bắt đầu vào khoảng 18h10’ ngày 28/08/2019, khu kho xưởng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nằm trên phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, bắt đầu bốc cháy. Ngọn lửa lan rộng gần 6000 m2, thiêu cháy nhiều kho chứa bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, phích nước, đèn bàn…, và một số nhà dân lân cận. Sau khi khoảng 200 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy cùng nhiều người dân tham gia dập lửa, đám cháy được dập tắt vào khoảng nửa đêm.

Chiều 29/08, UBND phường Hạ Đình ra văn bản cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe do vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Văn bản cũng khuyên người dân không tiêu thụ thực phẩm trong phạm vi 1 km từ điểm cháy, tiêu hủy các loại thực phẩm trồng trên mái nhà, sơ tán người già và trẻ em khỏi khu vực trong khoảng từ 1 đến 10 ngày, và thực hiện một số giải pháp khác để phòng tránh thiệt hại do hóa chất nguy hiểm. Một số chuyên gia, như tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường), đánh giá rằng khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình là hợp lý, kịp thời, vì vụ cháy có thể đã phát tán thủy ngân và bột huỳnh quang, là những hóa chất gây hại cho sức khỏe.

Ngày 30/08, Công ty Rạng Đông ra thông báo rằng các bóng đèn của họ làm từ vật liệu an toàn, không gây nguy hại cho sức khỏe kể cả khi cháy. Chẳng hạn, họ đã sử dụng amalgram thay cho thủy ngân khi sản xuất bóng đèn huỳnh quang. Để phản bác thông báo này, một bộ phận dư luận phân tích rằng amalgram có thành phần là thủy ngân, vì vậy khi cháy vẫn gây hại cho sức khỏe.

Chiều 30/08, UBND quận Thanh Xuân đã ra văn bản thu hồi khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình và kiểm điểm họ, với lý do “văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Quận thông báo rằng lúc 16h cùng ngày, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp & Môi trường (Bộ Y tế) đã kiểm tra khu vực bằng máy test nhanh, để đi đến kết luận rằng hàm lượng thủy ngân, chì, kim loại nặng đều trong ngưỡng cho phép và an toàn đối với người dân.

Tuy nhiên, sáng 31/08, bác sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng của Viện vừa nêu, nói với báo chí rằng Viện chưa hề công bố kết quả test nhanh. Đến 17h ngày 30/08 Viện mới hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, vì vậy thông tin mà UBND quận Thanh Xuân đưa ra là sai sự thật. Ông Sơn cho biết Viện sẽ công bố kết quả xét nghiệm sau khoảng 4 đến 5 ngày.

Cũng trong buổi sáng 31/08, Tổng Cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường) ra thông cáo báo chí rằng người dân trong bán kính 1,5 km từ điểm cháy cần tránh sử dụng nông sản và nước từ các bể hở của khu vực, đồng thời dùng xà phòng tẩy rửa quần áo, tường và đồ đạc.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 04/09, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết không khí tại khuôn viên phía trước đám cháy có nồng độ thủy ngân cao gấp 10 đến 30 lần tiêu chuẩn cho phép của WHO; và 2/9 điểm quan trắc nước mặt có hàm lượng thủy ngân vượt chuẩn.

Ngày 05/09, UBND thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp về vụ việc, đồng thời ra văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Binh chủng Hoá học về vấn đề xử lý môi trường sau vụ cháy. Cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học đã lấy mẫu tại khu vực xảy ra vụ cháy.

Ngày 08/09, công ty Rạng Đông thừa nhận với Tổng Cục Môi trường rằng toàn bộ 48.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng chứ không phải viên Amalgram, khiến lượng độc tố phát tán ra môi trường lớn hơn dự tính ban đầu. Lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là từ 15,1 kg đến 27,2 kg.

Cùng ngày 08/09, báo chí đưa tin rằng nhiều hộ dân sống gần đám cháy đã tự sơ tán khỏi khu vực. Chẳng hạn, chung cư 54 Hạ Đình có 90% số hộ dân sơ tán, chung cư 143 Hạ Đình có hoăn 40% hộ dân sơ tán.

Cùng ngày 08/09, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói với báo Hà Nội Mới rằng không nên so các số liệu đo được từ vụ cháy với các tiêu chuẩn của WHO. Lý do là tiêu chuẩn an toàn về không khí của WHO chỉ đưa ra mức độ trung bình năm, trong khi con số mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lại xét đến ở một thời điểm nhất định. Mức tiêu chuẩn an toàn về nước của WHO là đối với nước uống, còn mức độ ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước ở vụ cháy lại không phải là nước uống. Nhân đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chuyển sang so sánh các số liệu đo được từ vụ cháy với các tiêu chuẩn của Việt Nam, kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm không lớn như dư luận đang có ấn tượng (?)

Sáng 09/09, một lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự (thuộc Binh chủng Hoá học) nói với báo Người Lao Động rằng họ đã có kết quả giám định, đã xác định rằng việc tẩy độc, xử lý môi trường là cần thiết, và đã chuẩn bị các phương án để thực hiện. Tuy nhiên, do UBND thành phố Hà Nội chưa có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng vào cuộc xử lý môi trường, họ chưa thực hiện công tác đó.

Cũng trong sáng 09/09, UBND thành phố Hà Nội nói với báo chí rằng họ đang đợi Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo lại để có biết cụ thể những bước tiếp theo. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định thành phố đã xử lý vụ cháy một cách kịp thời, trách nhiệm, người dân sống quanh nhà máy Rạng Đông không có gì bức xúc.

Trước tình hình đó, cùng ngày 09/09, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đã ra công văn hỏa tốc đề nghị các cơ quan liên quan của Hà Nội báo cáo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp để tẩy độc. Việc tiến hành tẩy độc đã được tiến hành vào ngày 12/09.

Qua các diễn biến trên, có thể thấy UBND phường Hạ Đình, Tổng Cục Môi trường và Binh chủng Hóa học đã hành động khá “nhanh nhạy” khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, Tổng Cục Môi trường đã có sơ suất khi so sánh các số liệu đo được tại hiện trường với số liệu của WHO một cách thiếu khoa học, làm tăng sự lo lắng của dư luận, đại náo truyền thông. Trong khi đó, một số cơ quan quản lý đã tỏ ra lúng túng, còn công ty Rạng Đông đã nói dối và hành xử vô trách nhiệm.

Ngoài ra, một số báo cũng nhận xét rằng với cơ chế chồng chéo hiện nay, hệ thống hành chính đang hoạt động không hiệu quả trong việc xác định và xử lý tình huống khẩn cấp; khiến người dân không được cảnh báo, hướng dẫn kịp thời, và dư luận rơi vào tình trạng hỗn loạn thông tin. Có báo đã đề nghị trao thẩm quyền lớn hơn cho chính quyền cơ sở, để các khuyến cáo kịp thời như của UBND phường Hạ Đình không bị xem là bất hợp lệ.

Ở phía dư luận phi chính thống, Nghiêm Kim Hoa cũng chỉ ra một lỗi cơ chế rộng hơn, khi viết rằng cả giới công chức, giới nghiên cứu lẫn giới hoạt động xã hội đều chỉ có khả năng “làm những gì được trả công, được tính toán lên kế hoạch trước”, chứ không có khả năng “ứng phó với các tình huống bất thường”:

Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông: mức ô nhiễm không cao như dư luận nghĩ

Sau khi xem xét các diễn biến và nhận định vừa nêu, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.

Thứ nhất, qua nhận xét của của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, có thể thấy mức độ ô nhiễm mà vụ cháy kho xưởng Rạng Đông gây ra không quá lớn như dư luận tưởng. Sau khi Binh chủng Hóa học tẩy độc, tình trạng ô nhiễm cũng đã được khắc phục. Vì vậy, dư luận nên tạm ngừng hoảng loạn để bình tĩnh theo dõi các diễn biến mới của vụ việc.

Thứ hai, cần lưu ý rằng mâu thuẫn giữa quy trình hành chính thông thường và các tình huống khẩn cấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Mâu thuẫn này cũng đã bộc lộ trong vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014 – khi thuyền trưởng ra lệnh cho hành khách ngồi yên trên ghế để đợi cứu hộ thay vì tự di tản, khiến 187 người thiệt mạng:

Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông: mức ô nhiễm không cao như dư luận nghĩ

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng nhu cầu ứng phó với các tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng như phát tán hóa chất vụ Rạng Đông đến sức khỏe người dân là có thật. Hy vọng trong những ngày tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc cải thiện cơ chế để sẵn sàng ứng phó với những tình huống tương tự trong tương lai, cả về mặt môi trường lẫn mặt dư luận.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây