Luận điệu đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Vạch trần sự sai trái, phi khoa học này là việc làm hết sức cần thiết.
Các thế lực thù địch tung ra luận điệu: chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, thiên về đấu tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề cao đoàn kết và thống nhất; Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh.
Luận điệu trên của các thế lực thù địch chính là muốn hướng lái dư luận hoài nghi về bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gây hoang mang, dao dộng, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Đảng, làm giảm sút niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất là chúng muốn phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cần khẳng định rõ, luận điệu đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng thể hiện rõ quan điểm thù địch, đi ngược lại lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân và của cách mạng, dân tộc Việt Nam. Mưu đồ thâm hiểm mà chúng nhằm tới là xuyên tạc, phủ nhận và hạ bệ cả chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Xem xét dưới góc độ phương pháp, việc tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến diện, siêu hình, phi lôgic và lịch sử, không khoa học. Bởi, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở bản chất khoa học và cách mạng, ở lý tưởng và mục tiêu nhân văn vì con người, vì giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là khoa học về những quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống mọi sự áp bức, bất công; về xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời trên mảnh đất hiện thực là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân – lực lượng xã hội đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất của lịch sử phát triển nền sản xuất vật chất của nhân loại. Đồng thời, là sự tổng hòa từ nhiều nguồn tri thức của loài người, thu nhận tinh túy từ các tư tưởng tiến bộ và không ngừng được bổ sung, hoàn bị bằng những kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử được khái quát lên tầm lý luận. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin không nhằm tự thân mà nhằm đấu tranh để cải tạo thế giới, hướng đến giá trị nhân văn cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin lấy giai cấp công nhân làm vũ khí “vật chất”, còn giai cấp công nhân lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm vũ khí “tinh thần”.
Dưới góc độ khoa học về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Về lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, làm phong phú, sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lê-nin; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Đồng thời, là toàn bộ chiến lược từng bước đưa cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; là ngọn cờ tư tưởng và kim chỉ nam dẫn dắt sự nghiệp giải phóng dân tộc trước kia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, viết ở trang đầu tiên, Hồ Chí Minh đã trích lời của V.I. Lê-nin: Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động,… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong. Hồ Chí Minh đã nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê nin”1. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “cái cẩm nang thần kỳ”, “cái la bàn”, “trí khôn” của Đảng ta. Nó là “vũ khí tinh thần” của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin “làm cốt” là sự khái quát cô đọng, súc tích và đặc sắc của Hồ Chí Minh về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Như vậy, về bản chất, lịch sử và lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chứ không hề có sự khác biệt, đối trọng nhau như các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Bởi vậy, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Nền tảng tư tưởng vững chắc, khoa học và cách mạng đó chỉ đạo nhận thức, tư duy và phương hướng hành động đúng cho Đảng ta, trang bị cho Đảng vũ khí tư tưởng để làm tròn vai trò tiên phong lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, đường lối chính trị. Đó là hệ thống những chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược, sách lược, được khái quát từ thực tiễn, trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể qua các thời kỳ cách mạng, đáp ứng yêu cầu và soi sáng cho thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, từ khi được soi sáng, dẫn đường bởi chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, cách mạng Việt Nam mới khắc phục được cuộc khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo cách mạng, đưa đất nước phát triển phù hợp xu hướng thời đại; giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không những là cơ sở tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng, mà còn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Là nền tảng tư tưởng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đạo tư duy, nhận thức và chỉ đạo thực tiễn trong hoạt động của Đảng ta. Thành công của sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua trước hết là thành công của đổi mới tư duy với nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn, trung thành và sáng tạo. Là kim chỉ nam, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đạo phương hướng hành động, giúp cho Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, lấy dân làm gốc, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, nhân loại đang phát triển trong thời đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi cơ bản cách tiếp cận, tư duy, lối sống, phong cách làm việc. Trước sự tác động đó, những lý thuyết phát triển mới sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng như ở nước ta càng bộc lộ rõ, ngày càng thách thức đối với hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch càng ra sức công kích nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thời cuộc và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Nếu không kiên định lập trường, quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ không thể thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Nếu không nắm được bản chất khoa học và cách mạng, không nắm chắc nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì khó lý giải đúng, trúng, thuyết phục những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Do đó, cũng không có cơ sở khoa học chắc chắn nhất để đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ trên cơ sở nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên mới có phương pháp luận sắc bén để vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với đất nước và ở từng cấp, ngành, địa phương. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng của Đảng luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Sức mạnh cải tạo thế giới của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là ở chỗ nó được thâm nhập vào quảng đại quần chúng nhân dân, được quần chúng hiểu, tin và làm theo lý luận đó. Tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho cán bộ, đảng viên nắm chắc lập trường, quan điểm, phương pháp để xử trí đúng với mọi việc, với mọi người và với bản thân mỗi người; biết vận dụng sáng tạo vào công tác; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Cần tạo ra sự chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); khắc phục các biểu hiện hình thức, giản đơn và thái độ thờ ơ, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên.
Các thế lực thù địch tung ra luận điệu đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh là nhằm tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, việc kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm có tính nguyên tắc để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần làm thất bại mọi mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam.
Đại tá, PGS, TS. LÊ QUÝ TRỊNH, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
_____________
1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 28.
Nguồn: Đấu trường dân chủ