Lò đã và đang cháy từ Trung ương đến địa phương, không vùng cấm, không ngoại lệ và mới đây, lò đã cháy rực ở tỉnh Đồng Nai.
Những ai từng đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai có lẽ ít nhiều cũng phải để tâm đến CSGT của tỉnh này. Bởi chốt trạm bắn tốc độ xuất hiện dày đặc, bất cứ lúc nào, các doanh nghiệp vận tải, cánh tài xế lưu thông cũng có thể nằm trong tầm ngắm của CSGT. Theo thông tin được biết thì ông Huỳnh Tiến Mạnh cũng đi từ một cán bộ trạm CSGT, lên chỉ huy trạm, lãnh đạo Phòng giao thông, rồi lên Phó Giám đốc và cuối cùng trở thành người quyền lực nhất Công an tỉnh Đồng Nai với rất nhiều tai tiếng.
Năm 2017, dư luận phát hiện việc thượng tá Võ Đình Thường – Phó Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai lại chính là người từng bị kỷ luật vì mãi lộ, bị cách chức 14 năm trước. Theo đó, ông Thường từng làm Trưởng trạm CSGT Dầu Giây vào năm 2003 nhưng đã bị báo chí phanh phui xung quanh việc nhận hối lộ, tổ chức ”làm luật” các phương tiện ôtô trên các tuyến đường do trạm Dầu Giây quản lý. Thế nên, ông này bị kỷ luật, nhưng đến năm 2005, lại được Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đưa về làm Đội trưởng Đội cảnh sát 113 (PC64), rồi Phó Phòng Cảnh sát Môi trường và về lại làm Phó Phòng CSGT. Đến khi bị phát hiện lúc ký giấy mời các tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc, ông lại được điều chuyển. Đáng nói là thời điểm ông Thường được luân chuyển quay lại làm lãnh đạo Phòng CSGT cũng chính là lúc ông Huỳnh Tiến Mạnh đã lên làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, nổi cộm nhất trong thời gian ngồi ghế Giám đốc Công an tỉnh của ông Mạnh vẫn là những vụ nội bộ bắn giết lẫn nhau. Tháng 9-2013, đại úy trạm CSGT Suối Tre Ngô Văn Vinh đã dùng súng bắn chết trạm phó là Thiếu tá Trần Ngọc Sơn sau mâu thuẫn tại quán karaoke. Đầu năm 2018, xảy ra vụ việc trung úy Nguyễn Tấn Phước, thuộc Phòng CSGT Đồng Nai nổ súng bắn chết người tại một nhà trọ giữa trung tâm TP. Biên Hòa. Ngoài ra còn có vụ người ngoài can thiệp vào quy trình công vụ của CSGT trên Quốc lộ 51 mà người dân biết đến với cách gọi như “tiếp thị sữa” rồi vụ “bán đường”, “bán logo” bị phanh phui khiến người dân mất lòng tin nặng nề. Có thể các vụ lùm xùm, bê bối nói trên không liên quan trực tiếp đến cá nhân ông Mạnh nhưng với thực trạng CSGT Đồng Nai nhận mãi lộ những năm vừa qua cùng với tư cách người lãnh đạo, là cấp trên thì ông cũng không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý của mình.
Theo kết luận của Ban Bí thư, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng và các quy định của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự; để nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh vi phạm kỷ luật và pháp luật; vi phạm trong công tác cán bộ. Có thế thấy, từ khi có ánh lửa lò bừng sáng, soi chiếu cùng hàng chục ngàn tai mắt của nhân dân mà không chỉ ông Huỳnh Tiến Mạnh mà còn nhiều cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai cũng thể nào tiếp tục che giấu, lấp liếm sai phạm của mình nữa. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, xử lý hàng loạt tướng tá Công an Đồng Nai liên quan đến vụ quản lý súng lỏng lẻo, lập và sử dụng quỹ trái phép. Ngay cả Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm và Bí thư Thành ủy TP. Biên Hòa Lê Văn Dành cũng phải cúi đầu “vào lò”.
Thấy rằng công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và những người cộng sự đang thực hiện không hề đơn độc một mình mà còn nhận sự ủng hộ, hỗ trợ hết lòng của nhân dân. Bác Hồ đã từng khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Cho dù chống tham nhũng còn muôn vàn khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo địa phương cùng sự đồng lòng của nhân dân thì đó chính là kim chỉ nam để đấu tranh loại bỏ những tên quan tham, tướng xấu. Thêm nữa, công cuộc chống tham nhũng ấy đang diễn ra xuyên suốt nhiều năm nay; luật pháp “thẳng tay trừng trị” những kẻ tham lam tiền của nhân dân bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Thế nên, không có chuyện công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “thanh trừng phe phái” trước Đại hội 13 như một số kẻ cơ hội chính trị và trang mạng hiện nay rêu rao.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh Cò