Trang chủ Cánh cò Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng: Học Trung Quốc, hay…?

Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng: Học Trung Quốc, hay…?

175
0

Nhiều quốc gia chống tham nhũng rất thành công, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng phù hợp vào thực tế của mình.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả phòng chống tham nhũng năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh giải pháp tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài trong thời gian tới.

Trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, phương hướng mà Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra là đúng và tinh thần ấy đã được Đảng, Nhà nước quán triệt từ lâu: chống tham nhũng phải chống đến cùng, không có vùng cấm, không nể nang, né tránh; bắt được kẻ tham nhũng và bỏ tù thôi chưa đủ, quan trọng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng.

Dẫn lại vụ việc nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan bỏ trốn vào thời điểm Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam bà này do có liên quan đến vụ án đại gia Diệp Bạch Dương, ông Vũ Quốc Hùng cho biết vụ việc này đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó câu hỏi lớn nhất là tại sao bà Lan có thể bỏ trốn được?

“Bà Đào Thị Hương Lan tuy đã nghỉ hưu nhưng cũng phải về sinh hoạt ở địa phương và ở mức độ nào đó vẫn thuộc diện Thành ủy quản lý. Đảng viên đi nước ngoài phải báo cáo chi bộ, tại sao nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM lại trốn được?

Việt Nam đã có các quy định về quản lý cán bộ nhưng bấy lâu nay chúng ta chưa chú trọng nhiều đến cán bộ đã nghỉ hưu. Vì lẽ đó, phải xem xét, hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, không thể cứ làm hình thức, cứng nhắc”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng: Học Trung Quốc, hay…?
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn thấp. Ảnh minh họa

Một vụ việc khác được nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhắc tới, đó là vụ MobiFone mua cổ phần AVG. Việc thu hồi tài sản trong vụ việc này đã từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD nhưng mới chỉ nộp lại có 500 triệu đồng và không biết đến bao giờ mới thu hồi được số tài sản này. Một trong những nguyên nhân có thể nhìn thấy rõ là việc kê kê biên, đóng tài sản của những người phạm tội còn chậm, tạo cơ hội cho đối tượng tẩu tán tài sản.

Những chuyện này pháp luật phải vào cuộc, nếu đã có quy định pháp luật rồi các cơ quan chức năng cứ thế mà làm, không nể nang, né tránh”, ông Vũ Quốc Hùng cho biết.

Ông cũng khẳng định, đối với tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy bắt, dẫn độ không khó bởi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định dẫn độ với các nước và thời gian tới phải tiếp tục bổ sung.

Nhìn ra thế giới, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng từ nhiều quốc gia.

“Theo dõi thông tin qua báo chí, tôi thấy Trung Quốc chống tham nhũng khá hiệu quả, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cao.

Tương tự, Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir đã nỗ lực chống tham nhũng. Năm ngoái, ở độ tuổi 93, ông Mahathir đã trở lại chính trường và giữ chức Thủ tướng Malaysia một lần nữa.

Sự trở lại này không phải do tham vọng quyền lực mà là thực hiện hai mục đích chính: cứu đất nước khỏi nạn tham nhũng tràn lan dưới thời kỳ Thủ tướng Najib Razak và đưa đất nước trở lại tiến trình dân chủ vốn đang bị đi chệch hướng.

Thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, về cơ bản, ông Mahathir đã loại được tham nhũng trong bộ máy chính quyền.

Như vậy, bất kỳ quốc gia nào có kinh nghiệm phòng chống tham nhũng hay, hiệu quả, Việt Nam đều có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm”, ông Vũ Quốc Hùng chỉ rõ.

Quay trở lại thực tế ở Việt Nam, tỷ lệ thu hồi được tài sản tham nhũng còn rất thấp, theo ông Hùng phải xem lại các quy định của pháp luật. Quy định chung là thu hồi nhưng hướng dẫn thi hành luật cụ thể như thế nào vẫn chưa đầy đủ. Việt Nam có mối quan hệ rộng rãi với các nước, đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác về mặt quản lý, do đó cần nghiên cứu làm việc với họ để vừa phối hợp thực hiện vừa học hỏi kinh nghiệm.

“Các nước tiên tiến áp dụng những biện pháp quản lý xã hội rất chặt chẽ bằng luật pháp, đảm bảo mọi thay đổi của các thành viên trọng xã hội phải nằm trong sự quản lý của pháp luật.

Đối với Việt Nam, phải kiểm điểm lại xem ta làm được đến đâu, còn thiếu những gì để bổ sung, hoàn thiện, đã học hỏi kinh nghiệm của các nước thì phải ứng dụng vào thực tế của đất nước. Làm việc này không khó bởi chúng ta có nhiều cơ quan làm luật”, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thành Luân/Đất Việt

Nguồn: Cánh Cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây