Trang chủ Loa Phường Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: chưa có bằng chứng của “thảm...

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: chưa có bằng chứng của “thảm họa môi trường”

159
0

Ngày 28/08/2019, khu kho xưởng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nằm trên phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, đã bốc cháy và phát tán một lượng hóa chất độc hại vào không khí. Vụ việc này khiến dư luận lo ngại về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ở Hà Nội, đồng thời đặt câu hỏi về bản chất của vụ việc, cùng những phản ứng cần có của chính quyền và người dân. Trong tuần đầu tiên sau sự kiện, dư luận phi chính thống đã trả lời các câu hỏi vừa nêu theo 3 hướng.

Trong hướng thứ nhất, một số chuyên gia – như Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope, California) và Đặng Ngọc Quang (giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn) – khẳng định rằng vụ cháy kho xưởng của công ty Rạng Đông đã phát tán các hóa chất độc hại, bao gồm thủy ngân, vào môi trường đất, nước, không khí, khiến cư dân sống gần vụ cháy phải đối diện với nguy cơ nhiễm độc.

Chẳng hạn, Đặng Ngọc Quang nhân số bóng đèn bị cháy với hàm lượng thủy ngân trong mỗi loại bóng đèn, để đưa ra phỏng đoán rằng vụ cháy đã phát tán khoảng 10 kg thủy ngân vào không khí. Ngoài ra, ông Quang cũng lưu ý rằng nhà máy nước Hạ Đình, nằm cách nhà máy Rạng Đông chưa đầy 300 m, có nguy cơ bị nhiễm độc.

Trong khi đó, Nguyễn Hồng Vũ khuyên cư dân địa phương làm theo khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình và thực hiện một số biện pháp để khử độc thủy ngân trong cơ thể; đồng thời khuyên các cấp chính quyền khẩn trương tiến hành xét nghiệm, khử độc khu vực quanh đám cháy.

Nhìn chung, các kết luận của Nguyễn Hồng Vũ và Đặng Ngọc Quang khá giống các kết luận của Tổng Cục Môi trường hôm 31/08 và 04/09.

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: chưa có bằng chứng của “thảm họa môi trường”

Trong hướng thứ hai, Mai Quốc Ấn đưa tin về vụ việc theo lối kích động, thổi phồng, khiến dư luận hoảng loạn. Cụ thể, từ ngày 29/08, Ấn đã hô hoán rằng đây là một “thảm họa môi trường cấp quốc gia”, giống vụ Formosa Hà Tĩnh năm 2016 hoặc vụ Minamata ở Nhật, dù chưa có bằng chứng cho phép khẳng định điều đó. Trong những ngày tiếp theo, Ấn viện cớ “đã có 82 ca nhiễm độc thủy ngân trong khu vực” để chứng minh cho quan điểm của mình. Trong thực tế, cả 82 ca xét nghiệm vừa nêu đều có hàm lượng thủy ngân trong máu dưới mức nguy hại, nhưng một tờ báo đã đưa tin sai về vấn đề này, dẫn đến sự hiểu lầm của dư luận:

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: chưa có bằng chứng của “thảm họa môi trường”

Trong hướng thứ ba, Nguyễn Anh Tuấn (thành viên nhóm Green Trees) tung tin đồn rằng công ty Rạng Đông và chính quyền địa phương đã cố tình đốt khu kho xưởng, để “giải phóng mặt bằng cho các công ty bất động sản thân hữu, sân sau của các quan chức”. Vì vụ cháy gây hậu quả nặng về môi trường, khiến công ty Rạng Đông có nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tin đồn này là thiếu căn cứ.

Tóm lại, những cảnh báo của Nguyễn Hồng Vũ và Đặng Ngọc Quang về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy là chính xác và kịp thời. Trong khi đó, chưa có bằng chứng cho thấy vụ việc này là một “thảm họa môi trường cấp quốc gia” như lời Mai Quốc Ấn, hoặc một âm mưu ly kỳ như lời Nguyễn Anh Tuấn.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây