Trang chủ Cánh cò Tại sao nhiều cán bộ từ chối ‘về’ Quốc hội?

Tại sao nhiều cán bộ từ chối ‘về’ Quốc hội?

146
0

Thực tế này vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu trong phiên thảo luận chiều nay (14-9).

Chiều 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội. Vấn đề có hay không tăng tỉ lệ, số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách được nhiều người quan tâm.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong ban soạn thảo dự án luật có hai loại ý kiến, trong đó loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là Quốc hội có ít nhất 35% đại biểu hoạt động chuyên trách.

Tại sao nhiều cán bộ từ chối ‘về’ Quốc hội?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Ảnh: Quochoi.vn

“Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật mà tùy trong đề án bầu cử ĐBQH của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy” – ông Phúc giải thích.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37 – 40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu ĐBQH một cách hợp lý, giảm số lượng ĐBQH là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Ông Phúc cho biết, Quốc hội hiện nay có 167 đại biểu hoạt động chuyên trách, chiếm 34,5% trong tổng số 484 ĐBQH. Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật.

Thảo luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất thiết phải quy định tỉ lệ tối thiểu phải đạt 35% ĐBQH chuyên trách, bởi việc nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách là xu hướng chung của thế giới. Đối với vấn đề giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực tại Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc thấu đáo.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, trung tâm của hoạt động Quốc hội vẫn là các cơ quan hoạt động chuyên trách là Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội. “Tỉ lệ ĐBQH đã thấp rồi mà bây giờ lại nhằm vào các cơ quan chuyên trách để giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động” – bà Nga bày tỏ.

Bà Nga dẫn chứng từ tổ chức của Ủy ban Tư pháp có 5 phó chủ nhiệm, trong khi phạm vi hoạt động bao phủ từ toà án, viện kiểm sát, các cơ quan có liên quan của Chính phủ như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ…, rất là rộng, phức tạp, ít nhất một phó chủ nhiệm phải chủ trì một lĩnh vực thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Tôi đề nghị vẫn phải nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên nữa để đảm bảo chất lượng công việc. Qua hoạt động của Ủy ban Tài chính – ngân sách, tôi thấy nhu cầu cầu tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đặc biệt là các đại biểu giỏi, thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Quốc hội các nước họ cũng vậy, hoạt động thường xuyên và đa số đại biểu là chuyên trách” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ.

Ông Hải đồng thời chỉ ra một thực tế rất đáng lưu ý, “Là tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều “xin đừng đưa em vào quy hoạch”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết điều tương tự: “Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin đừng cho em vào, nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút”.

LÊ KIÊN/Tuổi Trẻ

Nguồn: Cánh Cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây