Những trải nghiệm không tốt của thanh niên Việt Nam khi tiếp cận với các dịch vụ công khiến họ giảm niềm tin vào minh bạch và liêm chính.
Những con số đáng báo động
Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Gần hai thập kỷ phát triển nhanh về kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự tích lũy của cải dường như không đi cùng tích lũy những giá trị cốt lõi là minh bạch và liêm chính. Giá trị liêm chính dường như bị thiếu hụt và mong manh, không theo kịp với thành tựu phát triển kinh tế của đất nước!”
Ảnh minh họa.
Điều này được thể hiện rõ nét trong bản Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện, trong đó nêu bật sự đối lập giữa suy nghĩ và hành động của thanh niên đối với công cuộc phòng chống tham nhũng và giữ gìn liêm chính của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo đó, dù có trên 95% thanh niên được khảo sát tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho mọi mặt của đời sống, và khoảng 80% thanh niên tin rằng, họ có trách nhiệm trong công cuộc chống tham nhũng. Tuy nhiên, hơn 1/3 trong số này cho biết, họ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng hoặc phi đạo đức để có được lợi thế cho mình.
Đáng lo ngại là số thanh niên sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng theo khảo sát năm 2018 đã tăng lên đáng kể so với các năm 2011 và 2014 với con số tương ứng là 49% so với 42% và 38%. Ngoài ra, mức độ sẵn sàng tố cáo tham nhũng của thanh niên cũng đã giảm từ 60% năm 2011 xuống dưới 50% năm 2018 với các lý do chính như “việc tố cáo sẽ không có tác dụng”, “lo sợ cho an toàn của bản thân” và “không phải việc của họ”.
Điều này được cho là xuất phát từ những trải nghiệm về tham nhũng ngày càng gia tăng đối với thanh niên khi họ tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản như tiếp xúc với cảnh sát (57%), dịch vụ y tế (46%) và khi xin các loại giấy tờ và giấy phép (40%).
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hướng tới Minh bạch nhấn mạnh: “Mức độ sẵn sàng tham gia vào hành vi tham nhũng của thanh niên tăng lên trong năm 2018 là một điều đáng báo động. Đây là lúc tất cả các bên liên quan cần chung tay hành động để tạo nên một môi trường nuôi dưỡng và thúc đẩy liêm chính, nơi người trẻ có thể được khuyến khích để trải nghiệm và thực hành liêm chính”.
Thanh niên cần có những hoạt động cụ thể, thiết thực để gây dựng niềm tin vào minh bạch và liêm chính đối với bản thân và cộng đồng. Ảnh minh họa
Những khuyến nghị và sáng kiến tích cực
Để cải thiện niềm tin của thanh niên Việt Nam vào sự minh bạch và liêm chính, Tổ chức Hướng tới Minh bạch đã đưa ra một số khuyến nghị dành cho Chính phủ và các cơ quan liên quan như sau:
Cần khuyến khích các sáng kiến do thanh niên khởi xướng ở cấp địa phương cũng như trên cả nước bằng cách cung cấp nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên thực hành và thúc đẩy liêm chính.
Đề cao những tấm gương liêm chính trong thanh niên thông qua việc trao thưởng cho các sáng kiến thanh niên và hỗ trợ các mạng lưới thanh niên thúc đẩy liêm chính và phòng, chống tham nhũng. Xây dựng một hệ thống tố cáo an toàn và hiệu quả để thanh niên có thể tố cáo tham nhũng và các hành vi phi đạo đức mà không sợ bị trả thù.
Ưu tiên cải thiện các dịch vụ công cơ bản mà thanh niên nhiều khả năng phải đối mặt với tham nhũng và nhũng nhiễu nhất như các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, giáo dục và các cơ quan dịch vụ hành chính.
Cuối cùng, cần tận dụng truyền thông xã hội như một kênh đáng tin cậy để thông tin cho thanh niên và huy động họ tham gia vào các hoạt động thúc đẩy liêm chính và phòng, chống tham nhũng. Điều này xuất phát từ việc, đa số thanh niên được khảo sát cho biết, nguồn thông tin chính giúp họ hình thành quan điểm cá nhân về liêm chính là Internet (69%) và mạng xã hội (54%).
Không chỉ đưa ra những khuyến cáo, Tổ chức Hướng tới Minh bạch còn triển khai một số sáng kiến nổi bật như dự án Kênh truyền thông thanh niên. Sáng kiến này tạo sân chơi cho các bạn trẻ có kỹ năng truyền thông để sản xuất các tác phẩm tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng và phát triển bền vững. Thông qua kênh truyền thông này, thanh niên sẽ có được tư duy phản biện tốt hơn và sẵn sàng đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy liêm chính, minh bạch và tiến bộ xã hội.
Một sáng kiến khác cũng rất đáng quan tâm là “Vườn ươm liêm chính” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tìm hiểu, thực hành và thúc đẩy liêm chính. Cho đến nay, Vườn ươm liêm chính đã đón nhận 132 sinh viên và cán bộ trẻ tham gia sáng kiến. Không chỉ tự thực hành liêm chính, các bạn trẻ tham gia sáng kiến còn chủ động chia sẻ những kiến thức về phòng, chống tham nhũng mà họ đã học được cho bạn bè, cộng đồng và toàn xã hội.
Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 tìm hiểu nhận thức của giới trẻ về liêm chính và những thay đổi theo thời gian liên quan đến trải nghiệm cụ thể và những thách thức họ gặp phải khi áp dụng giá trị này trong đời sống hàng ngày.
Đây là lần thứ 3 khảo sát được thực hiện tại Việt Nam, sau các khảo sát năm 2011 và 2014. Dữ liệu được thu thập từ ngày 2/10-2/12/2018 thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 1.175 thanh niên (độ tuổi 15- 30) và 465 người lớn tuổi (độ tuổi 31- 55) tại nhiều tỉnh, thành mang tính đại diện trong cả nước.
Việc thu thập dữ liệu được thực hiện bởi công ty Nghiên cứu Đông Dương- Indochina Research. Phần phân tích số liệu do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia phản biện độc lập.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch là một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam được thành lập năm 2008 với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Từ tháng 3/2009, Tổ chức Hướng tới Minh bạch trở thành cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế – một phong trào toàn cầu về phòng, chống tham nhũng với hơn 100 tổ chức thành viên trên thế giới./.
Nguồn tin: VOV