Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, khó dẹp bỏ các bếp ăn tập thể bởi đó là nơi để nhiều cán bộ, lãnh đạo nhậu nhẹt, tiếp khách mà không bị… soi.
Trước tình trạng đi đến đâu cũng tồn tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, đây chính là dịch vụ ‘hái ra tiền’, mang lại nguồn thu cho các cơ quan và lãnh đạo cơ quan đó.
Đáng lưu ý, nhiều cơ quan nhà nước ở các địa phương không thể thiếu bếp ăn tập thể bởi đó là nơi cho cán bộ, lãnh đạo địa phương tiếp khách.
“Ví như tỉnh có nhiều khách sạn sang, cán bộ, lãnh đạo cứ đăng ký một vài khách sạn, hễ tiếp khách thì ra đó. Địa bàn tỉnh rộng, dân ít biết, cán bộ cứ chạy vào khách sạn ai biết là làm việc hay ăn uống.
Thế nhưng, ở huyện thì khác, lèo tèo vài dãy phố, vài quán ăn ngon, cán bộ huyện mà cứ rồng rắn kéo nhau vào đó thì dân nhìn thấy ngay. Thế nên, họ phải làm một nhà ăn hoành tráng ngay trong trụ sở huyện.
Tôi đã đi công tác ở nhiều huyện (không tiện nêu tên), thấy khách rất đông, ngày nào cũng có tiệc ở đó, khách khứa, họp hành xong là kéo vào bếp ăn. Tiền tổ chức những bữa tiệc ấy hoặc lấy từ ngân sách, hoặc là tiền đóng góp.
Dù là bếp ăn tập thể, nhưng theo những gì tôi từng thấy, đồ ăn thức uống có khi thịnh soạn hơn ngoài quán nhiều, rượu, của ngon vật lạ cái gì cũng có”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam kể.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, không thể nào bỏ những bếp ăn tập thể này được bởi trước hết đó là chỗ nhậu nhẹt, tiếp khách của cán bộ, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị mà không bị dân phát hiện.
Thứ hai, đó còn là nguồn thu của lãnh đạo cơ quan.
“Ai kinh doanh bếp ăn tập thể là thu được tiền, mà những bếp ăn này ngày xưa được cấu thành biên chế trong cơ quan huyện, tỉnh, song giờ đã bỏ, chuyển sang dịch vụ. Vì thế, người ta tự tuyển chọn người nấu ăn, cung cấp thực phẩm…, thế nên cán bộ, lãnh đạo cơ quan có đưa người nhà vào đấy làm cũng là điều dễ hiểu.
Nói thẳng ra, cạnh tranh để có được một suất làm trong bếp ăn tập thể ấy không hề đơn giản, không phải cứ có năng lực là vào được.
Ngân sách có chi ra thì cũng chỉ biết là chi cho tiếp khách, không biết cán bộ cơ quan tiêu vào đâu. Còn doanh thu thì những người làm dịch vụ sẽ thu nhưng dĩ nhiên họ còn phải chia chác cho ai đó – có thể là người có quyền hành, người nhà của cán bộ, lãnh đạo cơ quan hoặc cánh hẩu.
Không có ai kiểm soát doanh thu từ các bếp ăn tập thể này, họ tự làm, tự thu chi, thậm chi nếu có trốn thuế cũng không ai biết”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.
Ở cơ quan cấp huyện, tỉnh thì tồn tại các bếp ăn tập thể như trên, còn ở cấp xã, từ thực tế quan sát được, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại lại chỉ ra rằng, cán bộ xã “chấm” một vài quán ăn, hễ làm việc ở xã xong thì khách được đưa đến các quán đó để ăn nhậu. Những quán ăn được giảm, thậm chí miễn thuế, ngược lại quán phải phục vụ chu đáo khách được xã đưa đến.
Điều đặc biệt là nhưng nơi làm dịch vụ trên không có ai kiểm tra, giám sát.
“Cán bộ cần chỗ ăn ngon, phù hợp với họ, lại kín đáo để người dân không biết, vậy nên làm sao có thể xóa được những bếp ăn đó?!”, vị chuyên gia nói.
Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp, cho ý kiến báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2019 của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chỉ ra rằng có tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào, thậm chí còn non, chưa đạt yêu cầu nhưng người ta vẫn ấn vào để làm, cuối cùng những con người đó bị thui chột.
“Ở doanh nghiệp nhà nước, dân người ta than phiền lắm. Con em của người lao động khó lòng vào những chỗ đó lắm. Ở đâu đó tồn tại những chi nhánh, đơn vị, tổ chức ở các địa phương, ngồi ăn mà hơn 1 nửa bếp ăn là con em gia đình một vài vị lãnh đạo của đơn vị”, ông Sơn nói và cho rằng, việc nuôi dưỡng, rèn luyện cán bộ là vấn đề đặt ra rất quan trọng cần quan tâm.
Thành Luân/Đất Việt
Nguồn: Cánh Cò