Ngày 27/08, bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón trẻ trong vụ việc ở trường Gateway, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015. Nhân đó, nhiều người dùng Internet đã viết rằng trường Gateway mới là bên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc; nhà trường đã “chạy án” để công an bắt bà Quy, nhằm “ép cung” bà, dùng bà làm “tốt thí” cho trường. Vài người chứng minh cáo buộc này bằng 1 lập luận có sức nặng – theo đó nhà trường đã ký nhận đủ 13 học sinh mà không kiểm tra lại, cũng không liên lạc với bà Quy khi thấy nạn nhân vắng. Số khác chỉ đưa ra 1 phép so sánh cảm tính, rằng trường Gateway giàu nên có tiền “chạy án”, còn bà Quy nghèo, “thấp cổ bé họng” nên bị “vu oan”.
Ngoài ra, hướng tuyên truyền này cũng thu hút sự chú ý của dư luận bằng bức thư ngỏ của Phạm Tuấn Anh và tin giả của Hoàng Tuấn Bạch.
Ngay sau khi bà Quy bị truy tố, Phạm Tuấn Anh (sống tại Mỹ) tuyên bố “tặng bà Quy 200 triệu đồng để lo liệu chi phí luật sư biện hộ”. Tuấn Anh cũng lấy danh nghĩa phiên dịch viên tiếng Việt của 2 đời tổng thống Clinton và Obama, để viết thỉnh nguyện thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Nhà nước khác, nhằm đề nghị họ quan tâm tới vụ việc. Thư cho biết Tuấn Anh sẽ gửi đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam trước ngày 02/09/2020 nếu bà Quy bị “điều tra tắc trách” và “kết án oan”.
Nhân đó, nhiều cá nhân trên mạng xã hội đồng loạt viết status ca ngợi Phạm Tuấn Anh là “tấm gương Lục Vân Tiên”, “tiếng nói của lương tri”, “ngọn đuốc tuệ run rẩy trong đền thiêng nhân tâm”, là người có nghĩa cử khiến họ “xúc động rơi nước mắt”.
Ngày 28/08, Hoàng Tuấn Bạch đăng tin giả rằng sau khi cháu Long ngã đập đầu vào bàn học, trường Gateway tiêm thuốc không đúng quy cách cho cháu, dẫn đến việc cháu bị sốc phản vệ và tử vong. Để che giấu trách nhiệm, nhà trường tạo hiện trường giả trên xe oto để đổ hết tội cho bà Quy, là người “thấp cổ bé họng” trong vụ việc.
Tin giả này đi kèm một tấm ảnh có chú thích rằng “Chúng tôi có video chứng minh bé Long đã xuống xe đi vào trường Gateway sáng 06/08/2019, bà Quy đã bị bắt oan”. Thực ra đây là ảnh giả, được dựng bằng cách ghép gương mặt nạn nhân vào ảnh của một học sinh khác.
Dù chính dư luận phi chính thống đã cảnh báo về tin giả của Hoàng Tuấn Bạch, tin này vẫn thu được 78 nghìn Like, 60 nghìn Share, 44 nghìn Comment trên Facebook.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, có nhiều bằng chứng cho thấy trường Gateway phải chịu một phần trách nhiệm trong cái chết của nạn nhân, như dư luận đã chỉ ra. Tuy nhiên, các bằng chứng này không hề cho thấy nạn nhân chết vì một lý do khác ngoài sốc nhiệt, hoặc cho thấy bà Nguyễn Bích Quy không chịu trách nhiệm trong vụ việc.
Thứ hai, dư luận không có tư cách đưa ra kết luận điều tra cuối cùng cho vụ việc; vì khác với cơ quan điều tra, dư luận không được tiếp cận với các ghi chép về hiện trường, lời khai của các bên liên quan, và kết quả phân tích pháp y. Dư luận chỉ có tư cách đặt nghi vấn về các lỗ hổng trong quy trình điều tra và xét xử. Vì vậy, khi quá trình điều tra chỉ vừa mới bắt đầu, và nhiều bằng chứng chưa được cung cấp cho dư luận, Phạm Tuấn Anh không nên vội quy kết rằng bà Quy đang bị “điều tra tắc trách” và “kết án oan”.
Ngoài chuyện này, cả việc Tuấn Anh ủng hộ tiền cho bà Quy lẫn việc Tuấn Anh bỏ quốc tịch Việt Nam đều là những việc tốt, có lợi cho xã hội Việt Nam, chúng tôi rất ủng hộ.
Thứ ba, tin giả của Hoàng Tuấn Bạch không còn là một bài tuyên truyền chính trị đơn thuần. Nó tương đương với một lời vu cáo người vô tội, do vụ việc ở trường Gateway là một vụ án hình sự. Vụ Hoàng Tuấn Bạch cho thấy khi bị hận thù làm cho mù quáng, người ta có thể nói dối, phá hoại công lý và gây hại cho xã hội, nhân danh những lý tưởng chính trị cao siêu. Dù đứng dưới quan điểm chính trị nào, những người còn giữ được sự tỉnh táo và nhân tính cũng không dung dưỡng hành vi tung tin giả của Hoàng Tuấn Bạch.
Nguồn: Loa Phường