Đa phần, người dân Việt Nam mới chỉ biết đến một bộ phận nhỏ lực lượng công an, chủ yếu là lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, cảnh sát cơ động… hay những anh cảnh sát hình sự qua phim ảnh. Cho nên, đã dẫn tới những đánh giá mang tính chụp mũ, phiến diện theo đám đông từ một vài sai phạm của một số cá nhân nhỏ lẻ đánh đồng cả một lực lượng. Trong đó, có lẽ phải kể tới lực lượng cảnh sát giao thông, và công an phường là những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, xử lý những sai phạm từ hành chính đến vi phạm pháp luật. Do vậy, khi nói đến lực lượng công an, người dân thường nghĩ tới ngay những lực lượng kể trên mà không biết rằng còn rất nhiều cán bộ, chiến sỹ thuộc nhiều đơn vị khác nhau đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTANXH.
Hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát vì nhân dân phục vụ
Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, khi dân trí ngày càng được nâng cao, nhận thức của chúng ta về những lực lượng cảnh sát hàng ngày tiếp xúc với nhân dân cũng nên có xu hướng tích cực. Về chủ quan, lực lượng cảnh sát cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều hành động “nêu gương” trong ứng xử với nhân dân cũng như trong thực thi công vụ. Chính những tấm gương tốt như vậy đã góp phần to lớn đem hình ảnh của người CAND đến gần với quần chúng nhân dân hơn bao giờ hết. Và điều này cần được các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường chia sẻ các tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, các chiến công của các chiến sỹ công an lan rộng tới công chúng càng nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thế trận lòng dân góp phần giữ vững ANQG.
Hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát vì nhân dân phục vụ
Chẳng hạn như tấm hình ở trên, chúng ta thấy, một hình ảnh mẫu mực về phong cách người CAND “vì nhân dân phục vụ” được cộng đồng mạng chia sẻ. Xuất thân từ mảnh đất Xô Viết anh hùng. Cuộc sống trải qua bao khắc nghiệt của thiên tai. Khi chiếc áo mưa đã không còn chịu được sự quăng quật của gió bão, anh vẫn ở đó, không từ bỏ nhiệm vụ để giao thông thông suốt. Đồng đội anh, đã có những người hy sinh trong lúc giúp dân chống bão, vợ con anh đang thấp thỏm lo âu, sao anh vẫn ở đó. Chỉ đơn giản, anh là người chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh đẹp như vậy, cần được chia sẻ rộng rãi để thật xứng đáng với cống hiến của các chiên sỹ công an.
Thế nhưng, có một nghịch lý về vấn đề truyền thông ở Việt Nam hiện nay, nhất là các báo mạng khi mà họ chỉ nhăm nhăm xăm soi những sai phạm, những sơ hở trong việc thực thi công vụ của lực lượng công an để giật những cái tít động trời nhằm câu view, hay dùng ngôn từ dễ gây hiểm nhầm, kích thích sự tò mò của công đồng mạng nhằm tăng lượt truy cập phục vụ cho mục đích thương mại. Chính điều này đã và đang tác động không nhỏ đến lăng kính của người dân Việt Nam với lực lượng công an, hướng lái được lượng lớn người, gây ra nhiều hệ lụy xấu.
Chúng ta cần biết rằng, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, giúp phát triển đất nước, đa dạng hóa đời sống người dân một cách mạnh mẽ. Thế nhưng, tình hình tội phạm trên lĩnh vực này cũng gia tăng. Với việc để tạo ra sự tương tác, câu view, câu like để bán hàng, làm nổi mình, các đối tượng không ngần ngại đưa ra những thông tin trái chiều, xuyên tạc, bịa đặt,…hòng hướng lái dư luận. Cũng nhờ mạng xã hội mà các điều tra viên online, các luật sự online cũng bắt đầu có “đất diễn”. Và sự thực thì một mạng xã hội “ảo nhưng thật”, “thật lại ảo” sẽ thực sự lũng đoạn, dắt mũi nhưng người chơi không tỉnh táo.
Qua các sự việc nổi vừa qua, có thể thấy, nhiều kẻ lợi dụng việc ảo này đưa ra những lời lẽ sai sự thật, vu khống lực lượng chức năng, Đảng, Nhà nước và rồi nhẹ nhàng coi như không có gì, vẫn ung dung và hoạt động. Giống như vụ án mạng giao gà tại Điện Biên, các thám tử, điều tra online đưa ra những lý luận “sắc bén”, “nhanh nhạy”, cho răng lực lượng Công an đang làm quá chậm và cố tính bưng bít, gây hoang mang dư luận. Nhưng, cuối cùng sự thật vẫn phơi bày, tất nhiên, số đó lặng lẽ xóa bài đăng, comment và rồi lại tìm những vụ việc mới.
Cho nên, qua phân tích trên, rất mong đơn vị chủ quản các trang báo mạng, hãy biết làm đẹp cho xã hội một cách khách quan, nhất là khi viết về lực lượng công an. Cần tích cực nêu gương những tấm gương điển hình tiên tiến, sát cánh cùng các chiến sỹ để thấy được sự khó khăn, gian nguy khi làm nhiệm vụ hơn là coi lực lượng công an như một chủ thể để xăm soi, để tô vẽ những hình tượng xấu mà phủ nhận những chiến tích của cả một ngành. Giải pháp cho vấn đề này đó là, đã đến lúc chúng ta cần sự vào cuộc quyết liệt của Luật An ninh mạng đã được ban hành, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, đưa tin sai sự thật, gây mất ANTT. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo ngành báo chí, các tập san, báo mạng cũng cần chú ý trong việc đào tạo. Vì nếu như chỉ đào tạo ra một con người làm nghề báo nhưng không có đạo đức của một người làm báo thì đó là sự thất bại trong đào tạo nghề.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ