Chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là không thể bác bỏ, nó gắn chặt với tình yêu nước, lập trường đúng đắn, thái độ kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất tấc vàng của ông cha từ bao đời nay. Vì tính chính nghĩa đó cùng với mong muốn duy trì hòa bình biển Đông nên khi Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta, gây bất ổn tình hình thì quốc tế cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Những ngày đầu tiên khi Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất vào khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam đã chọn cách ứng xử mềm mỏng. Nhưng kẻ láng giếng xấu tính này được nước lấn tới, họ tăng cường số lượng tàu đối đầu lực lượng chấp pháp và gây hấn ngư dân ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Thái độ ngang ngược đó buộc Việt Nam phải lên tiếng sau nhiều ngày nhẫn nhịn, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao đã lên tiếng liên tục với thông điệp cụ thể, chỉ đích danh kẻ cướp: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông… Việt Nam kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Không chỉ nói mà chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật trên cả mặt trận ngoại giao lẫn thực địa. Đồng thời đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia. Tại thời điểm đó Việt Nam đã bày tỏ mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Thông điệp cứng rắn còn được lãnh đạo nước ta thể hiện xuyên suốt trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan vào ngày 31/7 đã lên án hành vi xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc đối với vùng biển Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay bảo vệ hòa bình, duy trì tình hình biển Đông ổn định. Thậm chí mới đây, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lên tiếng phản đối và kêu gọi nhất trí hợp tác với nước bạn để duy trì hòa bình biển Đông.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc vẫn âm mưu độc chiếm biển Đông để làm bá chủ thế giới bởi lẽ theo nhà chính trị học Bill Hayton từng lý giải thì: “Biển Đông là mắt xích sống còn của giao thương toàn cầu, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư và Châu Âu”. Nếu ai đó năm quyền làm chủ biển Đông thì gần như thống trị cả thế giới. Chưa kể, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền.
Nếu như Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, thì nước này sẽ nắm quyền chi phối và hệ lụy rất nghiêm trọng đối với vấn đề tự do hàng hải, hàng không, mậu dịch quốc tế và nhiều vấn đề kinh tế khác. Nhận thấy rõ được vấn đề này nên Việt Nam đã liên tục cảnh tỉnh cho tất cả các nước, kêu gọi chung tay chung sức không để Trung Quốc tự tung tự tác ở biển Đông.
Nỗ lực kêu gọi hợp tác, đấu tranh vì hòa bình biển Đông của Việt Nam đã nhận được những hành động tích cực từ quốc tế, tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ở Thái Lan vừa qua, các nước ASEAN cũng sẽ bày tỏ sự phản đối về những hành động hiện nay của Trung Quốc “làm xói mòn lòng tin” và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”. Ông kêu gọi người dân người dân của các quốc gia trong khu vực và thế giới truyền bá sự thật và vạch trần những thông tin sai lệch, giả tạo của Trung Quốc về Biển Đông.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 18/08, Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein đã phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẽ tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định bảo vệ chủ quyền của Chính phủ Việt Nam.
Không đứng ngoài cuộc, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng tuyên bố trên Twitter rằng: “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và các nước ASEAN. Hành vi dọa nạt của Trung Quốc nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á láng giềng đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”. Kế tiếp hôm 22/08, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam chống lại hành động của Trung Quốc.
Nếu như trước đây Australia vẫn giữ thái độ im lặng thì hôm họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ của hai nước: “Austrailia và Việt Nam là những người bạn và khi sát cánh bên nhau, cùng nhau nỗ lực, có những định hướng chung và thực hiện thì hai nước sẽ đạt được tất cả những mục tiêu đã đặt ra”.
Gần đây nhất, trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Hà Nội vào ngày 26/08, bên cạnh thỏa thuận những thỏa thuận tăng cường hợp tác dầu khí giữa công ty Petronas của Malaysia và công ty PetroVietnam thì người đứng đầu Chính phủ nước bạn đã khẳng định: “Chúng ta cần phải cùng nhau chỉ ra rằng thế giới đang chứng kiến sự thiếu tôn trọng với luật pháp quốc tế và nhiều nước bị ảnh hưởng khi các cường quốc tùy ý sử dụng luật, có những hành động trái với quy tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế”. Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng có lẽ ai cũng hiểu, Malaysia cũng không chấp nhận hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Cách đây 3 ngày, một lần nữa Mỹ cho thấy họ đang chủ động gắn kết với Việt Nam qua việc Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã đến dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ở Quảng Trị, sau đó ra đứng chuyện trò ngay chính giữa vạch ngăn đôi của cây cầu Hiền Lương lịch sử. Đây là một chuyến thăm đặc biệt, là một hành động rất có ý nghĩa, là một biểu tượng của việc khép lại quá khứ, tôn trọng sự thật, hướng tới tương lai hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Bản thân Đặng Trường nghĩ đó cũng là một tín hiệu đáng mừng, có lợi cho Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đặc biệt các nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ổn định trên Biển Đông trong đó đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông dựa theo UNCLOS năm 2016. Đặng Trường thấy rằng Việt Nam không còn cô đơn trên con đường khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo nữa. Trung Quốc càng leo thang căng thẳng trên biển Đông thì không chỉ cả thế giới biết rõ bộ mặt ăn cướp của họ mà còn vô hình chung đưa các quốc gia trong khu vực và thế giới xích lại gần Việt Nam hơn.
Nếu các nước nhân nhượng, Trung Quốc sẽ lấn tới. Nhưng nếu như chúng ta cương quyết thì họ cũng sẽ phải lùi. Sự việc giàn khoan Hải Dương 981 là một ví dụ. Nên nhớ, nền tảng đảm bảo cho hoà bình và vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là sự đoàn kết từ bên trong, bước đi cương nhu hợp lý, khôn ngoan đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới có cùng lợi ích chung để ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Đặng Trường
Nguồn: Ngọn Cờ