Ngày 16/08/2019, bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón trẻ trong vụ việc ở trường Gateway, đã nhờ Văn phòng Luật sư Thành Sơn bào chữa cho mình. Ngày 20 và 22, bà Quy và luật sư nói với báo chí rằng bà bị oan, và vụ việc này còn nhiều tình tiết cần làm rõ. Ngoài 6 tình tiết mà dư luận mạng đã đề cập trước đó, bà Quy cung cấp thêm ít nhất 7 tình tiết mới, có thể tạm chia thành 3 nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất gồm 2 tình tiết khiến bà Quy cho rằng nhà trường phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc, sau đó mới đến bà và lái xe.
Tình tiết thứ nhất, là bà chưa được ông Đoàn (chủ xe) tập huấn về cách đưa đón học sinh, như thông tin ghi trong biên bản của cơ quan điều tra.
Tình tiết thứ hai, là nhà trường không phân công người đếm, xác nhận số học sinh mà bà bàn giao cho họ.
Nhóm thứ hai gồm 2 tình tiết khiến bà Quy cho rằng bà có thể không bỏ quên nạn nhân trong xe oto, vì thế không phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân.
Tình tiết thứ nhất, là theo trí nhớ của bà Quy, thì bà đã kiểm tra kỹ trước khi đưa trẻ vào trường, để thấy không còn người hay đồ vật nào trên xe, các rèm cửa của xe để mở. Dù vậy, khi bà lên xe vào buổi chiều, trên xe có nạn nhân cùng 1 quả bóng bay, và rèm cửa của xe đang khép.
Tình tiết thứ hai, là trong buổi sáng 06/08, lái xe Doãn Quý Phiến mới là người cuối cùng rời xe oto. Vì vậy, có thể có nhiều chuyện xảy ra từ lúc bà Quy xuống xe cho đến khi ông Phiến đỗ xe vào bãi.
Nhóm thứ ba gồm 3 tình tiết khiến bà Quy cho rằng mình đang bị vu oan.
Tình tiết thứ nhất, là khi bà Quy đang làm việc với công an trong 2 ngày 07 và 08/08, có người bảo bà ký vào hợp đồng lao động, nhưng bà không ký. Cùng lúc đó, ông Đoàn (chủ xe) cho người đến nhà bà Quy để lấy bản photocopy chứng minh thư và sổ hộ khẩu của bà, đồng thời bảo chồng bà ký tên vào sơ yếu lý lịch để làm hồ sơ lao động cho bà, nhưng chồng bà cũng không ký tên.
Tình tiết thứ hai, là trong buổi làm việc ngày 20/08, công an không cho bà gọi điện thoại, và xóa số của luật sư trong điện thoại, khiến bà không liên lạc được với luật sư bào chữa.
Tình tiết thứ ba, là trong buổi làm việc ngày 20/08, khi bà Quy khẳng định rằng mình đã đón đủ 13 học sinh, điều tra viên bật một video cho thấy bà chỉ đón 12 học sinh. Bà Quy nghi ngờ đoạn phim; vì báo chí nói rằng camera không lưu video do bộ nhớ đầy; và vì bà chỉ được xem 1 trích đoạn ngắn, từ 1 góc quay, với hình ảnh không rõ. Tuy nhiên, khi gia đình đến đón bà Quy vào buổi tối, điều tra viên giục bà ký vào biên bản thừa nhận thiếu sót của bà để 2 bên còn ra về, khiến bà ký luôn mà không cân nhắc kỹ vì mệt.
Nhân các diễn biến vừa nêu, giới “dân chửi” đã tuyên truyền rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo công an “ép cung” bà Quy, để bà nhận phần trách nhiệm lẽ ra phải thuộc về trường Gateway. Cáo buộc này liên quan đến tin đồn mà Đường Văn Thái tung ra vào ngày 07/08, rằng 3/4 cổ đông sáng lập của Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit (tức doanh nghiệp sở hữu trường Gateway) là con cháu của các quan chức Việt Nam, như Trung tướng Công an Trần Văn Vệ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, bà Quy không phải là một người ngoài cuộc trung lập, mà là nghi phạm trong vụ Gateway. Trong các vụ án hình sự, nghi phạm có thể cố tình cung cấp thông tin sai, hoặc vô tình chỉnh sửa, thêm bớt ký ức của mình, do động cơ chối tội hoặc do tâm lý hoảng loạn. Vì vậy, trước khi tin hoặc không tin lời nói của bà Quy, dư luận cần đánh giá tình trạng tâm lý của bà, đồng thời đối chiếu lời nói của bà với kết quả phân tích vật chứng và lời khai của các bên liên quan.
Về mặt tâm lý, chính bà Quy và luật sư đã thừa nhận rằng bà có dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn, khiến sau khi tiếp xúc với cơ quan điều tra và báo chí, bà không nhớ mình đã khai những gì, đồng thời rút lại một số điều mình đã khai:
Vì vậy, dù bà Quy “nhớ” rằng mình không để sót học sinh trên xe, hoặc rằng rèm cửa đã đóng vào buổi chiều, ta không thể vội tin trí nhớ của bà khi chưa đối chiếu nó với các nguồn thông tin khác.
Về giá trị của lời khai, bà Quy đã cung cấp cho báo chí một số thông tin không thể xác minh, hoặc không chính xác.
Cụ thể, khi bà Quy nói rằng ảnh chụp ông Phiến trên báo chính thống có tóc bạc hơn người thật, bà đã nhận định không chính xác. Hãy so sánh ảnh trên báo với ảnh đại diện của ông Phiến trên mạng xã hội:
Trong khi đó, lời kể của bà Quy về cái áo đỏ và quả bóng bay là khó xác minh. Về cái áo đỏ, nạn nhân có thể đã thay áo trên xe do trời nóng. Về quả bóng bay, nó có thể do học sinh mang lên xe vào buổi chiều (do các cháu lên xe trước bà Quy), chứ không nằm trên xe từ sáng như giả thuyết của bà Quy. Và vì học sinh tên Minh đã mang quả bóng về nhà, lời kể này không thể kiểm chứng.
Thứ hai, việc chủ xe Đoàn cố gắng ký hợp đồng lao động với bà Quy sau khi nạn nhân tử vong, và việc điều tra viên giục bà Quy ký nhận để ra về, chưa tạo thành bằng chứng vững chắc để chứng minh rằng bà Quy vô tội và bị trường Gateway “vu oan”. Cụ thể, nếu hành vi vừa nêu của ông Đoàn có thật, nó không cho thấy ông đang “vu oan” bà Quy, mà chỉ cho thấy ông đang trốn tránh trách nhiệm của bản thân mình trong vụ việc. Lời thúc giục của điều tra viên, nếu có, có thể xuất phát từ cảm xúc cá nhân, thay vì xuất phát từ một “âm mưu” của trường Gateway. Như vậy, những chi tiết này cũng cần được đánh giá thêm trước khi kết luận.
Thứ ba, quan điểm của bà Quy, rằng chủ xe Đoàn và trường Gateway cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ việc, là đáng tham khảo trong quá trình điều tra. Quan điểm này sẽ có sức nặng hơn nếu cơ quan điều tra xác định rằng bà Quy không có hợp đồng lao động và không được tập huấn đầy đủ, trái với những gì ông Đoàn đã khai báo. Đây cũng là một quan điểm mà các trường học nên lắng nghe, để cải thiện chất lượng dịch vụ của mình.
Tóm lại, những thông tin mà bà Quy đưa ra là có giá trị tham khảo, nhưng cần được kiểm chứng thêm. Khi các bằng chứng chưa đầy đủ, và khi tòa chưa kết án bà Quy, dư luận không thể quy kết rằng bà Quy vô tội hay có tội.
Nguồn: Loa Phường