Khi phong trào biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hong Kong tiếp tục gây chú ý, giới “dân chửi” Việt Nam đã mở một chiến dịch công kích những cây bút trung lập tỏ ra không có thiện cảm với người biểu tình Hong Kong. Trung tâm của chiến dịch này là vụ Trịnh Hữu Long (Tổng Biên tập Luật khoa Tạp chí) công kích Vũ Khắc Ngọc (giáo viên từng đưa vụ sửa điểm ở Hà Giang lên báo chí).
Cụ thể, ngày 17/08/2019, Vũ Khắc Ngọc share bài viết “Sinh viên Hong Kong biểu tình trong đêm, kêu gọi Mỹ, Anh ủng hộ”; rồi bình luận rằng “các thanh niên Hong Kong đang tự phá hủy nồi cơm của chính mình dưới sự kích động từ bên ngoài”. Thấy vậy, Trịnh Hữu Long viết một bài dài, để công kích rằng Ngọc trên 2 điểm.
Thứ nhất, Long nói Ngọc và nhiều người Việt Nam có học khác chỉ biết đến những nhu cầu cấp thấp như cơm áo gạo tiền, mà không biết đến những nhu cầu cấp cao như “nhu cầu tự do”.
Thứ hai, Long nói Ngọc và những người tương tự đang “phát ngôn chống lại một phong trào biểu tình đòi dân chủ”, để “tạo cho mình một địa vị an toàn hơn trong mắt chính quyền”, nhằm trục lợi, tránh bị chính quyền chú ý.
Cuối bài, Long gọi việc công kích Ngọc là một cách thức “ôn hòa” để “phản đối kịch liệt những luồng tư tưởng phản dân chủ”. Hưởng ứng Long, nhiều cá nhân chống đối khác cũng đồng loạt công kích Ngọc bằng comment và bài viết. Việc này khiến Ngọc phải block họ và nhờ các fanpage ủng hộ Nhà nước hỗ trợ, dù trước đó Ngọc chọn thế đứng trung lập.
Khi chọn công kích các cây bút trung lập, Trịnh Hữu Long có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Phạm Đoan Trang. Cuối tháng 02/2019, nhân vụ đóng cửa Quỹ Phan Chu Trinh, Trang từng mở một chiến dịch công kích cánh trí thức “phò chính thống”, “hoạt động hợp pháp” của ông Chu Hảo. Khi đợt biểu tình ở Hong Kong bùng phát vào tháng 6, Trang tiếp tục viết rằng “nếu là người tiến bộ, phải ủng hộ Hong Kong chống Luật Dẫn độ”; và rằng “không ít kẻ mang danh học giả, chuyên gia, nhà báo… bằng cấp đầy mình, quan hệ rộng, tầng lớp cao mà không bằng được đứa học sinh cấp lll ở Hong Kong”.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, dưới góc nhìn dân chủ, nhân quyền, giáo viên Vũ Khắc Ngọc có quyền theo đuổi những nhu cầu căn bản như “nồi cơm”, quyền đưa ra ý kiến cá nhân về đợt biểu tình ở Hong Kong, và quyền ủng hộ những lực lượng chính trị như Nhà nước Việt Nam hiện tại. Trong khi đó, ông Ngọc không có nghĩa vụ phải ủng hộ các cuộc “cách mạng dân chủ” ở nước ngoài, cũng không có nghĩa vụ đặt “nhu cầu tự do” lên trước “nhu cầu vật chất”. Vì vậy, khi Trịnh Hữu Long phát động một đợt công kích, hạ nhục Vũ Khắc Ngọc, Long đại diện cho lợi ích chính trị của phe cánh mình, chứ không còn đại diện cho lý tưởng dân chủ, nhân quyền. Hy vọng Long biết điểm dừng, không mờ mắt vì chuyện thắng – thua, đến nỗi quên lý tưởng ban đầu của mình, và quên đồng cảm với những người dân bình thường, trung lập trong xã hội. Nên nhớ trong lịch sử, những thế lực chính trị tuyên bố trịch thượng rằng “Ai không theo tao là chống tao!” thường không đem lại điều tốt đẹp cho dân chúng.
Thứ hai, vì Trịnh Hữu Long sống ở nước ngoài và hưởng lương của “phong trào dân chủ”, Long càng đấu tranh vì “nhu cầu tự do” thì càng làm đầy “nồi cơm” của mình. Trong hoàn cảnh này, Long không nên gán cho bản thân mình một tư cách đạo đức cao hơn tư cách của thầy Vũ Khắc Ngọc, như Long đang thể hiện.
Nguồn: Loa Phường