Trang chủ Biển - Đảo Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ...

Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

207
0

Trước hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông từ 4/7 đến nay khi Trung Quốc liên tục cho đoàn tàu thăm dò, khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống quấy nhiễu tại bãi Tư Chính nhằm cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực này, Việt Nam đã nhận được nhiều tuyên bố ủng hộ của thế giới và lên án Trung Quốc đe dọa hòa bình Biển Đông.

Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính. 

Ngày 31/7, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Ngày 1/8, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định, nước này có lợi ích to lớn ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở vùng biển này. 

Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar. (Nguồn: Reuters)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, lập trường của nước này là rõ ràng và nhất quán rằng, New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên trên Biển Đông phù hợp với các quy tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; đồng thời nhấn mạnh, 55% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển qua Biển Đông, vì vậy, New Delhi “có nguyện vọng chính đáng và hợp pháp về hòa bình, ổn định và việc tiếp cận an toàn đối với các tuyến đường thủy chính trong khu vực”.

Ngày 2/8, Báo The Sydney Morning Herald (SMH) của Australia đưa tin, Ngoại trưởng nước này cùng hai người đồng cấp Mỹ, Nhật đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về diễn biến tiêu cực và hoạt động triển khai vũ khí ở Biển Đông.

Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Ngoại trưởng 3 nước Mỹ – Nhật – Australia lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí ở Biển Đông. (Nguồn: SMH)

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp của Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).

Trong tuyên bố chung, “các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” đối với “các báo cáo đáng tin cậy” về “những diễn biến tiêu cực ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể tranh chấp”.

Theo tuyên bố chung, các ngoại trưởng “phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương mang tính ép buộc có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng như cải tạo đất, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các đảo tranh chấp và những hành động khác làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở những khu vực chưa phân định”. Những người đứng đầu Bộ Ngoại giao ba nước tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của nó trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải.

Ngày 22/8, Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu mỏ và khí đốt tại các vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Mỹ đồng thời cho rằng, điều này tạo ra những hoài nghi nghiêm trọng về cam kết của Bắc Kinh đối với giải pháp hòa bình về tranh chấp hàng hải. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc Trung Quốc tái triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu nhà nước, cùng với nhóm tàu hộ tống có vũ trang, trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam hôm 13/8 là “một hành động leo thang của Trung Quốc trong các nỗ lực nhằm đe dọa các bên khai thác tài nguyên tại Biển Đông”.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bắt nạt” trên biển Đông, dẫn ra chuyện nước này “can thiệp cưỡng ép” vào hoạt động dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, các hoạt động của Bắc Kinh đi ngược lại cam kết mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đưa ra trong bài phát biểu tại Singapore vào tháng 6 năm nay rằng, nước này sẽ “đi đúng con đường phát triển hòa bình”. “Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu duy trì chiến thuật bắt nạt”, tuyên bố của Lầu Năm Góc nói. Sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hôm qua vẫn nói Mỹ “thổi phồng ác ý” tình hình biển Đông và đưa ra “chỉ trích không có cơ sở”. 

Hàng loạt chính giới các nước ra tuyên bố ủng hộ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Ngày 27/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định, nước này phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Kono cho biết: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”.

Theo Ngoại trưởng Kono, sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á diễn ra gần đây ở Bangkok (Thái Lan), ông đã nêu quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông. Ông cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào. Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh: “Tôi đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Ngày 28/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông cáo nêu rõ quan điểm về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây. Thông cáo được đưa trên trang web chính thức của EU nhấn mạnh: “Những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bình yên phát triển kinh tế của khu vực”.

Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng trước đây, kiềm chế, không quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Thông cáo của EU nhấn mạnh, các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên.

Cũng trong thông cáo, EU khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ các tiến trình hiện đang được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên thứ ba.

EU mong muốn các bên sớm hoàn tất, trên tinh thần minh bạch, các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý. EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Ngày 29/8, trang web Bộ Ngoại giao Đức đã đăng tải thông cáo về tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông, bày tỏ:”Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn tới sự bất an và bất ổn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven Biển Đông thực hiện các biện pháp và giải pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do và hàng hải trên khu vực Biển Đông.

Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó, mọi hoạt động ở các các vùng biển bao gồm cả ở Biển Đông phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/7/2016.

Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên các quy tắc, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích tiến tới kết luận sớm”.

Như vậy có thể thấy, cộng đồng quốc tế đều đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và lên án Trung Quốc, họ đều khẳng định lợi ích “tự do hàng hải” trên Biển Đông liên quan đến lợi ích đất nước họ. Cùng với tuyên bố ngoại giao là những hỗ trợ thúc đẩy giao thương, hợp tác quốc phòng, hỗ trợ trang bị tự vệ cho lực lượng chấp pháp và quân đội Việt Nam cũng như củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đây là bằng chứng cho sự thành công và đúng đắn trong chính sách ngoại giao “ba không” của Việt Nam – mục tiêu chống phá, đả kích của các thế lực được gọi là “đấu tranh dân chủ, yêu nước” trên mạng thời gian qua. Thay vì tham mưu, hiến kế hay chí ít cũng là thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, họ vớ lấy hành động xâm phạm chủ quyền trên biển của Trung Quốc là cơ hội cho đòi Việt Nam phải thân Mỹ, thoát Trung, phải liên minh quân sự và lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ để nhận được bảo trợ quốc phòng, phải thả hết đám tội phạm chống phá đất nước trong tù ra mới là bằng chứng để “đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm”, Đảng CSVN phài từ bỏ quyền lực, chấp nhận đa nguyên đa đảng mới là bằng chứng “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết”, chính quyền phải cho “dân” tha hồ biểu tình mới là bằng chứng “không hèn nhát, không bán nước”…

Tôi dám cá là trong bối cảnh hiện nay, nếu Việt Nam thực hiện sách lược của giới  tự xưng “nhân sỹ trí thức”, “dân chủ” kia, bán mình cho Mỹ thì Trump sẽ chạy như vịt, bỏ rơi Việt Nam ngay tức khắc, vì cho Việt Nam không xứng đáng là đồng minh hay đối tác của Mỹ. Bảo sao dân chúng xa lánh, xem giới này như loại ký sinh trùng, gọi họ bằng cái tên lột tả bản chất nhất là phản động! 

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây