“Bản thân ông Kình có huy động tiền đóng của một số đối tượng trong xã để đi khiếu kiện; lợi dụng khiếu kiện để trục lợi, gây sức ép chính quyền các cấp xem có được bồi thường, hỗ trợ hay không”, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Ông Kình lợi dụng khiếu kiện để trục lợi
Chiều nay 27/8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức thông tin rộng rãi với báo chí về Kết luận Thanh tra số 2346/KL-TTCP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội, kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25/4/2019 của Thanh tra Chính phủ về kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp Kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của báo giới, có hay không một số đối tượng đang lợi dụng sự việc để đưa ra các luận điệu sai trái và thành phố sẽ xử lý như thế nào, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với tư cách cá nhân và cương vị người đứng đầu tập thể UBND thành phố, ông khẳng định “có một bộ phận đối tượng cơ hội tham gia vào việc lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để lấn chiếm đất và lợi dụng dự án Bộ Quốc phòng triển khai tại đây nhằm mục đích xem có được bồi thường, hỗ trợ hoa màu hay không”.
“Mục tiêu của ông Lê Đình Kình cũng như vậy. Bản thân ông Kình có huy động tiền đóng của một số đối tượng trong xã để đi khiếu kiện; lợi dụng khiếu kiện để trục lợi, gây sức ép chính quyền các cấp xem có được bồi thường hỗ trợ hay không. Nhóm “Đồng Thuận” cũng có ý thức chủ quan lợi dụng khiếu kiện để trục lợi”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Về hướng giải quyết trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, vẫn trên quan điểm “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” như đã khẳng định tại buổi đối thoại với nhân dân Đồng Tâm diễn ra ngày 22/4/2017, pháp luật luôn khoan hồng với người nhận thức được hành vi sai trái của mình.
Theo đó, tại buổi đối thoại cách đây hơn 2 năm, trong 21 nội dung của 7 vị đại diện cho người dân Đồng Tâm nêu ra có yêu cầu chính quyền thành phố công nhận họ chưa bị thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng. Cho đến nay, dù có hiện tượng đó nhưng suốt 2 năm qua, trong khi chờ Thông báo 611/TB-TTCP kết luận về tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra Thành phố, UBND thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm đã song song thực hiện việc kiểm điểm, xử lý đối tượng có sai phạm còn đang đương chức, giữ chức vụ ở thôn, xã, trong HĐND, các đảng viên có vi phạm và đồng thời tiếp tục kiên trì tuyên truyền, thuyết phục.
“Bên cạnh đó, cơ quan Công an vẫn tiếp tục thu thập các tài liệu, xét thấy cần thiết nếu các đối tượng ngoan cố sẽ xử lý theo pháp luật”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Ông Kình không đại diện cho nhân dân Đồng Tâm
Với câu hỏi tới đây UBND thành phố cùng Thanh tra Chính phủ có tổ chức đối thoại với người dân Đồng Tâm không?, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định đây là hoạt động nằm trong chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi khi các đơn vị quân đội sắp tiến hành xây dựng tường rào để bảo vệ các công trình quân sự bên trong khu đất quốc phòng.
Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ bắt buộc các cơ quan liên quan phải đối thoại với dân. Tuy nhiên, đây không phải là vụ việc khiếu nại vì ông Lê Đình Kình không phải là người khiếu nại, không có quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất quốc phòng, không đại diện cho nhân dân Đồng Tâm nên các cơ quan chức năng không áp dụng trình tự giải quyết khiếu nại và bắt buộc phải đối thoại.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định hội nghị công bố thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố hôm nay chính là hình thức đối thoại từ xa với toàn xã hội về những nội dung chưa được hoàn toàn đồng thuận. Việc đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Đồng Tâm đã được các cơ quan chức năng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần sẵn sàng và chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu thấy cần thiết sẽ diễn ra.
“Chúng tôi đối thoại để tất cả mọi người dân hiểu theo đúng pháp luật và thực hiện đúng đắn, tránh xảy ra điều đáng tiếc chứ không có bất cứ sự e ngại, né tránh với bất cứ công dân nào còn ý kiến khác. Trong đơn của ông Lê Đình Kình gửi cho tôi có dòng chữ nhận mình là đại diện cho nhân dân xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, phải khẳng định không phải vì chuyện 59ha đất quốc phòng mà ông lại trở thành đại diện cho nhân dân xã Đồng Tâm khi chưa bao giờ được bầu”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu thêm.
Kết thúc hội nghị cung cấp thông tin, đại diện Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội đều mong muốn tới đây, khi các sự thật khách quan đã được làm sáng tỏ, được công bố công khai, minh bạch và rộng rãi, khi đại bộ phận người dân Đồng Tâm đã đồng thuận với chủ trương này thì một nhóm nhỏ người còn lại sẽ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, không có bất cứ hành động nào chống đối, tạo điều kiện cho các đơn vị quốc phòng thực hiện nhiệm vụ xây tường bao quanh khu đất theo các yêu cầu, mục đích bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đây cũng là việc làm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra sự đồng thuận cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
“Khi tiến hành rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã rà soát những người tiến hành cuộc thanh tra, các đơn vị sử dụng đất, bàn giao đất, tiếp quản sử dụng đất… và không có ông Lê Đình Kình trong đó.
Theo quy định của pháp luật, ông Lê Đình Kình có quyền phản ánh theo Luật Tiếp công dân (bằng đơn hoặc đến trụ sở tiếp công dân) và có quyền tố cáo theo Luật Tố cáo. Ngoài 2 quyền này, ông Kình không có các quyền khác theo quy định của pháp luật, đặc biệt không có quyền khiếu nại. Trước có ý kiến cho rằng khi Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát nhưng không gặp ông Lê Đình Kình là do ông không phải là đối tượng để rà soát, kiểm tra”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nói.
N. Huyền/Infonet
Nguồn: Cánh Cò