Trang chủ Bản tin Dân chủ Về 3 câu hỏi của nhà báo Nguyễn Như Phong

Về 3 câu hỏi của nhà báo Nguyễn Như Phong

198
0

Về 3 câu hỏi của nhà báo Nguyễn Như Phong

Cựu nhà báo Nguyễn Như Phong

Ngày hôm qua (24/9), trên trang FB cá nhân của mình, cựu nhà báo Nguyễn Như Phong có đăng 3 câu hỏi mang được “chỉ giáo”. Trước khi đưa ra 3 câu hỏi trên, ông Nguyễn Như Phong giới thiệu rằng, mình đã được đi học chính trị cao cấp và được “sáng” ra nhiều điều. Tuy nhiên, ông thấy có mấy vấn đề mà không ai phân tích, không ai nhắc đến…

3 câu hỏi đó là:

“Câu hỏi thứ Nhất là: Đảng Cộng sản (các nước nói chung)… Khi lãnh đạo nhân dân vùng lên giành độc lập cho đất nước, hoặc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thì rất thành công. Nhưng khi có chính quyền rồi, thì chưa thấy có Đảng cộng sản nước nào lại lãnh đạo nhân dân xây dựng được kinh tế đất nước phát triển? Và sự sụp đổ của Đảng CS các nước Đông Âu, của Liên Xô… cũng bắt đầu từ kinh tế kém phát triển?

Vậy là tại sao? Do đâu? Vì cái gì? Lỗi do ai? Căn bệnh đó xuất phát từ đâu?

Đấy là câu hỏi thứ nhất.

Câu hỏi thứ hai là: Đi lên chủ nghĩa Cộng sản được coi là “Mục tiêu” của loài Người mà cụ Các Mác đã nêu ra, cũng giống như Phật Giáo, mục tiêu của sự tu hành là được giải thoát mọi đau khổ? Thiên Chúa giáo thì được lên Thiên đường với Chúa… Mà đã là mục tiêu thì để đi tới đó sẽ có nhiều con đường… Nếu ví von một cách thô thiển thì cũng như ta đặt mục tiêu là phải vào TP HCM… Vậy từ HN, ta có thể máy, bay, hoặc đi tàu hỏa; hoặc đi xe khách… Đi xe khách thì có loại có giường nằm, có loại nhét như nhét lợn; Đi máy bay có loại hạng C, có loại hàng E, lại có máy bay giá rẻ? Rồi có thể đi tàu biển? Có thể đi xe máy, và thậm chí, có thể ròng rã cuốc bộ… Quan trọng là phải đi đến nơi? Phật giáo cũng có nhiều con đường để đi đến giải thoát, đó là có 10 tông phái khác nhau và mỗi tông phái có một cách tu tập khau nhau…Vậy hà cớ gì mà ta đi lên ” Chủ nghĩa Cộng sản” bằng con đường như hiện nay? Mà không chọn con đường khác? Mà con đường ấy, Cụ Các Mác, cụ Lê Nin đã chỉ ra rồi :” Chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn cực thịnh thì sẽ xuất hiện mầm mống chủ nghĩa xã hội”… Cứ bảo chúng ta là theo Mác, theo Lê Nin, theo Bác Hồ, nhưng xem ra toàn là học trò phản thầy… Những lời dạy cốt tử thì không theo, toàn cố gắng học theo cái đâu đâu ấy?

Câu hỏi thứ ba: Từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ ra rất nhiều căn bệnh xấu của Đảng viên. Trải qua năm tháng, qua nhiều giai đoạn lịch sử, những căn bệnh ấy xem ra không thuyên giảm và còn nặng nề hơn rất, rất, rất nhiều? Vậy tại sao lại như thế? Tại sao Đảng viên Đảng CSVN ngày càng giảm uy tín đi trong con mắt người dân?

Đọc những câu hỏi này của nhà báo Nguyễn Như Phong điều đầu tiên tôi cảm nhận được thực sự là một sự thất vọng. Tôi đã từng đọc và từng yêu thích rất nhiều tác phẩm của ông khi ông còn làm việc ở Báo Công an nhân dân. Ông đã có nhiều tác phẩm rất hay viết về đề tài cảnh sát hình sự, viết về các phóng sự điều tra, phóng sự dài kỳ, không những vậy ông còn được biết đến với vai trò nhà biên kịch phim truyền hình. Một người như ông đã từng mang trên mình quân hàm Đại tá, từng có nhiều năm công tác trong ngành Công an và nhiều năm trên cương vị Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, ấy thế mà ông lại có thể đưa ra những câu hỏi mà tôi thấy rằng nó có lẽ không xứng với ông.

Về câu hỏi thứ nhất, ông Nguyễn Như Phong có hỏi rằng, Đảng Cộng sản các nước khi lãnh đạo nhân dân vùng lên giành độc lập cho đất nước, hoặc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thì rất thành công. Nhưng khi có chính quyền rồi, thì chưa thấy có Đảng cộng sản nước nào lại lãnh đạo nhân dân xây dựng được kinh tế đất nước phát triển? Ông đã từng có nhiều năm làm nhà báo, từng được đi học cao cấp chính trị rồi mà hỏi hơi lạ.

Ông Nguyễn Như Phong không biết rằng, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Liên xô đã mất 27 triệu người, các thành phố làng mạc, trung tâm công nghiệp bị phá hủy nặng nề. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô, đất nước Liên Xô đã đạt được những thành tựu vượt bậc, trở thành cường quốc kinh tế của thế giới. Cụ thể: Hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (1946 – 1950), khôi phục kinh tế trước thời hạn 9 tháng. Năm 1950, công nghiệp tăng 73% so với trước chiến tranh; nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh, thu nhập quốc dân tăng 66% so với năm 1940… Từ năm 1950 đến năm 1975, Liên Xô thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn và đã đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế: Về công nghiệp, đến nửa đầu những năm 70 trở thành cường quốc công nghiệp đứng vào hàng thứ hai trên thế giới (sau Mĩ), chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới; Nông nghiệp, sản lượng nông phẩm trong những năm 60 tăng trung bình khoảng 16% mỗi năm. Không những vậy, năm 1949 Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử; năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo; 4/1961, công dân Liên Xô Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ. Đó chẳng phải kỳ tích sao anh Phong?

Thêm nữa chẳng đâu xa, kỳ tích của Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới cũng là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đấy. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Có được điều này chẳng phải Trung Quốc đang được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản đó sao?

Tôi nói vậy có người sẽ hỏi, Liên Xô phát triển như thế sao lại sụp đổ và Trung Quốc đang liên tục gây hấn với Việt Nam sao còn ca ngợi?

Về nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ có lẽ đã được nói, được phân tích rất nhiều. Nói có nhiều nguyên nhân, nhiều lý do, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mô hình, cho thể chế, cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản như điều anh Phong đang ẩn ý. Còn Trung Quốc có gây hấn với Việt Nam mà tôi vẫn lấy họ làm minh chứng thì đây rõ ràng là hai vấn đề khác nhau. Họ phát triển tốt về kinh tế thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Trung Quốc thời kỳ Mao Trạch Đông đã gặp phải những khó khăn như thế nào, thế nhưng dưới thời kỳ của Đặng Tiểu Bình họ lại có những bước cất cánh quan trọng và tạo nền tảng vững chắc để Trung Quốc có được như ngày hôm nay. Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của nhân tài là rất quan trọng.

Về câu hỏi thứ hai, có thể thấy rằng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mỗi nước một khác nhau, không rập khuôn, cái này chắc hồi học cấp 3 anh đã biết.

Còn câu hỏi thứ ba có lẽ tôi sẽ không trả lời vì cứ nhìn từ anh ra sẽ thấy câu trả lời ngay.

Đó là vài lời của tôi với anh, không phải “chỉ giáo” như anh nói. Anh đã từng được tôi mến mộ, từng được tôi yêu thích, nhưng có lẽ giờ đây anh thực sự đã là một con người khác. Chẳng biết có phải vì anh bị kỷ luật, vì anh bị thu hồi thẻ nhà báo mà anh trở thành con người khác hay không?

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây