Trang chủ Luận bàn - Phản biện Trung Quốc liệu có đang trỗi dậy hòa bình

Trung Quốc liệu có đang trỗi dậy hòa bình

151
0

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã dùng mọi biện pháp có thể để thuyết phục thế giới rằng họ đang trỗi dậy một cách hòa bình. Cụm từ “trỗi dậy hòa bình” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2003, thời điểm ông Zhen Bijian, khi đó là Hiệu phó Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài phát biểu tại Diễn đàn Bắc Ngao. Cụm từ này về sau được các nhà lãnh đạo Trung Quốc – như Thủ tướng Ôn Gia Bảo – sử dụng trong nhiều bối cảnh quốc tế khác nhau.

Trung Quốc liệu có đang trỗi dậy hòa bình

Tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam

Các nguyên tắc chính của lý thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc – từ  năm 2004, học thuyết này đã được gọi bằng cái tên “phát triển hòa bình” trong đó Trung Quốc sẽ không tham vọng quyền bá chủ; sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của họ sẽ không đe dọa tới an ninh và ổn định của khu vực cũng như của thế giới; các nước khác sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bắc Kinh tập trung phát triển quyền lực mềm và cho rằng thúc đẩy mối quan hệ tốt với các nước láng giềng sẽ không những không làm suy yếu mà ngược lại còn cải thiện sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc. Như vậy, học thuyết trỗi dậy hòa bình đề cao cách tiếp cận toàn diện cho các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó có các tranh chấp lãnh thổ biển tại các vùng biển gần Trung Quốc.

Tuy nhiên hành động của Trung Quốc thời gian gần đây đã cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại lý thuyết này, thách thức chủ quyền của Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, củng cố lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát, tăng cường thêm các phương tiện quân sự bao gồm sân bay để củng cố vị thế, chèn ép các nước ASEAN. Những nỗ lực này rõ ràng nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và như một số nhà phân tích phương Tây lo ngại, cuối cùng Trung Quốc có thể đẩy thương mại tại khu vực Đông Á vào một cuộc xung đột.

Bằng chứng là vào ngày 13-8-2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng qua, các tàu của Trung Quốc xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam. Bởi lẽ, Bãi Tư Chính là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982″.

Theo người phát ngôn Thu Hằng, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế. Đồng thời Việt Nam cũng hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên trường quốc tế.

Như vậy, có thể thấy rằng hành vi của Trung Quốc chỉ khiến các nước khác thấy rằng học thuyết “trỗi dậy hòa bình” của họ đã kết thúc. Sự quyết đoán và hung hăng của Bắc Kinh đã làm cho nhiều quốc gia láng giềng lo ngại. Chỉ có cách tôn trọng hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, Bắc Kinh mới có thể vừa làm giảm căng thẳng tại khu vực, vừa duy trì được sự phát triển trong dài hạn của mình.

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây