Trang chủ Luận bàn - Phản biện Không chấp hành mệnh lệnh, tấn công lực lượng CSGT: Chuyện ngày...

Không chấp hành mệnh lệnh, tấn công lực lượng CSGT: Chuyện ngày càng trở nên nghiêm trọng

150
0

Tối ngày 20/8 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Chương Mỹ, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông đã phát hiện và ra hiệu lệnh dừng một ô tô con chạy quá tốc độ, lưu thông theo hướng từ Miếu Môn về thị trấn Xuân Mai. Sau đó, tổ công tác đã thông báo đến những người trên xe về kế hoạch làm việc, nội dung kiểm tra, trong đó có đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, những người xuống xe tỏ thái độ chống đối lăng mạ, chửi bới, xô đẩy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Một đối tượng thậm chí đã tấn công một cán bộ CSGT, làm người này bị thương. Ngay sau đó, xuất hiện thêm nhóm đối tượng khác điều khiển xe máy mang theo tuýp sắt đến hiện trường cản trở, gây áp lực. Lợi dụng tình hình lộn xộn, 5 đối tượng ban đầu đã lên xe ô tô bỏ đi.

Không chấp hành mệnh lệnh, tấn công lực lượng CSGT: Chuyện ngày càng trở nên nghiêm trọng

Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành và tuân thủ luật pháp của người tham gia giao thông. Đây không phải là một vấn đề mới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc chống đối lực lượng chức năng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ một thanh niên 16 tuổi lao thẳng xe với tốc độ cao vào người một chiến sĩ CSGT ở Hải Phòng khiến người này bị trọng thương; một đối tượng ở Phú Thọ, sau khi bị CSGT lập biên bản xử phạt do đi xe máy không đội mũ bảo hiểm và có nồng độ cồn, đã về nhà lấy dao rồi quay lại hiện trường đâm thấu lưng một trung úy CSGT; tại Đồng Nai, hai đối tượng bị lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe vì nồng độ cồn vượt mức cho phép đã không đồng ý ký vào biên bản và còn có hành vi sử dụng đá để tấn công, gây thương tích cho hai chiến sĩ CSGT…

Qua những sự việc vừa qua có thể giúp chúng ta rút ra một số nhận định:

– Thứ nhất, CSGT thực sự là một nghề quá nguy hiểm.

Thái độ, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông đặc biệt kém. Kém không chỉ ở việc không tuân thủ quy định luật giao thông đường bộ mà còn ở việc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng. Nhiều đối tượng khi nhận thấy hiệu lệnh của CSGT không chịu dừng lại chấp hành, thậm chí sẵn sàng lao thẳng phương tiện của mình về phía những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gây nguy hiểm cho các chiến sĩ CSGT. Một điều đáng lo ngại nữa, thực tế đã có những hội nhóm, group được lập ra làm nơi để các tài xế bày nhau cách đối phó với CSGT và bày nhau cả cách “thông chốt”. Cực kỳ nguy hiểm khi mà những hành vi nguy hại từ những cá nhân đơn lẻ lại được tập kết thành cả một hội nhóm, một “cộng đồng”.

– Thứ hai, CSGT đang phải chịu cái nhìn, đánh giá bất công của dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng cũng chính bởi vì một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT có những hành vi xử sự không đúng, gây tâm lý ức chế cho người dân, nên thành ra người dân mới có thái độ chống đối như vậy. Điều này không phủ nhận. Nhưng đó chỉ là thiểu số, hơn nữa, ở thời đại này rồi, tài xế xuống xe xuất trình giấy tờ là lăm lăm trên tay cái sờ mát phôn, chỉ cần hở một cái là mấy anh tài xế có clip đưa lên mạng xã hội. Thử hỏi có cái bài viết nào giật tít liên quan đến CSGT mà không thu hút lượng lớn người quan tâm không? Và khi mọi thứ đã công khai như vậy, thì các bạn yên tâm một điều rằng nếu có cán bộ vi phạm thì kỷ luật công an đủ sức để răn đe, xử lý. Còn chính bản thân những người tham gia giao thông hãy chấp hành cho tốt, nếu không sai thì sao phải sợ.

Ra đường giờ ai cũng sợ “xe điên”, khi thì do tài xế phê ma túy, khi thì do tài xế say rượu gây ra. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi ai sẽ là người tiên phong, bằng đủ các biện pháp, ngày đêm nghiên cứu, lên kế hoạch để làm sao kiểm tra, ngăn chặn kịp thời không để chúng hóa “xe điên”? Ai là người đội nắng đội mưa giữa đường phân luồng giao thông để đảm bảo việc lưu thông cho người dân được thuận lợi nhất? Gặp cảnh tắc đường, nhìn thấy đám trẻ trâu đèo ba, đèo bốn, phóng nhanh vượt ẩu thì ai là người bị đem ra chửi? Câu trả lời là CSGT. Chúng ta vẫn luôn dành nhiều sự chú ý vào mặt tiêu cực mà quên đi mất những giá trị mà họ mang lại.

Thứ ba, quyền trong tay CSGT vẫn còn bị hạn chế.

Có nhiệm vụ nặng nề, nhưng dường như cái quyền lực được trao cho họ vẫn là quá hạn chế để họ tự tin làm việc. CSGT bây giờ giống người thuần về chỉ dẫn giao thông hơn là người có chức năng phát hiện, xử lý vi phạm. Các chiến sĩ CSGT được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, nhưng họ dùng được khi nào? Lấy dùi cui, lấy súng ra để răn đe, trấn áp thì lại bị ngay mấy anh chị lều báo la làng công an đánh dân. Một thực tế hiện nay, bất kỳ một hình ảnh, một clip nào được chia sẻ lên mạng xã hội nếu có hình ảnh ẩu đả hay thương tích với sự xuất hiện của một bên là CSGT và một bên là người vi phạm, thì mặc định định kiến rằng CSGT đánh dân và sẽ là người bị “ném đá”, bất chấp đúng sai. Quyền của họ đấy, nhưng họ đâu có điều kiện để thực hiện nó. Những kẻ vi phạm, buông lời mạt sát, có những hành vi côn đồ thì vẫn được cộng đồng mạng gọi bằng “người dân”, còn anh CSGT thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông cho dân, thì được gọi trìu mến là “thằng”.

Những kẻ côn đồ sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng còn những hậu quả mà chúng để lại không chỉ cho các CSGT mà còn cho những người khác nữa liệu có khắc phục được hết? Chúng ta cần dành những cái nhìn và sự quan tâm đúng đắn hơn nữa cho những chiến sĩ CSGT và công việc của họ, cùng chung tay để ủng hộ việc xử lý mạnh tay hơn nữa những hành vi côn đồ, chống đối người thi hành công vụ của những kẻ vô ý thức ngồi sau vô lăng để đảm bảo sự an toàn cho chính chúng ta trước khi quá muộn.

LION

Nguồn: Nhân quyền, Biển đảo Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây